Bí ẩn vụ trốn thuế động trời châu Âu
Hàng ngày Hervé dành một khoảng thời gian để tải các dữ liệu đáng ngờ vào laptop của mình. Hervé đã làm việc đó trong suốt 2 năm và có trong tay thông tin hàng ngàn tài khoản của các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân được giữ bí mật tại Thụy Sĩ để tránh sự quản lý của thuế vụ nước họ...
Kỳ 1: Kẻ giữ bí mật danh sách đen
Ngày 1/7/2012, Hervé Falciani đến Tây Ban Nha bằng tàu và trong lúc kiểm tra giấy tờ làm thủ tục quá cảnh, nhà chức trách đã phát hiện Hervé đang có lệnh truy nã quốc tế. Tuy nhiên những lời khai của Hervé sau khi bị bắt không những giúp khám phá ra hàng ngàn kẻ trốn thuế trên khắp châu Âu mà còn giúp chính quyền thu lại được gần 10 tỷ euro.
Vụ việc đã làm nổ ra cuộc tranh cãi ở mức độ quốc gia giữa Thụy Sĩ với Pháp và Đức và một số quốc gia khác. Thụy Sĩ xem Hervé Falciani như một kẻ cắp và Tòa án liên bang ở Bellinzone đang chờ dẫn độ Hervé để xét xử về tội xâm phạm bí mật ngân hàng.
Làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin của HSBC chi nhánh Geneva, nhiều năm liền Hervé Falciani được đánh giá là một nhân viên đáng tin cậy trong công việc và kết quả là Hervé có quyền truy cập vào một số lượng lớn dữ liệu trong quá trình làm việc của mình. Ban đầu Hervé được đánh giá là trong sạch và không có hành vi đánh cắp dữ liệu.
Cuối năm 2006, Hervé Falciani trở thành chuyên gia phân tích kỹ thuật và chuyển đổi dữ liệu liên quan đến hồ sơ khách hàng của HSBC. Công việc mới có thể đã làm nảy sinh ý định thâu tóm các bí mật nhạy cảm của khách hàng. Nắm lấy cơ hội này Hervé đã chuyển các dữ liệu hồ sơ chi tiết của khách hàng vào các thiết bị cá nhân của mình. Đó là các dữ liệu được bảo vệ bởi nguyên tắc giữ bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ. Những tài khoản của các tỷ phú cứ tăng dần nhờ những vụ chuyển tiền bí mật và các dòng chảy tài chính có nguồn gốc đáng ngờ.
Hàng ngày Hervé dành một khoảng thời gian để tải các dữ liệu đáng ngờ vào laptop của mình. Hervé đã làm việc đó trong suốt 2 năm và có trong tay thông tin hàng ngàn tài khoản của các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân được giữ bí mật tại Thụy Sĩ để tránh sự quản lý của thuế vụ nước họ.
Ngày 20/3/2008, Hiệp hội các chủ ngân hàng Thụy Sĩ cảnh báo: một người đàn ông tên Ruben El-Chidiak đã đến Ngân hàng Audi tại Beirut (Lebanon) để thương lượng việc bán cơ sở dữ liệu chứa danh sách những khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ. Theo Hiệp hội, thông tin đó có được là do tin tặc, đồng nghĩa với việc “bí mật ngân hàng” - trụ cột của bản sắc Thụy Sĩ, đang có nguy cơ bị đổ vỡ.
Sau đó cảnh sát truy ra, đằng sau Ruben El-Chidiak chính là Hervé Falciani. Ngày 20/12/2008, Hervé và đồng nghiệp nữ đi cùng đã bị cảnh sát bắt để thẩm vấn. Hervé sau đó đã được trả tự do và ngày hôm sau rời đến làng Castellar ở vùng Côte d'Azur gần biên giới Italia - Pháp. Ở giữa 2 quốc gia mà Hervé đều giữ quốc tịch, nên đã thoát khỏi sự đe dọa của Cảnh sát Thụy Sĩ vì cả Pháp lẫn Italia đều không dẫn độ công dân của họ.
Tuy nhiên phía Thụy Sĩ vẫn kiên quyết lấy lại các thông tin mà Hervé Falciani đã tải về. HSBC cũng như pháp luật Thụy Sĩ xem Hervé như là kẻ cắp. Lệnh truy nã quốc tế đã được Thụy Sĩ ban ra với Hervé. Chính quyền Thụy Sĩ đã yêu cầu phía Pháp lục soát nhà riêng của Hervé nhằm tịch thu laptop và chuyển hồ sơ vụ việc cho Pháp. Tuy nhiên cuộc truy bắt đó đã làm bùng nổ tranh cãi giữa Pháp và Thụy Sĩ.
Ngày 20/1/2009 lệnh lục soát nhà Hervé được thực hiện. Công việc tưởng chừng như là một thông lệ đơn thuần đã biến thành một khám phá phi thường với 130.000 tài khoản của những kẻ trốn thuế được phát hiện. Cuộc điều tra ngay lập tức được chuyển hướng, không phải nhắm vào Hervé mà vào những chủ nhân các tài khoản nói trên. Vụ việc của Hervé Falciani, được lan truyền, gây nên khủng hoảng ngoại giao Thụy Sĩ và Pháp. Phía Thụy Sĩ cáo buộc Pháp nắm giữ bất hợp pháp dữ liệu bị lấy cắp, còn Pháp đe dọa sẽ đưa Thụy Sĩ vào danh sách đen của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) về những “thiên đàng thuế vụ”.
Đến tháng 8/2009, giới truyền thông vào cuộc. Bộ trưởng Ngân sách Pháp Eric Woerth tuyên bố đang có trong tay danh sách 3.000 tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ nhưng không nói rõ nguồn gốc và yêu cầu các chủ tài khoản đến trình báo với cơ quan thuế vụ để hợp pháp hóa. Sau đó hàng nghìn người đã đến trình diện và Cục thuế vụ Pháp thu lại được 1,2 tỷ euro.
Kỳ 2: Bí mật được phanh phui
Khôi Nguyên
Thời báo ngân hàng
|