Thứ Năm, 04/10/2012 22:23

Thận trọng khi muốn huy động vàng trong dân

Nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo “Làm sao để huy động nguồn lực vàng trong dân” do Hiệp hội Kinh doanh vàng tổ chức, cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải xem xét nhiều vấn đề trước khi tính toán việc huy động vàng từ dân vì những rủi ro từ vàng mang lại là không nhỏ.

Có nên huy động vàng?

Theo tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam, trong lộ trình phát triển của Việt Nam, vốn lúc nào cũng cần. Chuyển hóa được vàng thành tiền thì Việt Nam có thêm ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ để phục vụ cho kinh tế. Ông Hùng cho rằng, cũng nên tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng, vì như vậy, NHNN có nguồn chủ động để can thiệp, điều tiết thị trường, tránh xảy ra sốt giá như thời gian qua.

Tuy vậy, ông Hùng cho rằng, muốn huy động được vàng, có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm như ổn định chính sách vĩ mô, hài hòa lợi ích của người dân, nhà kinh doanh và cả nền kinh tế. Ông Hùng đồng ý với phương án phát hành chứng chỉ huy động vàng, nhưng đề nghị phải lưu ý các vấn đề kỹ thuật như đi kèm với việc huy động vàng là Ngân hàng Nhà nước phải hoán đổi vàng thông qua các nghiệp vụ phái sinh và hoán đổi thông qua ký gửi vay ngoại tệ; đồng thời cũng cần lưu ý các rủi ro về tỷ giá để tránh thiệt hại.

Tiến sĩ Võ Trí Thành trao đổi với các khách mời trong hội thảo sáng 4-10 

Trong khi đó, bài tham luận của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh gửi đến cho hội thảo cũng ủng hộ việc huy động vàng thông qua chứng chỉ huy động và Ngân hàng Nhà nước đứng ra phát hành chứng chỉ. Chứng chỉ này được sử dụng như một công cụ tài chính trên thị trường như các loại trái phiếu, tín phiếu. Theo ông Ánh, việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng cũng là cách để huy động vàng từ dân cư, tương tự như trái phiếu bằng ngoại tệ hay tiền đồng.

Đồng tình với phương án huy động vàng, ông Lương Văn Tự, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, cho rằng với lượng vàng trong dân ước quy đổi có thể lên đến 20 tỉ đô la Mỹ, trong khi người dân vẫn coi vàng là kênh đầu tư sinh lời, thì việc để ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân là nên làm, nhưng phải trả lãi suất để người dân vừa yên tâm về tài sản của mình được an toàn, vừa có thể rút ra thuận lợi.

Tuy vậy, không phải tất cả diễn giả đều đồng thuận với các phương án trên. Nói về huy động vàng, câu hỏi đầu tiên tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí đặt ra là chúng ta huy động vàng để làm gì, có sử dụng hiệu quả được nguồn vàng huy động hay không? Theo ông Chí, Ngân hàng Nhà nước không phải là một nhà kinh doanh vàng chuyên nghiệp, một trong những yếu tố rất cần khi giao dịch vàng với quốc tế. Bởi lẽ khi huy động số vàng trên, Ngân hàng Nhà nước phải bán vàng ra trong nước hoặc quốc tế để thu ngoại tệ và tiền đồng. Sau đó chuyển ngoại tệ thành tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu như làm tốt việc quản lý mua bán, trao đổi với quốc tế thì đúng là vàng được sử dụng hữu hiệu. Nhưng nếu tiền lại chảy vào các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, vào chứng khoán, bất động sản thì việc thu hồi lại tiền có dễ dàng không? Hay khi đến hạn trả vàng cho dân, Ngân hàng Nhà nước lại không xoay đâu cho đủ vàng để trả.

Còn chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn lại không đồng ý việc phát hành trái phiếu để huy động vàng. Ông Sơn cho rằng, nếu phát hành trái phiếu bằng vàng, lúc trả về cho dân cũng bằng vàng và tính lãi cũng bằng vàng thì đây sẽ là quy trình không dễ dàng và rất tốn kém. Mệnh giá trái phiếu là gì, phân, chỉ hay lượng? Làm sao để kiểm định vàng của dân với khối lượng lớn đến thế? Và sau khi thu vàng về, lượng vàng lớn như vậy bán ra mạnh sẽ làm giảm giá, tức sẽ thấp hơn giá kỳ vọng. Và với việc phát hành trái phiếu, chính phủ sẽ thu về một lượng vàng lớn, tung ra một lượng tiền tương đương, gây áp lực lên lạm phát. Việc gì xảy ra khi đáo hạn trái phiếu vàng, chính phủ sẽ phải nhập một lượng lớn vàng để trả cho dân đẩy giá tăng cao. Ở các nước, chuyện phát hành trái phiếu vàng chỉ diễn ra ở thập niên 20 của thế kỷ trước, còn hiện giờ chỉ còn giá trị sưu tập. Vì vậy, ông Sơn cho rằng nên cân nhắc khi đưa ra phương án này.

Nên xem lại Nghị định 24

Trong hội thảo hôm nay, phân tích về những vấn đề đang diễn ra trên thị trường vàng, đa phần các chuyên gia đều cho rằng hiện đang có những bất cập trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần xem xét. Cụ thể, theo như Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Nguyễn Thành Long, việc hạn chế điểm kinh doanh vàng miếng sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân, vì sẽ khiến họ khó khăn khi muốn mua bán vàng miếng. Theo ông Long, nên có chính sách quản lý phù hợp thay vì hạn chế theo dạng này.

Ông Nguyễn Thế Hùng cũng cho rằng thị trường vàng đã không diễn biến đúng như mong muốn của chính phủ khi đưa ra nghị định trên, vì giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch ở mức cao, việc đưa quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước mới được phép nhập vàng đang tạo ra sự thiếu hụt trong thanh khoản của các ngân hàng mà không cách nào bù đắp được, dẫn đến việc thị trường vàng biến động bất thường như trong thời gian qua.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, vẫn nên mở sàn vàng và giao cho Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế quản lý nhằm tạo ra chợ giao dịch tập trung các các nhà kinh doanh vàng; đồng thời cũng cần thả nổi hoàn toàn giá vàng để liên thông theo giá quốc tế và quản lý thông qua thuế xuất, nhập khẩu.

Tuy vậy, cũng có diễn giả nói Nghị định 24 đã làm được một việc quan trọng là giúp cho vàng trở nên không còn là kênh hấp dẫn đầu tư khi ngân hàng thương mại không được phép huy động, và hạn chế điểm giao dịch cũng là cách để người dân bớt đi nhu cầu với vàng, như vậy sẽ tránh được hiện tượng vàng hóa nền kinh tế.

Thanh Thương

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Giao dịch ngưng trệ khi giá vàng tăng vọt (04/10/2012)

>   Giá vàng lên 48,1 triệu đồng (04/10/2012)

>   Giá vàng tiến gần hơn mốc 48 triệu đồng mỗi lượng (04/10/2012)

>   Vàng lên 1,779 USD/oz, triển vọng dài hạn khả quan (04/10/2012)

>   Đổ xô đổi bao bì vàng miếng SJC (03/10/2012)

>   Giá vàng lùi bước trước ngưỡng 48 triệu đồng/lượng (03/10/2012)

>   Vàng bấn loạn trước thông tin về gói giải cứu Tây Ban Nha (03/10/2012)

>   Giá vàng bất ngờ vọt lên 47,77 triệu đồng mỗi lượng (02/10/2012)

>   Vàng lên trên 1,780 USD/oz, bạc cao nhất 7 tháng (02/10/2012)

>   Ngân hàng vẫn gom vàng (02/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật