Thứ Tư, 28/11/2012 22:51

Chặn hàng giả: Ai chống, ai xây?

Lại một năm nữa trôi qua kể từ ngày Thủ tướng ký quyết định lấy ngày 29-11 hàng năm là ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái. Vậy nhưng, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan và càng ngày càng tinh vi.

Ảnh minh họa

Người tiêu dùng bị lừa, doanh nghiệp gần như tự bơi trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trong khi các cơ quan chức năng kêu khó thực thi vì luật không rõ ràng, thiếu phối hợp.

Những câu chuyện không mới này, một lần nữa lại được đem ra bàn thảo tại hội thảo “Mã số mã vạch GS1 trong công tác chống hàng giả” vừa được Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam và Công ty cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) tổ chức hôm nay, 28-11. Câu hỏi đặt ra là những bất hợp lý đã được chỉ ra nhưng không thấy cơ quan chức năng nào thay đổi?

Luật và người thực thi

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương mở đầu phần trình bày với chủ đề: “Chống hàng giả, từ quy định pháp luật đến thực tiễn”đã nói thẳng, những hạn chế trong việc chống hàng giả có nói 1 ngày, 2 ngày cũng không hết. Tuy vậy, trong 30 phút mà ban tổ chức dành cho, ông Danh cũng đã nói được khá nhiều vấn đề tồn tại.

Thứ nhất, theo ông Danh, khái niệm hàng giả được quy định tại ba nghị định và hai bộ luật. Vậy nhưng, có những khái niệm trong đó vẫn chưa rõ ràng, khiến cơ quan thực thi lúng túng. Ví dụ, luật quy định loại hàng giả mạo về công dụng, chất lượng, phân biệt với loại hàng giả về hình thức (bao bì, kiểu dáng, thương hiệu…). Vậy nhưng, lại không quy định kém chất lượng đến bao nhiêu thì gọi là giả.

Theo ông Danh, hiện tại chỉ có vài ba mặt hàng có quy định thiếu hàm lượng bao nhiêu thì bị coi là hàng giả, còn lại thì không. Và Nhà nước cũng khó lòng ban hành được một mức chuẩn cho tất cả các loại hàng hóa trên thị trường bởi mặt hàng này thì kém chất lượng 10% chưa gây hại nhưng có mặt hàng chỉ thiếu hàm lượng 1% đã nguy hiểm.

Kết quả là, nói như ông Danh “cứ nói giả nhưng không nói thế nào là giả” nên cơ quan thực thi như lực lượng QLTT bên ông lúng túng, không dám “làm” và xử phạt sai. “Chúng tôi chỉ dám bắt phân bón giả vì đã có quy định hàm lượng cụ thể. Còn các mặt hàng khác thì không làm vì không xử được”, ông Danh nói.

Luật hở, theo ông Danh còn ở hàng loạt các quy định, câu chữ khác. Chẳng hạn, điều 171, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2009 dùng cụm từ “với quy mô thương mại” để xử lý hình sự các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả. Vậy nhưng, quy mô thương mại là như thế nào, không ai biết. Thế nên mới có chuyện, QLTT bắt được vụ sang chiết gas giả doanh thu tới 6 tỉ đồng nhưng không xử lý hình sự được.

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Trung tâm Thương hiệu và Chất lượng, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, đã có nhiều công cụ, chính sách chống hàng giả nhưng số vụ hàng giả không giảm đi. Bản thân các doanh nghiệp đang thiếu niềm tin vào cơ quan Nhà nước vì cách xử lý không triệt để, không đúng luật. Nhiều trường hợp thì trì hoãn không xử lý.

Bà Sinh lấy ví dụ, mới đây, một doanh nghiệp phát hiện bị làm giả mẫu con ếch ngồi thiền - một mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Đơn vị này chưa đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm nhưng đã đăng ký bản quyền tác giả. Vậy nhưng, cuối cùng, cơ quan chức năng lại trả lại hàng giả, không xử phạt với lý do giấy chứng nhận bản quyền tác giả chỉ mới được cấp.

Trong nhiều câu chuyện về nạn hàng gian, hàng giả với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ có cảm giác các cơ quan chức năng hiện nay đang làm công tác chống hàng giả, hàng nhái cho có, thường là theo một đợt tuyên truyền hoặc có chỉ thị nào đó từ cơ quan chức năng. Các quy định thì chưa chặt chẽ khiến việc chống hàng giả cứ như bắt cóc bỏ dĩa.

Chuyện nói hoài, hàng giả vẫn cứ tràn lan

Những vấn đề bất cập của các quy định liên quan đến công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đã được nói đến nhiều lần. Vậy nhưng, không hiểu sao, các cơ quan soạn thảo, cơ quan chức năng biết mà vẫn chưa sửa.

Theo ông Danh, như chuyện sang chiết gas giả trị giá 6 tỉ đồng kể trên không phải là chuyện mới đây mà đã 2-3 rồi nhưng đến nay vẫn chưa sửa đổi dù các cơ quan thực thi cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều lần.

Hay như quy định về việc chủ sở hữu phương tiện và người thực hiện hành vi vi phạm. Lâu nay, quy định không cho phép xử phạt người đứng tên trên giấy tờ của các phương tiện chở hàng lậu, hàng giả. Kẽ hở này khiến các đối tượng vận chuyển gas lậu toàn dùng xe của người khác đứng tên để chuyên chở hàng vi phạm. Vậy nhưng, theo ông Danh, mới đây Quốc hội đưa ra thảo luận nhưng vẫn chưa thông qua việc điều chỉnh quy định này cho phù hợp hơn.

Ông Lưu Song Hùng, phụ trách kinh doanh Công ty Nhựa Chí Thành VN, chuyên sản xuất mũ bảo hiểm mới đây chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, qua bao nhiêu năm, công tác chống hàng giả, hàng nhái vẫn không có chuyển biến và doanh nghiệp gần như phải tự bơi, tự phòng chống để bảo vệ mình bằng cách này hay cách khác.

Ở mặt hàng mũ bảo hiểm hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tràn lan và càng ngày càng tinh vi hơn. Các cơ sở sản xuất hiện nay đã chuyển sang một phương thức khác so với trước đây, tức sản xuất một sản phẩm đạt chuẩn rồi đem đến các cơ quan chức năng kiểm nghiệm để chứng nhận, lấy tem. Vậy nhưng, các sản phẩm tiếp theo trong lô hàng lại kém chất lượng và cơ quan chức năng khi kiểm tra, phát hiện thì không xử phạt được vì hàng có tem chứng nhận đạt chuẩn.

Thực trạng hàng giả tràn lan cũng được chính các cơ quan chức năng thừa nhận. Trong nhiều báo cáo về tình hình kiểm soát thị trường được tổng kết hàng quí của Chi cục QLTT TPHCM, bao giờ cơ quan này cũng thừa nhận tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái chưa giảm bao nhiêu, diễn biến phức tạp. Vậy nên, số lượng các vụ bắt giữ về hàng giả, hàng kém chất lượng luôn chiếm đầu bảng và lên tới hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ.

Minh Tâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Coca-Cola và PepsiCo: Giật mình lỗ khủng (28/11/2012)

>   Việt Nam-Argentina ký thỏa thuận hợp tác hải quan (28/11/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản: Kéo nhau xuống hố (28/11/2012)

>   Tồn kho một số ngành hàng bắt đầu giảm (28/11/2012)

>   Đại gia vỡ nợ, 700 công nhân ra đường (28/11/2012)

>   Vinapco bị cáo buộc buôn lậu xăng dầu siêu lợi nhuận (28/11/2012)

>   Nhiều hàng hóa Hàn Quốc vào VN sẽ rẻ hơn (28/11/2012)

>   Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ ngàn tỷ vẫn xếp hạng A (28/11/2012)

>   Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thách thức cột mốc 2015 (28/11/2012)

>   Thất thoát trong xây dựng cơ bản vì “ăn chia như ở chợ” (27/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật