Thứ Hai, 08/10/2012 22:31

Sao không giảm giá xăng?

Do gần như được độc quyền định giá nên các doanh nghiệp xăng dầu một lần nữa lại trù trừ, kéo dài thời gian phải giảm giá, bất chấp giá thế giới đã giảm mạnh

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng 6 lần với tổng mức tăng 2.850 đồng/lít. Những ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới giảm liên tục nhưng các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn “án binh bất động”.

Vẫn kêu lỗ

Giá dầu thô tại Mỹ hiện chỉ còn chưa đến 90 USD/thùng, thấp nhất trong 2 tháng nay. Trên thị trường Singapore (thị trường cung cấp sản phẩm xăng dầu chủ yếu cho Việt Nam), giá xăng dầu cũng liên tục giảm. Đặc biệt, 10 ngày nay, giá xăng tại thị trường Singapore dao động quanh mức 122 USD/thùng, thấp hơn so với mức 125,34 USD/thùng (giá ngày 27-8, trước 1 ngày tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước); giá dầu DO, dầu hỏa tại thị trường này cũng theo đà giảm của giá xăng.

Nếu so với giá ngày 11-9 (thời điểm các DN đòi tăng giá trên dưới 1.000 đồng/lít xăng dầu nhưng Bộ Tài chính chọn giải pháp giảm thuế nhập khẩu dầu và tăng mức trích quỹ bình ổn), hiện giá xăng dầu tại Singapore đã giảm khoảng 3,4%-4,7%. Một số tính toán cũng cho thấy 1 lít xăng RON92 giá cơ sở (đến ngày 5-10) chỉ khoảng 22.642 đồng, nghĩa là DN lãi khoảng 1.000 đồng/lít so với giá bán lẻ.

Mặc dù giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh nhưng các DN trong nước hiện vẫn chưa có động thái gì cho thấy sắp hoặc sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng chưa có động thái yêu cầu các DN tính toán hạ giá xăng dầu. Trong khi trước đây, khi giá thế giới biến động, theo quy định 10 ngày, các DN đầu mối lập tức đòi liên bộ Công Thương - Tài chính cho tăng giá xăng với đủ lý do như giá nhập cao, hoa hồng thấp, càng bán càng lỗ…

Nay giá thế giới giảm liên tục, lần điều chỉnh giá gần đây nhất đã quá 10 ngày rất xa và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đã gần 1 tháng nhưng các DN vẫn im hơi lặng tiếng, thậm chí còn kêu lỗ. Đại diện một công ty xăng dầu than: Tính bình quân trong 30 ngày gần đây, giá xăng dầu cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ 600 đồng - 700 đồng/lít. Vì vậy, không thể giảm giá xăng dầu bán lẻ trong thời điểm này.

Làm méo mó nền kinh tế

Theo quy định hiện hành, việc tăng/giảm giá xăng dầu trước tiên do các DN đề xuất. Vì vậy, các DN nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không dại gì tự “xin” giảm giá để giảm lợi nhuận. Do đó, các cơ quan chức năng chưa thúc ép thì giá bán lẻ xăng dầu chưa thể giảm. Tất cả thiệt thòi đổ dồn vào người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng theo nguyên tắc thị trường, khi giá thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước tăng theo và ngược lại. Nghịch lý là hiện tại, giá thế giới giảm liên tục nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn bình chân như vại.

“Với cơ chế tính giá hiện nay, có quá nhiều kẽ hở cho các DN trục lợi: các DN tự do tính giá bình quân thế giới, giá cơ sở không chính xác và lấy mức giá không chính xác đó báo cáo lên cơ quan chức năng làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Các DN gần như được độc quyền định giá, lúc giá thế giới vừa nhích lên thì lập tức tăng theo, lúc giá thế giới giảm thì trù trừ kéo dài thời gian” - TS Ngô Trí Long nói.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Quang A cho rằng với Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu, có thể nói các DN đầu mối… muốn làm gì thì làm; có quá nhiều cách để DN lý giải việc tăng giá và chần chừ giảm giá. Cách vận hành cơ chế như hiện nay làm méo mó hệ thống giá, méo mó nền kinh tế. Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào mà Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá phải đứng ra giải thích hộ DN mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu như ở Việt Nam. Nếu Nhà nước tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, giám sát tốt sự cạnh tranh đó thì cơ quan quản lý không cần phải can thiệp như hiện nay.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, việc đưa giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, cụ thể là điều chỉnh giảm trong thời điểm hiện tại có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, các DN và người tiêu dùng.

Thanh Nhân

người lao động

Các tin tức khác

>   Giá cao, tiêu thụ khó, DN gas xin giảm thuế nhập khẩu (08/10/2012)

>   DN xăng dầu "quên" điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường? (07/10/2012)

>   Bộ Tài chính yêu cầu công khai giá gas khi điều chỉnh (07/10/2012)

>   Xung đột Syria đẩy dầu phi hơn 4% và vượt 91 USD/thùng (05/10/2012)

>   Dầu rơi tự do hơn 4% khi sản lượng vọt lên cao nhất 15 năm (04/10/2012)

>   Dầu xuống dưới 92 USD/thùng, khí thiên nhiên leo dốc liền 6 phiên (03/10/2012)

>   Dầu tăng nhẹ, khí thiên nhiên nhảy vọt gần 5% (02/10/2012)

>   Doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ nhưng không xin tăng giá (01/10/2012)

>   Giá gas tăng thêm 16.000 đồng/bình (01/10/2012)

>   Dầu leo dốc 8.5%, xăng nhảy vọt 22% trong quý 3 (29/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật