Vì sao giá vàng thế giới tăng cao?
Đó là câu hỏi không mới nhưng tần suất xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng từ năm 2008 tới nay. Trong đợt tăng giá mới lần này, câu trả lời vẫn là do tình hình của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục ảm đạm.
Chợ vàng Dubai Gold Souk lớn nhất thế giới ở Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.
|
Đầu cơ vàng
Giá vàng thế giới trong tuần có lúc lên đến gần 1.795,96 USD/ounce vào ngày 5-10, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Sau đó, giá vàng giảm đôi chút nhờ thông tin về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh, xuống dưới 8% kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức.
Theo các nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng là do các gói kích thích kinh tế của các nước lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngoài gói kích thích kinh tế thứ 3 (QE 3) do Mỹ tung ra, Nhật Bản cũng tung thêm tiền mua trái phiếu, đồng thời kéo dài thời hạn mua đến giữa năm 2013 thay vì hết năm 2012. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì lãi suất thấp và cho biết sẵn sàng mua trái phiếu của các nước gặp khủng hoảng nợ công.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng chuẩn bị nới lỏng chính sách tiền tệ theo bước ECB. Hơn thế nữa, các dữ liệu kinh tế mới công bố của Trung Quốc và Australia cho thấy 2 nền kinh tế này có nhiều dấu hiệu yếu kém. Kinh tế Tây Ban Nha, nền kinh tế trong top 4 của EU đang lao đao, có nguy cơ như Hy Lạp cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao.
Chính những chính sách nới lỏng tiền tệ đã khiến các nhà đầu tư lo ngại đồng tiền mất giá nên họ đã mua vàng để tránh rủi ro. Nhà giao dịch vàng Ronald Leung tại thị trường giao dịch vàng Lee Cheong ở Hồng Công, Trung Quốc, phát biểu trên trang web Business-Standard rằng: “Dường như các ngân hàng trung ương trên thế giới không còn cách nào khác ngoài việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế”.
Theo ông, giá USD giảm cùng với căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Đông Á đã đẩy giá vàng lên cao. Giá USD trong tuần đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua. Tuy nhiên, ông cho rằng đa số người mua vàng là dân đầu cơ chứ không phải người có nhu cầu thật.
Khuynh hướng tăng dự trữ vàng
Bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới đều có dự trữ vàng bắt buộc đảm bảo cho đồng tiền của mình, vàng miếng là một phần dự trữ ngoại tệ của họ. Ước tính hiện nay, các chính phủ và các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ 23.349 tấn vàng dự trữ, tương đương hơn 1,3 ngàn tỷ USD.
12 năm trước đây, vàng hầu như không biến động nhiều ở mức 255 USD/ounce. Tuy nhiên, tình hình thâm hụt nợ công ngày càng cao ở nhiều nước buộc các ngâng hàng trung ương ở phương Tây phải bán vàng ước tính từ mức 35.000 tấn dự trữ nay còn khoảng 18.000 tấn. Một khi các ngân hàng trung ương hết vàng để bán, giá vàng tăng mạnh mẽ.
Khi thị trường vàng tăng giá liên tục trong suốt năm 2000, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới không thuộc các nước phương Tây như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Ukraine và Philippines tiếp tục mua vàng dự trữ, đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao. Theo Thomson Reuters GFMS, một cơ quan nghiên cứu kim loại quý, ngân hàng trung ương các nước ngoài phương Tây đã mua 457 tấn vàng trong năm 2011, dự kiến sẽ mua thêm 493 tấn vàng trong năm nay khi họ mở rộng kho dự trữ.
Các ngân hàng trung ương phương Tây, trong khi đó, về cơ bản vẫn giữ im lặng về chủ đề vàng. Họ không công bố công khai bất kỳ lượng vàng bán hoặc mua trong vòng 3 năm qua. Kể từ khi IMF công bố hoàn thành bán 403 tấn vàng trong tháng 12-2010 đến nay, hầu như không có đợt bán vàng nào khác lớn như vậy cho tới nay trong khi sức mua, nhất là từ châu Á ngày càng tăng.
THỤY VŨ tổng hợp
sggp
|