Sáp nhập HBB vào SHB: Kinh nghiệm lớn cho làn sóng M&A ngân hàng
Làn sóng hợp nhất, sáp nhập, mua lại (M&A) ngân hàng (NH) luôn là chủ đề nóng, đặc biệt từ khi lộ trình xử lý 9 NH yếu kém được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay thực hiện từ giữa năm 2012.
Đến nay, đã có 4 thương vụ M&A kết thúc, đó là vụ NH hợp nhất SCB (được hợp nhất từ 3 NH: SCB, Ficombank, TinNghia Bank); Quỹ đầu tư Bản Việt mua lại GiaDinh Bank đổi tên thành BanViet Capital Bank; Sacombank bị “đổi chủ” bởi một nhóm cổ đông lớn; Còn riêng thương vụ M&A giữa SHB và HBB được diễn ra công khai trước sự giám sát của hàng vạn cổ đông và các cơ quan chức năng.
M&A trong… hòa bình
Ngày 26.10, NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ thực hiện niêm yết bổ sung 405 triệu CP phát hành thêm để hoán đổi CP nhận sáp nhập NHTMCP Habubank (HBB). Đây là bước đi cuối cùng của thương vụ M&A NH, vốn được coi là một thương vụ M&A điển hình trong hoạt động tái cấu trúc NH năm 2012.
Nếu ở một số NH, việc M&A diễn ra bằng sự thâm nhập hoạt động quản trị NH của nhóm cổ đông mới, thông qua việc trực tiếp và gián tiếp gia tăng sở hữu cổ phần... thì ngược lại - trường hợp SHB và HBB lại là việc tự nguyện chấp nhận của hầu hết cổ đông cả hai bên. Điều này thể hiện qua tỉ lệ biểu quyết thông qua giao dịch sáp nhập của HBB là 85,21% và của SHB là 99,4%. Chính bởi sự tự nguyện, nên ngay sau khi HBB trở thành “người một nhà” (ngày 28.8.2012), hoạt động của SHB đã lập tức vận hành ổn định.
Để thực hiện việc sáp nhập, SHB đã phát hành thêm CP để hoán đổi số CP của HBB. Đây là giải pháp tối ưu cho tất cả các bên liên quan bởi SHB tăng được quy mô hoạt động (vốn, tổng tài sản, mạng lưới, nhân sự...) mà không phải mất thêm chi phí quá lớn (bằng cách phát hành thêm CP), còn HBB có được đối tác xử lý các tồn tại tài chính vượt quá sức của mình. Về phía NHNN và Chính phủ, do đây là hai trường hợp sáp nhập tự nguyện nên Nhà nước không phải chi phí tài chính để tái cấu trúc các NH. Do đó, các cơ quan này chỉ còn thực thi trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện giao dịch sáp nhập đúng các quy định pháp luật.
Điều thu hút sự chú ý của dư luận đối với thương vụ M&A giữa HBB và SHB là tính công khai minh bạch. Nếu phần lớn các giao dịch M&A được diễn ra trong “bí mật”, thì diễn biến sáp nhập HBB vào SHB lại được công khai đến từng chi tiết. Do cả hai NH đều đã niêm yết trên TTCK, mọi hoạt động đều phải công bố minh bạch, đặc biệt những hoạt động lớn liên quan đến hoạt động NH như mua bán, sáp nhập...
Đánh giá về thương vụ M&A SHB - HBB, nguyên Thống đốc NHNN - TS Cao Sỹ Kiêm - cho rằng, việc sáp nhập chủ động từ cả hai NH trong trường hợp này đã giúp thương vụ SHB - HBB tránh được sự xung đột mà nhiều giao dịch M&A thường gặp phải.
Thật sự trưởng thành
Nói về thương vụ M&A, ông Phan Xuân Cần - TGĐ Cty Đầu tư tài chính VN (TigerInvest), một chuyên gia trong lĩnh vực M&A - nhận xét: “HBB sáp nhập vào SHB là một thương vụ của lý trí. Trong bối cảnh NHNN hạn chế các NHTM mở chi nhánh mới, việc nhận sáp nhập HBB sẽ giúp SHB có ngay hệ thống các chi nhánh để hình thành mạng lưới kinh doanh rộng hơn. Vốn điều lệ, tổng tài sản, nguồn nhân lực đã tăng lên đáng kể sau thương vụ này. Mặt khác, dưới góc độ thương hiệu, thương vụ này đã nâng thương hiệu SHB lên một vị thế khác, cao hơn, quy mô và chuyên nghiệp hơn”.
Đúng như nhận xét trên, tại thời điểm sáp nhập, SHB lọt vào danh sách 8 NHTMCP (không bao gồm các NHTMCP có vốn nhà nước chi phối) có tổng tài sản lớn nhất hệ thống NHTM, với số vốn hơn 8.860 tỉ đồng. Doanh số huy động của SHB đạt 112.487 tỉ đồng; hiện SHB có 242 đơn vị kinh doanh trên toàn hệ thống với hơn 4.500 CBNV... Theo số liệu của VSD, tại thời điểm hoán đổi CP, SHB có trên 33 nghìn cổ đông, trở thành một trong những Cty có mức độ đại chúng cao nhất trên TTCKVN.
Tuy nhiên, hậu sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho SHB bởi số nợ xấu phải xử lý tại HBB khá lớn. Để xử lý nợ xấu, SHB cơ cấu lại nợ hoặc tham gia tái cấu trúc DN. Sau khi phân loại nợ, SHB đưa ra những giải pháp cụ thể đối với từng DN để có phương án riêng cho từng trường hợp, như việc SHB tái cấu trúc toàn bộ Cty Bianfishco là một điển hình.
Được biết, sau 1 tháng nhận sáp nhập, SHB đã thu hồi được 448 tỉ đồng nợ xấu tại các đơn vị của HBB cũ. Điều này có nghĩa, 11% vốn điều lệ của HBB được thu hồi, góp phần làm tăng đáng kể giá trị vốn chủ sở hữu của SHB so với thời điểm nhận sáp nhập, làm tăng tính thanh khoản cho các tài sản của SHB. Đây là minh chứng cho việc thực hiện cam kết giải quyết nợ xấu mà SHB đã công bố mục tiêu đưa nợ xấu đến cuối năm 2012 của các đơn vị thuộc HBB cũ xuống dưới 10%, nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5%.
Sau sáp nhập, hoạt động kinh doanh của SHB diễn ra ổn định, tăng trưởng liên tục. Cụ thể, sau một tháng kể từ thời điểm sáp nhập, tổng tài sản tăng 3,6%, tổng nguồn vốn huy động tăng 3,9%, dư nợ cho vay tăng 1,2% so với số liệu hợp nhất thời điểm sáp nhập. Tính lũy kế từ thời điểm sáp nhập 28.8 - 28.9.2012, số lượng khách hàng cá nhân tại SHB tăng thêm là 9.611 khách hàng; số lượng khách hàng tổ chức tăng thêm là 182 khách hàng; số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm là 115.592 tài khoản và tăng thêm 2.713 tài khoản của các tổ chức kinh tế. Nguồn: SHB
|
Công Thắng
Báo Lao Động
|