TTCK Mỹ: Dow Jones liệu có vượt vùng kháng cự 13,700-14,200?
Diễn biến cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn và nợ công Eurozone là nguyên nhân chính khiến TTCK thế giới trong đó có TTCK Mỹ phải trải qua những thăng trầm khắc nghiệt. Nỗ lực tái cấu trúc và phục hồi, với sự trợ giúp bởi chính sách tài chính - tiền tệ mở rộng, là nhân tố cơ bản giúp kinh tế Mỹ từng bước gượng dậy và đang phát đi tín hiệu khả quan.
Đó cũng là động lực chính duy trì xu hướng tăng giá từ tháng 3/2009 đến nay trên TTCK Mỹ, đưa các chỉ số chủ chốt trở lại thời điểm trước khủng hoảng. Chỉ số Dow Jones công nghiệp (DJIA) hiện đang đứng trước thách thức chinh phục thành công vùng kháng cự 13,700-14,200 điểm.
Tín dụng dưới chuẩn nhấn chìm Dow Jones
Với việc lãi suất thấp duy trì trong thời gian khá dài và tín dụng dưới chuẩn chịu sự quản lý lỏng lẻo cùng những hoạt động chứng khoán hóa các danh mục cho vay dưới chuẩn, thị trường nhà đất Mỹ, dù đã tăng trưởng liên tục từ những năm thuộc thập niên 80 của thế kỷ trước, đã rơi vào tình trạng bong bóng bắt đầu từ quý IV/2003.
Trong giai đoạn 2005-2006, lạm phát toàn cầu tăng cao khiến NHTW nhiều nước đứng trước sức ép phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, đẩy lãi suất tăng nhanh. Từ mức thấp 1% giữa năm 2004, sau 17 lần tăng liên tục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất quỹ liên bang lên tới 5.25% vào ngày 29/06/2006. Lãi suất leo thang đã trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần đối với người vay tiền để mua nhà, đặc biệt những người có thu nhập thấp và đang thất nghiệp. Khi không trả được nợ, người mua nhà bị xiết nợ và phát mại tài sản thế chấp chính là căn nhà mà họ mua bằng món tiền vay đó.
Cũng từ cuối năm 2005 – đầu năm 2006 thị trường nhà đất Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Nhà đất Liên bang Mỹ (FHFA) và Cơ quan Quản lý Nhà đất Mỹ (OFHEO), doanh số bán nhà mới giai đoạn này không còn tăng mạnh và đi ngang ở mức khoảng 1.2 triệu căn/tháng. Thậm chí tháng 3/2006, doanh số bán nhà mới sụt mạnh chỉ còn 1.08 triệu căn. Quý II/2006, mặc dù vẫn giữ được đà tăng nhưng giá nhà chỉ nhích nhẹ 1.17% so với quý I, thấp hơn đáng kể so mức tăng bình quân hàng quý trên 3% trong năm 2005. Đó cũng là quý có tốc độ tăng giá thấp nhất kể từ quý IV/1999. Cuối năm 2006, dấu hiệu đổ vỡ trên thị trường nhà đất đã trở nên rõ nét hơn và đến tháng 3/2007 doanh số bán nhà mới giảm mạnh và rơi khỏi mốc 1 triệu căn khi chỉ đạt 848 ngàn căn.
Đà sụt giảm trên thị trường nhà đất Mỹ nhanh chóng lan sang các nước khác, tác động tiêu cực tới hoạt động của những định chế cung cấp tín dụng dưới chuẩn. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ trong lĩnh vực này vẫn nằm trong tầm kiểm soát cho đến giữa năm 2007. Chỉ số Dow Jones Công nghiệp tiếp tục hành trình tăng giá nhờ những tin tức tốt trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Đặc biệt lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp lớn tăng mạnh (theo số liệu thống kê, lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp Mỹ tăng 5.2% so với mức tăng 1.5% trong quý I). Và lần đầu tiên kể từ khi được thiết lập, chỉ số DJIA đóng cửa cán mốc 14,000 điểm trong phiên giao dịch ngày 19/07/2007.
Tuy nhiên, sau lời cảnh báo của Chủ tịch Fed Ben Bernanke trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hai ngày 18-19/07, TTCK Mỹ giảm mạnh trong ngày tiếp theo (20/07) khi DJIA hạ 149.33 điểm. Được biết, tại buổi điều trần này, ông Ben Bernanke cho rằng tình trạng ảm đạm trên thị trường nhà đất sẽ tiếp tục kéo dài đồng thời hạ thấp dự báo về triển vọng kinh tế.
Từ tháng 7 - tháng 9, thua lỗ trong hoạt động tín dụng dưới chuẩn gia tăng với tốc độ chóng mặt và lên tới mức đẩy một số định chế tài chính hàng đầu thế giới đến bờ vực phá sản. Bị sốc trước hình ảnh những người gửi tiền tập trung tại mọi điểm giao dịch trên toàn quốc của Ngân hàng Northern Rock (Anh) để rút tiền, NĐT bán tháo cổ phiếu khiến các TTCK lớn đều trải qua đợt lao dốc mạnh. Chỉ số DJIA qua một tháng sụt giảm đã trở về mức 12,845.78 điểm trong phiên giao dịch ngày 16/08/2007.
Ngày 17/08, với việc Fed giảm lãi suất chiết khấu từ mức 6.25% xuống 5.75%, TTCK thế giới bứt phá mạnh mẽ, DJIA tăng 233.3 điểm. Ngày 18/09 Fed hạ lãi suất quỹ liên bang từ 5.25% (được duy trì từ tháng 6/2006) xuống còn 4.75%. Nhờ các quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, TTCK hồi phục và chỉ số DJIA tăng trở lại để đạt đỉnh 14,164.53 vào ngày 09/10/2007.
Trong tuần giao dịch tồi tệ (từ 15-19/10/2007), DJIA giảm cả 5 phiên. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III thấp hơn nhiều so với quý II, báo cáo của Fed nhấn mạnh rằng hoạt động kinh tế quý III được đánh giá là “nguội lạnh” và niềm tin kinh doanh sụt giảm, cùng với việc hạ thấp triển vọng kinh tế 2008 của nhiều tổ chức và doanh nghiệp là nguyên nhân cơ bản. Đặc biệt phiên thứ Sáu ngày 19/10/2008, sau khi Caterpillar – hãng sản xuất thiết bị xây dựng hàng đầu của Mỹ - cho biết lợi nhuận sẽ giảm mạnh do tình trạng tồi tệ trên thị trường nhà đất, DJIA đã giảm 366.94 điểm chỉ trong một phiên, khởi đầu chuỗi trượt dốc kéo dài tới tận tháng 3/2009.
Sự tháo chạy kinh hoàng nhất trong xu hướng giá xuống là giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10 năm 2008, thời điểm Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư đứng thứ tư tại Mỹ - nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 vào ngày 15/09/2008. Và đáy của chu kỳ giảm giá này được xác lập vào ngày 09/03/2009, DJIA đóng cửa tại 6547.05 điểm.
Xu hướng tăng trên TTCK Mỹ từ tháng 3/2009 - Nhân tố nội tại đóng vai trò động lực chính
Phiên giao dịch ngày 10/03/2009 với việc Citigroup thông báo chính thức có lãi trong 2 tháng đầu năm sau 5 quý thua lỗ liên tiếp, NĐT kỳ vọng cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ đã được khép lại. TTCK bật mạnh và DJIA tăng 379,44 điểm. Cùng ngày, trong bài phát biểu tại Hội đồng quan hệ quốc tế về cải cách tài chính và rủi ro hệ thống, ông Ben Bernanke nhận định kinh tế Mỹ sẽ hồi phục vào cuối năm. Trong các phiên giao dịch sau đó, thị trường tiếp tục nhận được thông tin tốt về kết quả kinh doanh của JP Morgan Chase, Bank of America cũng như thông tin doanh số bán lẻ tăng vượt dự kiến – dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ.
TTCK Mỹ nói chung, DJIA nói riêng bước vào chu kỳ tăng giá. Đây được xem là diễn biến tốt nhất trong số các TTCK lớn trên thế giới trong 3 năm qua dù TTCK Mỹ cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng nợ Eurozone, đặc biệt là trong quý II/2010 và quý III/2011 – thời điểm cam go nhất đối với số phận của đồng Euro.
Bảng trên cho thấy các chỉ số chính trên TTCK Mỹ đang trở lại thời điểm trước khủng hoảng 2007-2009 bất chấp khủng hoảng nợ công Eurozone, tốc độ tăng trưởng thấp của nền kinh tế thế giới và một số vấn đề như thâm hụt ngân sách liên bang vượt con số 1,000 tỷ USD.
Những nhân tố nội tại: thể chế, tinh thần kinh doanh, cơ cấu nhân khẩu, công nghệ tiên tiến, trình độ và tay nghề người lao động... cùng sự trợ giúp từ Chính phủ đặc biệt là chính sách tài chính – tiền tệ mở rộng là căn nguyên của những thành công trong nỗ lực tái cấu trúc và phục hồi. Ngành ô tô của Mỹ là một ví dụ. Bên cạnh đó diễn biến theo chiều hướng tích cực của nền kinh tế, sự phục hồi của hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp là động lực khiến TTCK Mỹ duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 3/2009.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, nửa cuối năm 2009 kinh tế Mỹ đã đảo chiều ngoạn mục. Tốc độ tăng GDP từ mức -5.3% trong quý I và -0.3% trong quý II đã đảo chiều thành 1.4% trong quý III và 4% trong quý IV. Mặc dù cả năm 2009 GDP tăng trưởng -3.1%, nhưng mức tăng trưởng trong quý III đã chấm dứt 6 quý liên tiếp tăng trưởng âm trước đó. GDP năm 2012 được dự báo tăng khoảng 3%. Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp cũng có sự tăng trưởng khá từ 1.25 ngàn tỷ USD năm 2008 lên 1.34 ngàn tỷ USD năm 2009, 1.7 ngàn tỷ USD năm 2010 và 1.83 ngàn tỷ USD năm 2011. Về thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần từ mức trên 10% những tháng cuối năm 2009 xuống còn 7.8% vào tháng 9/2012. Số liệu thống kê những tháng gần đây cho thấy lĩnh vực nhà ở và xây dựng cũng đang tiến triển tích cực...
Kháng cự 13,700-14,200 đối với DJIA
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, hiện tại đây đang là vùng kháng cự mạnh của DJIA. Câu hỏi đặt ra là liệu kháng cự này có bị phá vỡ và bởi xung lực nào? Đà phục hồi của kinh tế Mỹ từ năm 2009 đến nay liệu có bền vững và đã được phản ánh đầy đủ vào xu hướng tăng giá cổ phiếu? Có những nhân tố mới nào (kể cả nội tại cũng như bên ngoài) có thể đóng vai trò như một sự đột phá?
Như thường thấy, bối cảnh chung luôn là bức tranh đan xen giữa những nhân tố tích cực và tiêu cực mà trong đó người bi quan và người lạc quan đều có thể tìm được sự hỗ trợ cho quan điểm của mình. Và như mọi người thường nói, chỉ có “Ngài Thị trường” mới cho câu trả lời đúng.
Trong ngắn hạn, về cơ bản, xung lực có thể đến từ chính đà phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế Mỹ. Hiện đà phục hồi này vẫn được cho là chậm và là lý do khiến Fed tiếp tục tung ra gói QE3 trong thời gian gần đây. Trong quý IV/2012 và quý I/2013, TTCK Mỹ có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi tin tức tốt từ thị trường việc làm, lĩnh vực nhà đất và xây dựng, tăng trưởng GDP, lợi nhuận doanh nghiệp...
Hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone cũng như sự phục hồi của các hoạt động kinh tế tại khu vực này có thể là một động lực đáng kể cho thị trường. Hay cơ hội cũng có thể đến từ sự cải thiện trong tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới do các nền kinh tế, sau một thời gian trì trệ bởi hậu quả khủng hoảng, đã tái cấu trúc thành công và đây là thời điểm của phục hồi, tăng trưởng. Một khả năng nữa cũng có thể đến từ chính cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới (dù là ông Obama hay ông Romney thắng cử) cùng với việc điều chỉnh hoặc triển khai các chính sách mới có thể sẽ thổi vào nền kinh tế một luồng sinh khí mới thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn...
Trong trường hợp chinh phục thành công vùng kháng cự 13,700-14,200 điểm, DJIA sẽ hướng tới mục tiêu 16,700-17,500 điểm và đây sẽ là vùng kháng cự rất mạnh trong vòng 2 năm tới trên phương diện phân tích kỹ thuật. Nửa cuối 2014 – đầu 2015, khi kinh tế thế giới đã phục hồi và tăng trưởng tốt, giá cả hàng hóa và vấn đề lạm phát có thể trở thành mối bận tâm đối với những nhà làm chính sách. Các nền kinh tế lớn có điều chỉnh các chính sách tài chính – tiền tệ theo hướng thận trọng.
Trường hợp không vượt qua được vùng kháng cự 13,700-14,200 điểm thì trong vòng 2 năm tới chỉ số DJIA sẽ có một số vùng hỗ trợ:
12,200-12,800: Diễn biến trên vùng hỗ trợ này là hoàn toàn bình thường và được mô tả như một giai đoạn đi ngang tích lũy cho sự bứt phá sau đó. Bối cảnh chung không có nhiều thay đổi so với hiện tại. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 cũng có thể tạo kịch tính ngắn hạn trên phương diện tâm lý.
5,900-6,200: Trong vòng 2 năm tới, xác xuất để DJIA tiệm cận được vùng hỗ trợ này có lẽ là rất nhỏ. Và trước khi tiệm cận được vùng hỗ trợ này, các vùng hỗ trợ mạnh 12,200-12,800; 10,200-10,500; 8,800-9,100 và 7,200-7,500 phải lần lượt bị phá vỡ, trong đó 8,800-9,100 là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh. Thông thường, các ngưỡng hỗ trợ càng thấp thì sức chống đỡ càng lớn. Vì vậy động lực để phá vỡ được lần lượt từng vùng hỗ trợ này phải gắn với một bối cảnh đặc biệt liên quan tới những vấn đề có thể tạo nguy cơ lớn cho tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn như chính sách của Fed đột ngột đảo chiều, sự an toàn của đồng Euro bị đe dọa, kinh tế Mỹ bất ngờ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực (chẳng hạn như tăng trưởng âm) hay sự phá sản của các định chế tài chính lớn đe dọa hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ, hay các cuộc chiến nổ ra ngoài tầm kiểm soát....
Tổng hợp lại, kể từ giữa tháng 9/2012 đến nay, chỉ số DJIA đang diễn biến theo chiều hướng tiệm cận vùng kháng cự 13,700-14,200. Diễn biến nội tại của nền kinh tế Mỹ hiện nay như tiến triển trong các lĩnh vực việc làm, khu vực nhà đất và xây dựng, tăng trưởng GDP, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp... cũng như những động thái chính sách của Fed sẽ tiếp tục là động lực chính cho việc chỉ số DJIA, trong vòng 3 - 6 tháng tới, có chinh phục thành công hay không vùng kháng cự 13,700-14,200 điểm.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
FFN
|