Thứ Năm, 15/11/2012 21:28

Doanh nghiệp công nghệ thiếu chiến lược đầu tư

Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang thiếu một chiến lược đầu tư và quảng bá sản phẩm sâu rộng cho thương hiệu sản phẩm công nghệ của mình.

Đây là thông tin được thảo luận tại hội thảo phát triển thương hiệu quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra ngày 15-11 tại TPHCM.

Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bà Tô Thị Thu Hương, Vụ phó Vụ CNTT, Bộ Thông tin Truyền Thông, nói rằng sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khá đa dạng nhưng còn yếu về mặt công nghệ. Đặc biệt, khả năng quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp còn rất yếu.

Theo Vụ CNTT, không phải tất cả các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước đều đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng; một số sản phẩm còn hạn chế về mặt cấu hình, tốc độ xử lý.

Bà Hương nói rằng doanh nghiệp phần cứng trong nước chủ yếu nhập thiết bị về để lắp ráp nhưng giá thành lại tương đương với thiết bị nhập khẩu, chất lượng chưa được đảm bảo nên rất khó cạnh tranh với thiết bị nhập ngoại.

Báo cáo của Vụ CNTT cho thấy sản phẩm CNTT thương hiệu Việt Nam chưa đa dạng về chủng loại, chất lượng còn thấp và chưa đủ uy tín thuyết phục người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp và tổ chức. Do đó, các nhà thầu khi tham gia dự thầu thường có khuynh hướng chào thầu những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài hơn là hàng trong nước.

“Trong thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt, đặc biệt là ở lĩnh vực phần mềm nhưng chưa được thị truờng trong nước chấp nhận rộng rãi. Nguyên do là các doanh nghiệp thiếu một chiến lược đầu tư cho thương hiệu một cách có chiều sâu,” bà Hương nói.

Theo bà Hương để giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam xây dựng một chiến lược quảng bá thương hiệu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương, Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức chương trình quảng bá các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt (VIBRand) hằng năm.

Chương trình này bao gồm các hoạt động triển lãm, đào tạo quảng bá thương hiệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường CNTT, cấp chứng nhận thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm CNTT…Chương trình này là kênh thông tin hữu ích giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và Chính phủ.

Trong khuôn khổ chương trình này, triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt đang được diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM từ ngày 15 đến 17-11. Triển lãm này thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia triển lãm với 200 gian hàng trưng bày.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng chương trình giúp người tiêu dùng và các nhà đầu tư thấy được sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, góp phần định hướng cho việc ưu tiên đầu tư, mua sắm và sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin nội địa.

Cũng theo ông Hồng, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất lên Chính phủ các cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho các sản phẩm thương hiệu Việt được sử dụng nhiều hơn trong các dự án CNTT nhà nước.

Theo báo cáo của Vụ CNTT, Chính phủ đã chi 351 tỉ đồng mua các phần mềm trong các dự án CNTT. Cụ thể, tại các bộ đã đầu tư 188 tỉ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 24,2%. Tại các địa phương, đã đầu tư 163 tỉ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 34,3%

Trong khi đó, kinh phí mua phần cứng năm qua là 904 tỉ đồng. Tại các bộ đã đầu tư mua phần cứng là 591 tỉ đồng, tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 75,8%. Tại các địa phương, kinh phí mua phần cứng là 313 tỉ đồng, tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 65,7%.

Đa phần sản phẩm phần cứng được mua là máy tính để bàn do các công ty trong nước sản xuất, như FPT Elead, CMS, VTB.. Các sản phẩm phần cứng phải mua của nước ngoài gồm máy chủ, máy tính xách tay, tường lửa (Firewall), thiết bị chuyển mạch (Switch), thiết bị lưu điện (UPS)..

Thu Hiền

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ sẽ đạt 23 tỷ USD (15/11/2012)

>   Công ty Hạ Long bàn giao tàu chở hàng 53.000 tấn (15/11/2012)

>   Tổng vốn đầu tư của Samsung Việt Nam chính thức lên 1,5 tỷ USD (15/11/2012)

>   Xử lý tồn kho: Không thể chủ quan (15/11/2012)

>   Báo Nhật đánh giá cao thị trường bán lẻ Việt Nam (15/11/2012)

>   Cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn ì ạch (15/11/2012)

>   Một số tập đoàn đã được "chia tiền" ngân sách cho năm 2013 (15/11/2012)

>   Khó cổ phần hóa doanh nghiệp quản lý nhiều địa điểm đắc địa (15/11/2012)

>   SHTP: Rút phép, tạo quỹ đất cho dự án mới (15/11/2012)

>   Phân vân quản lý doanh nghiệp nhà nước (15/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật