Vì sao hãng viễn thông Nhật đổ “tiền tấn” vào Mỹ?
Hôm qua (15/10), hãng viễn thông Softbank của Nhật Bản chính thức công bố sẽ chi hơn 20 tỷ USD mua lại 70% cổ phần của nhà mạng lớn thứ ba tại Mỹ là Sprint Nextel. Đây là số tiền cao kỷ lục mà một doanh nghiệp Nhật Bản bỏ ra cho một thương vụ mua lại ở nước ngoài.
Trong thông báo của mình, Softbank cho biết cụ thể rằng, khoản 12,1 tỷ USD sẽ được trả trực tiếp cho các cổ đông của Sprint Nextel, trong khi 8 tỷ USD dùng để củng cố bảng cân đối kế toán cho nhà mạng Mỹ, hãng tin tài chính Bloomberg cho biết. Thương vụ này đã được ban lãnh đạo hai công ty thông qua và đang chờ sự chấp thuận của các cổ đồng Sprint và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ.
Việc Softbank quyết định chi một khoản tiền khổng lồ để thâu tóm Sprint đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Không ít chuyên gia lo ngại Softbank sẽ thu được ít hơn những gì mình bỏ ra. Tuy nhiên có vẻ như tỷ phú Masayoshi Son, Chủ tịch Softbank đang đặt cược tất cả vào thương vụ này. Tỷ phú người Nhật dự đoán, thị trường Mỹ sẽ giúp Softbank cải thiện kinh doanh.
Hiện tại, theo các số liệu phân tích thị trường, việc kinh doanh viễn thông tại Nhật Bản đang có phần chững lại, trong khi thị trường Mỹ được đánh giá là vẫn còn dư địa cho tăng trưởng. Theo hãng phân tích IDC, trong khi doanh số bán máy điện thoại cầm tay ở Mỹ tăng lên 191 triệu máy trong năm ngoái từ 182 triệu trong năm 2007, thì con số ở Nhật đã giảm còn 38 triệu chiếc, từ 52 triệu trong năm 2007.
Hơn nữa, việc thâu tóm Sprint cũng sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược trở thành nhà mạng lớn hơn của Softbank. Vài tuần trước, hãng viễn thông Nhật Bản đã chấp thuận chi tới 2,3 tỷ USD để nắm quyền chi phối eAcess, một công ty con của nhà cung cấp băng thông rộng Emobile. Cái giá để mua lại eAcess bị xem là quá đắt vì giá giao dịch thực tế của eAcess thấp hơn nhiều giá Softbank đề xuất.
Tuy nhiên, theo tỷ phú Son, thương vụ này là quyết định đúng đắn. Bằng việc nắm quyền chi phố eAcess, Softbank sẽ tiếp nhận được thêm 10.000 trạm gốc phổ tần 1,7 GHz của Emobile. Cộng với 20.000 trạm gốc phổ tần 2,1 GHz sẵn có của mình, Softbank có khoảng 30.000 trạm gốc LTE sẵn sàng cho mẫu di động đình đám iPhone 5 của hãng công nghệ Apple.
Cũng nhờ vào việc thu mua thành công eAccess, Softbank có tổng cộng 39,1 triệu thuê bao (tương đương 28,8% thị phần thị trường Nhật Bản), vượt qua đối thủ KDDI với 35,9 triệu thuê bao (26,5% thị phần). Nhà mạng số 1 NTT Docomo hiện có 60,6 triệu thuê bao (44,7% thị phần). Quyết định đổ thêm tiền vào Sprint cho thấy Softbank đang thực sự khao khát mở rộng hơn nữa cơ sở khách hàng.
Tỷ phú Masayoshi Son đặt ra mục tiêu giá trị vốn hóa thị trường của Softbank là 200.000 tỷ Yên vào năm 2040. Hiện công ty này đang có giá trị 3.200 tỷ Yên, với giá cổ phiếu tăng 27% từ đầu năm tới nay. Ngay khi thu mua eAcess và vươn lên thành nhà mạng lớn thứ hai Nhật Bản, ông Son cũng đã thể hiện tham vọng muốn trở thành nhà mạng lớn nhất "vào một ngày nào đó trong tương lai".
Nói về việc thâu tóm Sprint Nextel, tỷ phú Masayoshi Son cho biết, “sẽ an toàn nếu bạn không làm gì cả, và thách thức của chúng tôi tại Mỹ không dễ vượt qua. Chúng tôi phải tấn công thị trường mới, thị trường với nền văn hóa khác biệt, và chúng tôi phải làm lại từ con số 0 sau tất cả những gì đã gây dựng. Tuy nhiên, không đón nhận thách thức này sẽ là một rủi ro lớn hơn”.
Ở một góc nhìn khác, theo hãng tin Reuters, liên kết với Sprint sẽ giúp Softbank có thêm lợi thế khi giao dịch với Apple, giúp củng cố vị thế tại thị trường bản địa so với KDDI cũng cung cấp iPhone và hãng viễn thông số một NTT DoCoMo. Softbank là nhà cung cấp đầu tiên các sản phẩm iPhone và iPad của "quả táo khuyết" tại thị trường Nhật Bản. Việc bán sản phẩm Apple đã giúp Softbank thu bộn.
Trong khi đó, về phía Sprint Nextel, với việc về tay Softbank, nhà mạng lớn thứ ba tại Mỹ được kỳ vọng sẽ có “cú hích” đáng kể, bởi Softbank từ lâu đã nổi tiếng là mát tay trong việc hỗ trợ các nhà mạng nhỏ hơn trở nên mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông khổng lồ khác.
Giám đốc điều hành Sprint Nextel, ông Dan Hesse, cho hay, khoản đầu tư của Softbank mang tới cơ hội giúp Sprint đóng vai trò lớn hơn trong thị trường tương lai. Trong 19 quý qua, Sprint không sinh lãi và nợ ròng khoảng 15 tỷ USD. Thương vụ này sẽ giúp Sprint có thêm nguồn lực xây dựng mạng lưới 4G, cạnh tranh với hai hãng lớn là AT&T và Verizon Wireless trên thị trường mạng không dây của nước Mỹ.
Hoài An
tbktvn
|