Thứ Ba, 20/11/2012 16:12

EAS-7: Vách đá Trung Quốc

Tạm để “vách đá tài chính” ở lại trong nước, sang Campuchia dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 (EAS7), Tổng thống Obama đối mặt với “vách đá Trung Quốc” không mấy dễ chịu.

Hai diễn đàn quan trọng nhất mà ông Barack Obama tham dự tại Phnom Penh những ngày này là Đối thoại ASEAN-Mỹ và Thượng đỉnh Đông Á. Ngoài hai diễn đàn đa phương, ông Obama còn có những cuộc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Noda. Vấn đề Biển Đông và tình hình tranh chấp lãnh hải căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong và ngoài ASEAN được cho sẽ là một chủ đề nóng giữa các lãnh đạo quốc gia này.

Tuy nhiên, vào đêm trước của Hội nghị EAS7, nước chủ nhà Campuchia đột ngột tuyên bố: tất cả 10 nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí “không quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Kao Kimhourn phát biểu ngày 18.11: “Lãnh đạo ASEAN quyết định từ nay sẽ không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, mà hoàn toàn tập trung vào cơ chế hiện thời giữa ASEAN với Trung Quốc ở cấp bộ trưởng và lãnh đạo, từ đó mà tiếp tục thảo luận về vấn đề Biển Đông”.

Khi bắt tay thủ tướng Hun Sen, tổng thống Mỹ đã không mỉm cười dù chỉ một lần trong suốt thời gian chào hỏi.

“Không quốc tế hóa” là “lãnh địa hóa”

Tuyên bố của Campuchia đã bị Philippines bác bỏ. Ngày 19.11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết Manila và một nước khác nữa, mà giới ngoại giao biết rất rõ đó chính là Việt Nam, đã không đồng tình với tuyên bố của Campuchia. Tổng thống Aquino nói Campuchia không nên rêu rao cái gọi là “sự đồng thuận ASEAN”. Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario nhấn mạnh: đã có một số quan điểm thể hiện tình đoàn kết ASEAN bị nước chủ nhà diễn giải thành “sự đồng thuận ASEAN”. Philippines đã gửi thư tới tất cả các lãnh đạo ASEAN để nói rõ rằng không hề có sự đồng thuận nào giữa các nước ĐNÁ về việc “không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Diễn biến trên có thể nói khá bất thường! Tại ASEAN21 trước đó, các nước trong hiệp hội đã đề xuất phải lập đường dây “nóng” với Trung Quốc, kiến nghị Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán chính thức "trong thời gian sớm nhất có thể" về việc xây dựng một hiệp ước không xâm lược và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn những xung đột lớn có thể xảy ra. ĐNÁ lần đầu tiên, thể hiện sự đoàn kết hiếm thấy khi yêu cầu Bắc Kinh khởi sự các cuộc thảo luận chính thức về một bộ Quy tắc ứng xử (COC) càng sớm càng tốt nhằm ngăn ngừa bạo động tại khu vực tranh chấp.

Như để “chống lưng” cho sự thay đổi bất thường nói trên của CPC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định quan điểm “lãnh địa hóa” lâu nay của nước này. Theo phát ngôn viên Hồng Lỗi, các nhà lãnh đạo Indonesia và Malaysia cũng nhất trí Biển Đông nên được giải quyết một cách thích đáng giữa ASEAN và Trung Quốc. Vì vậy, đây không phải là “vấn đề then chốt” tại EAS7.Nỗ lực giảm nhẹ tầm quan trọng của Biển Đông mà một số nhà phân tích gọi đó chiến lược “sanctuariser” của Trung Quốc, tạm dịch là “lãnh địa hóa” Biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước liên quan.

Kể cả buổi tối, lúc ông nâng ly với ông Hun Sen tại bữa tiệc dành cho các lãnh đạo dự hội nghị EAS7, tổng thống Mỹ cũng không tươi cười, dù cho phải phép xã giao, theo như nhận xét của báo chí quốc tế có mặt.

Mỹ gắn nhân quyền với chiến lược

Ông Barack Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Campuchia. Khi bắt tay thủ tướng Hun Sen, tổng thống Mỹ đã không mỉm cười dù chỉ một lần trong suốt thời gian chào hỏi. Kể cả buổi tối, lúc ông nâng ly với ông Hun Sen tại bữa tiệc dành cho các lãnh đạo dự hội nghị EAS7, tổng thống Mỹ cũng không tươi cười, dù cho phải phép xã giao, theo như nhận xét của báo chí quốc tế có mặt. Trong cuộc gặp mặt giữa ông Obama với lãnh đạo Campuchia, ông Obama nói rằng vi phạm nhân quyền là “trở ngại lớn” cho quan hệ song phương. Khi hội đàm với thủ tướng Hun Sen, ông Obama mở đầu câu chuyện về Myanmar. Ông nhắc tới sự cần thiết trong việc bầu cử công bằng, tự do và tầm quan trọng của việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ông Obama nói những vấn đề như thế này gây cản trở lớn trong việc phát triển mối quan hệ song phương ở tầm sâu hơn giữa Mỹ và Campuchia.

Theo nhà nghiên cứu Pavin Chachavalpongpun thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto (Nhật Bản), do Washington mong muốn thể hiện mình là một cường quốc Thái Bình Dương nên dự kiến ông Obama sẽ “khá lớn tiếng” về vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Còn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã không ngại làm phật lòng chủ nhà khi tuyên bố không đồng tình với dự định hạn chế thảo luận về tranh chấp lãnh hải. Thủ tướng Noda ghi nhận Biển Đông là mối quan ngại chung đối với cộng đồng quốc tế, có tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định của châu Á – Thái Bình Dương.

Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ cách tiếp cận đa phương về Biển Đông; ủng hộ lập trường của Việt Nam, Philippines và một số nước tích cực trong ASEAN: quốc tế hóa vấn đề, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Donilan, mục tiêu tối hậu của Mỹ đối với toàn vùng là duy trì môi trường an ninh lâu dài và trật tự khu vực đặt trên nền tảng kinh tế cởi mở và giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, quyền cai trị dân chủ và các quyền tự do chính trị.

Đối với nhiều nước trong ASEAN, Biển Đông là vấn đề cần phải được “hành động khẩn cấp”. Tuy nhiên, tại hội đàm song phương với Campuchia vào tối 18.11, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định với ông Hun Sen rằng “vấn đề này không nên vội vàng”. Đối với các nước ĐNÁ, Ôn thủ tướng nói hôm 19.11 rằng không nên “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông. Như vậy là, tại các thượng đỉnh vừa qua, ASEAN vẫn chưa thể tạo thành một khối thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã khống chế để hiệp hội không làm lớn chuyện Biển Đông vốn vẫn bị coi là hồ sơ nhạy cảm trong quan hệ với Trung Quốc.

NGUYỄN HOÀNG

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   Làm rõ căn cứ nêu trong bài báo "Buộc PVN nộp lại gần 11.000 tỷ đồng" (20/11/2012)

>   Quý I/2013, hoàn tất cấp giấy phép lái xe mẫu mới trên cả nước (20/11/2012)

>   Bộ Công an và Bộ Tư pháp đồng ý kiến nghị giảm phí sang tên xe (20/11/2012)

>   Lo sinh kế mà như ban ơn! (20/11/2012)

>   Những thầy cô... đại gia nghìn tỷ (20/11/2012)

>   Thứ tự lợi ích (19/11/2012)

>   Tân vô địch thế giới Anh Khôi lập kỷ lục toàn thắng (19/11/2012)

>   Vừa phát hiện người giống hệt bầu Kiên tại Vũng Tàu (19/11/2012)

>   Người dân mất đất rơi vào bần cùng hóa (19/11/2012)

>   Bán nhà trên giấy thu hàng trăm tỉ đồng (19/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật