Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: quy hoạch ì ạch
Ông Nguyễn Văn Khôi, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP khẩn trương kiểm tra, thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ tại khu tập thể Giảng Võ (Q.Ba Đình).
Nhà D1 Giảng Võ được cho phép lập quy hoạch triển khai cải tạo lại từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn đang nghiên cứu lập quy hoạch
|
Ngoài ra, sở này còn được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng TP lập kế hoạch, tiến độ, biện pháp nghiên cứu quy hoạch đồng bộ cho các khu chung cư cũ Thành Công, Thượng Đình, Nghĩa Tân... để đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ tại các dự án đang ì ạch về tiến độ.
Tại khu tập thể Giảng Võ, theo Sở Xây dựng Hà Nội, về cơ bản chất lượng hiện trạng các công trình đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Tuy nhiên trong số 22 chung cư cũ, mới có ba khu nhà đang triển khai cải tạo, trong đó chỉ có nhà C7 đã xây dựng xong phần thô, còn nhà B6, D2 đang trong giai đoạn di dời, phá dỡ. Số còn lại gồm 19 khu nhà đã được giao nghiên cứu lập quy hoạch từ giai đoạn 2007-2009, nhưng đến nay các đơn vị được giao vẫn chưa thỏa thuận được các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch mặt bằng tổng thể, phương án kiến trúc sơ bộ.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tiến độ cải tạo các chung cư cũ hiện nay rất chậm, nhiều dự án được ưu tiên về chính sách nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết từ năm 2008, việc cải tạo chung cư cũ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đảm bảo đáp ứng đủ quỹ nhà cho việc tái định cư tại chỗ, nhà đầu tư được khai thác dự án để tự cân đối về tài chính. Thực hiện nguyên tắc này, UBND TP xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch gồm mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, quy mô dân số, chiều cao tầng đối với các khu vực có dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, theo quy hoạch chung thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực lõi đô thị gồm bốn quận nội thành cũ phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người còn 0,8 triệu người. Trong khi đó, các chung cư cũ tập trung chủ yếu tại khu vực này. Do đó việc đảm bảo bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, cũng như hạn chế tăng dân số tại khu vực là không khả thi.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài các yêu cầu về giảm mật độ dân số, yêu cầu phải kiểm soát chiều cao các công trình xây dựng trong các quận nội thành cũng là một lý do khiến việc khai thác dự án để tự cân đối tài chính của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố trên là nguyên nhân chính khiến việc nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh của các khu chung cư cũ trên địa bàn TP bị ảnh hưởng về tiến độ...
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ tại khu tập thể, theo ông Tuấn, việc đầu tiên là các chủ dự án cần khẩn trương hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô, trình Sở Quy hoạch - kiến trúc TP thẩm định, trình TP phê duyệt. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP đã kiến nghị TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP sớm công bố các thông số, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc làm cơ sở cho các nhà đầu tư lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ. Đối với những công trình không thỏa mãn các yêu cầu về quy hoạch - kiến trúc theo quy hoạch chung thủ đô, sở đề nghị thay đổi phương thức thực hiện dự án để tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch.
Xuân Long
Tuổi trẻ
|