Đập bỏ thủy điện Sông Tranh 2?
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng để bảo đảm tính mạng cho người dân thì phải tính đến phương án xấu nhất là đập bỏ thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng
Ngày 16-11, Quốc hội (QH) đã “nóng” lên khi các đại biểu (ĐB) thảo luận về trận động đất mạnh 4,7 độ Richter xảy ra tại huyện Bắc Trà My - Quảng Nam vào chiều 15-11. Nhiều ĐB cho rằng tính mạng người dân là trên hết nên phải tính tới phương án xấu nhất là bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2.
Không thể an tâm
Phó Giám đốc Công an, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân khẳng định người dân không thể an tâm khi trước đó, động đất đã làm hàng ngàn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh này bị nứt. Do chủ đầu tư tính toán không kỹ nên đã làm ảnh hưởng đến người dân, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn tinh thần. “Bây giờ, phải đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu” - ĐB Dân nói.
Theo ĐB Dân, do đập thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy và đập tràn như các công trình thủy điện khác nên luôn chứa 230 triệu m3 nước ở cao trình hơn 140 m. “Chỉ còn cách khoan thân đập để xả hết nước xem có động đất tiếp hay không” - ĐB Dân đề xuất.
ĐBQH Phạm Trường Dân: “Phải đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu”
|
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, cho biết đã có ý kiến đề nghị bổ sung cửa xả đáy nhưng phương án này không đơn giản vì ảnh hưởng đến thiết kế tổng thể và cần có một hội đồng khoa học hàng đầu của nước ngoài đánh giá. “Lý thuyết khoan cửa xả đáy chỉ là chuyện vui chứ ai dám khẳng định an toàn?” - ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận định.
Phải có cam kết cụ thể
Trước sự bất an của người dân tỉnh Quảng Nam, tranh thủ phiên thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, phát biểu: “QH đang bàn về sửa đổi Hiến pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa xảy ra 2 trận động đất dữ dội, làm rung chấn đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi và người dân đã bất an nay càng bất an hơn. Vì thế, nhân dân tin tưởng Đảng, QH và Nhà nước sẽ không vì số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 (5.100 tỉ đồng) mà quên đi quyền được sống của con người”.
Tán đồng, ĐB Ngô Văn Minh cho rằng về lâu dài, để bảo đảm cuộc sống và tính mạng người dân, cần đập bỏ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Lê Bộ Lĩnh đặt ra tình huống động đất kích thích không chấm dứt do nước luôn có trong lòng hồ. Lúc đó, phương án xử lý trong tình huống này chỉ có thể là phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2 hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng để bảo đảm sự an toàn.
Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí khổng lồ... “Đã xác định an toàn là số 1 thì cũng cần đến phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng” - ông Lĩnh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Lĩnh cho rằng các nhà khoa học hàng đầu nước ngoài và trong nước cần làm rõ đây là động đất kích thích hay có cả động đất kiến tạo. “Không thể nói yên tâm là xong mà phải giải thích một cách cặn kẽ, dễ hiểu và đưa ra các phương án, cam kết cụ thể để người dân khỏi băn khoăn, lo lắng” - ông Lĩnh kiến nghị.
Không tâm thần thì cũng điên loạn!
ĐB Ngô Văn Minh cho rằng mặc dù các cơ quan chức năng đều khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn nhưng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp độc hại cho người dân ở khu vực này. “Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!” - ông Minh nhận định.
|
Bảo Trân
người lao động
|