Thứ Năm, 29/11/2012 21:17

Quý IV/2012: Chu kỳ không lặp lại

Các DN đang có rất ít thời gian để tăng tốc trong cuộc đua về đích 2012. Liệu họ có thể trông đợi một sự đột phá trong quý IV này?

Ngoại trừ một số DN đã về đích trước hạn hoặc gần chạm đích 2012, đa số DN đều lấy quý IV là thời điểm để tăng tốc. Thông thường, quý IV là thời điểm tăng tốc khá hiệu quả. Chẳng hạn, với ngành thực phẩm, đây là giai đoạn doanh số tăng mạnh do tốc độ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn các quý. Vì tuy Tết cổ truyền chưa đến nhưng Noel, Tết Dương lịch là các dịp thuận lợi để DN gia tăng sức bán thực phẩm, bánh kẹo.

Còn nhớ quý IV năm ngoái, trong giải trình với HOSE về kết quả kinh doanh tăng mà lợi nhuận giảm, lãnh đạo CTCP Bibica (BBC) cho biết, nguyên nhân của doanh thu tăng 17% trong quý IV/2011 là do giá vốn hàng bán giảm trong khi giá thành bán ra lại tăng hơn 10,8% cùng kỳ. Nếu không vì các chi phí như bán hàng, quản lý DN… đều tăng, BBC đã không sụt giảm lợi nhuận. Trong quý IV năm nay, BBC đặt mục tiêu lợi nhuận 30 tỷ đồng, tức gần gấp ba mức lãi mà Công ty đã đạt được trong 9 tháng đầu năm. Mục tiêu này được BBC đưa ra trên cơ sở yếu tố mùa vụ. Phía CTCP Kinh Đô (KDC) thì cho biết, lợi nhuận của KDC sẽ tiếp tục ổn định đến cuối năm. KDC dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% sản lượng trong mùa lễ tết năm nay.

Một số ngành như bất động sản, thủy sản cũng hay trông đợi vào yếu tố mùa vụ cuối năm. Tuy nhiên, trái với ngành thực phẩm, diễn biến ở thị trường bất động sản, thủy sản có những khác biệt lớn so với quý IV các năm. Liên quan đến lực cầu trên thị trường bất động sản, Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank cho rằng, từ tháng 10 trở đi, sức mua căn hộ có chiều hướng tăng lên. Nhưng thay vì đối tượng giao dịch trên thị trường bất động sản phong phú vào dịp cuối năm, năm nay khách mua căn hộ sẽ chủ yếu là người có nhu cầu ở thực sự. Các khách hàng cũng chỉ hướng sự chú ý đến phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng, có diện tích từ 55 m2 đến dưới 100 m2 và trong diện dự án đã hoàn thành hoặc sắp bàn giao. Vì thế, những DN nào đang triển khai những dự án đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ có cơ hội cải thiện tình hình kinh doanh.

Nhìn lại tình hình xây dựng dự án ở các DN bất động sản niêm yết, số DN đã và đang tiến hành bàn giao căn hộ cho khách hàng như Sacomreal (SCR), ThuDuc House (TDH)… không nhiều. Đặc biệt, nhiều đơn vị như Phát Đạt (PDR), Vạn Phát Hưng (VPH)… vẫn còn bị kẹt trong các dự án thuộc phân khúc cao cấp. Mặc dù các DN này đã kịp thời điều chỉnh và chuyển hướng mở rộng sang phân khúc trung bình thấp, nhưng sẽ mất thêm một thời gian nữa để DN đầu tư, tạo sản phẩm hợp nhu cầu. Trong thời gian đó, các chuyên gia dự báo, ngoài bài toán tạo doanh thu, lợi nhuận, những DN này sẽ chịu nhiều áp lực về dòng vốn và chi phí tài chính.

Tương tự, năm nay tình thế đã đảo ngược ở ngành thủy sản. Tiêu thụ cá tra, tôm xuất khẩu vẫn chậm, bất chấp mùa Giáng sinh, Tết tây đang đến. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tại địa phương này, vẫn còn khoảng 780 héc-ta cá tra chưa thu hoạch. Các DN không mặn mà sản xuất một phần vì nhu cầu xuất khẩu giảm, nhưng quan trọng là kể cả bán được hàng, DN vẫn bị lỗ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN thủy sản, nếu như trước đây Đồng bằng sông Cửu Long có 17 DN và 23 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra thì nay, con số nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra chỉ còn lại 6 đơn vị. Làm ăn thua lỗ và thiếu vốn khiến nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Ngay CTCP Hùng Vương - một DN hàng đầu ngành thủy sản - cũng phải giảm công suất nhà máy xuống 50%.

Trong ngành khoáng sản, ngoại trừ BMC, HGM, KSB…, những DN còn lại cũng đang hụt hơi trong cuộc đua về đích. 5 DN trong tổng 18 DN khoáng sản niêm yết đã bị thua lỗ trong 9 tháng 2012. Thua lỗ nặng nhất thuộc về BKC, kế đó là MIC, MMC, MIMKSS. Quan trọng là các DN này khó hy vọng bứt phá vào quý IV này, bởi nhìn trên kết quả kinh doanh từ quý IV/2011 trở lại đây, nhà đầu tư chỉ thấy sự sa sút kéo dài về doanh thu, lợi nhuận so với các quý trước đó. Thậm chí, MIC còn trượt dài trong thua lỗ. Nếu MIC hay KTB không có nguồn thu từ tài chính kéo lại, chắc chắn đã thua lỗ nặng nề hơn.

Rõ ràng, đã có những diễn biến bất thường trong mùa kinh doanh cuối năm nay của các DN. Vì thế, một hy vọng DN lội ngược dòng hoặc bứt phá mạnh mẽ trong quý IV năm nay gần như khó xảy ra. Trên thực tế, những ngành nghề nào, những DN nào nổi bật, có khả năng tạo bứt phá và về đích tốt đều đã ít nhiều thể hiện trong kết quả kinh doanh ở các quý trước đó.

Ngọc Thủy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   BVH: Ông Lê Quang Bình tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT (29/11/2012)

>   Chứng khoán Vietinbank giảm 16% kế hoạch lãi trước thuế 2012 (29/11/2012)

>   TDC: Đóng cửa văn phòng đại diện Hà Nội (29/11/2012)

>   IJC: Ước lãi cả năm 191 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch (29/11/2012)

>   VSH: BCTC HN Q3-2012 (29/11/2012)

>   VCR lấy ý kiến về việc thay đổi trụ sở làm việc (29/11/2012)

>   HLA: 06/12 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 (29/11/2012)

>   HAG: Bổ sung lý do và mục đích chốt danh sách cổ đông (29/11/2012)

>   PHS: Đóng cửa một loạt các chi nhánh, phòng giao dịch (29/11/2012)

>   PTD góp 60% vốn cho dự án tại Campuchia (29/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật