Thứ Bảy, 03/11/2012 10:09

Bộ Tài chính sẽ làm “nhạc trưởng” trên thị trường trái phiếu?

Theo một số chuyên gia, muốn kiến tạo nền tảng cho thị trường trái phiếu (TTTP) phát triển bài bản, không thể tồn tại tình trạng “3 không” như hiện tại: không có chiến lược tổng thể, không có “nhạc trưởng” chính danh và không có một kế hoạch chi tiết.

Những động thái mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, tình trạng này sắp được khắc phục sau nhiều năm chờ đợi.

Tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP lên gấp đôi

Những năm gần đây, các thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) liên tục kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp triển khai các giải pháp nhằm phát triển TTTP bài bản, hiệu quả hơn. Vì nhiều lý do khác nhau, nên tiến độ triển khai các kiến nghị này trên thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, gần đây, các thành viên thị trường ghi nhận, Bộ Tài chính đã có những động thái tích cực, khi trong tháng 9 và 10/2012, liên tiếp phối hợp với VBMA tổ chức hai cuộc hội thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường cho dự thảo Quyết định phê duyệt Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020. Các ý kiến trao đổi thẳng thắn đã được ghi nhận trong bản dự thảo để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành ngay trong năm nay. Vậy là sau hàng chục năm chờ đợi, lần đầu tiên TTTP sắp có một kịch bản phát triển chi tiết.

Theo Bộ Tài chính, lộ trình phát triển TTTP đến 2020 sẽ cung cấp định hướng chung cho các cơ quan quản lý và thành viên thị trường. Lộ trình có thể được điều chỉnh trong từng thời kỳ, nhằm phản ánh thực tế phát triển của TTTP nói riêng, thị trường tài chính (bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ - tín dụng) nói chung. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN trong quản lý ngân quỹ và nợ công, đặc biệt là phối hợp hài hòa giữa hoạt động điều hành cung tiền thông qua thị trường mở và hoạt động phát hành các công cụ nợ của Chính phủ.

Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, TTTP có những bước phát triển đáng kể trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, quy mô và phạm vi của thị trường vẫn còn nhỏ, tính thanh khoản chưa cao, cấu trúc thị trường chưa hoàn chỉnh, hệ thống NĐT (đặc biệt các định chế đầu tư dài hạn) còn mỏng, hệ thống hạ tầng dịch vụ cho thị trường chưa phát triển... Lộ trình trong dự thảo Quyết định đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế này, để tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% năm 2011 lên 30 - 40% trong giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt 25 - 30% GDP; trái phiếu DN đạt 20 - 25% GDP.

Bộ Tài chính làm “nhạc trưởng”

Một chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu nhìn nhận, dự thảo Lộ trình đã khắc phục được một trong những hạn chế lớn nhất hiện tại là thiếu vai trò rõ ràng của một “nhạc trưởng” điều phối TTTP phát triển. Theo đó, khi văn bản này có hiệu lực, Tổ công tác triển khai Lộ trình phát triển TTTP sẽ được thành lập, do Bộ Tài chính chủ trì, với sự tham gia của NHNN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Tổ công tác sẽ điều phối các hoạt động triển khai Lộ trình phát triển TTTP, họp định kỳ hàng năm để đánh giá tình hình triển khai, đề ra kế hoạch hành động trong năm tiếp theo, trong đó tập trung thảo luận các bước phát triển mới để điều chỉnh Lộ trình phù hợp với tình hình phát triển của TTTP.

Để thúc đẩy TTTP phát triển hiệu quả hơn, Lộ trình sẽ làm rõ việc gì do cơ quan nào đảm trách, chứ không còn tình trạng chung chung như hiện tại. Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Quản lý nợ công, Đề án thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức định mức tín nhiệm, hoàn thiện chính sách về thuế, phí đối với TTCK nhằm đảm bảo đối xử công bằng giữa các NĐT và tiến tới thu hút NĐT nước ngoài. NHNN có trách nhiệm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối...

Lâu nay, sự phát triển của TTTP chưa như kỳ vọng có phần do “cái bắt tay” giữa Bộ Tài chính và NHNN chưa thực sự thường xuyên và chặt chẽ. Hạn chế này đang được kỳ vọng sẽ sớm có bước cải thiện đáng kể, khi Lộ trình đề cập chi tiết các vấn đề mà hai cơ quan này sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn. Đó là xây dựng cơ chế phối hợp trong việc gắn kết thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho thống nhất lưu ký và thanh toán các công cụ tài chính được giao dịch trên cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin trong việc điều hành chính sách giữa Bộ Tài chính và NHNN, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu chung của thị trường tài chính.

Hữu Hòe

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Việt Á được phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2009 (18/11/2009)

>   Trái phiếu huy động vàng, cần sớm triển khai (13/10/2012)

>   HCM_1107: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   HCMA0107: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   HCMA0207: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   HCMA0307: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   HCMA1205: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   HCMA1405: Thông báo về ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (11/10/2012)

>   Giới đầu tư quốc tế đánh giá cao trái phiếu USD của Việt Nam (11/10/2012)

>   Trúng thầu 1,000 tỷ đồng tín phiếu Kho bạc Nhà nước (08/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật