Doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ nhưng không xin tăng giá
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore gần như liên tục giảm giá. Các doanh nghiệp đầu mối tuy vẫn kêu lỗ nhưng khẳng định không xin tăng giá trong thời điểm này.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết hiện vẫn lỗ vài trăm đồng/lít xăng, dầu dù giá thành phẩm trên thị trường Singapore giảm.
Phó tổng giám đốc một đầu mối phía Nam không muốn nêu tên tính toán, giá cơ sở 30 ngày tính theo công thức của Bộ Tài chính hiện cao hơn giá bán lẻ 100 đồng/lít đối với xăng và 200 - 300 đồng/lít đối dầu (đã sử dụng các công cụ). Theo ông này, đây là mức lỗ đã giảm nhiều so với trước đây, thời điểm xin tăng giá hôm 11-9.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cũng cho biết, giá xăng dầu thành phẩm tuy không giảm nhiều bằng dầu thô nhưng đã giảm áp lực cho doanh nghiệp. Do vậy, theo ông Sang, tuy doanh nghiệp còn lỗ nhưng ở thời điểm này, sẽ không có đề xuất tăng giá.
Theo website của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore, thị trường cung cấp chính của Việt Nam trong nửa tháng qua gần như liên tục đi xuống. Sau ngày 14-9, xăng RON 92 tái lập mốc 126,17 đô la Mỹ/thùng rồi giảm liên tục một tuần, về mức 118,22 đô la Mỹ/thùng. Tiếp đó, mặt hàng này tăng nhẹ rồi giảm nhẹ trong mấy ngày gần đây. Hôm 27-9, RON 92 chốt phiên giao dịch ở mức 122,81 đô la Mỹ/thùng.
Trong khi đó, dầu DO 0,05S, dầu hỏa cũng có diễn biến tương tự. Vào ngày 20-9, dầu DO 0,05S và dầu hỏa lần lượt về mức 128,04 đô la Mỹ/thùng và 127,15 đô la Mỹ/thùng rồi lên mức 129,4 đô la Mỹ/thùng và 128,96 đô la Mỹ/thùng trong phiên giao dịch 27-9.
Các mức giá này đều đã giảm khoảng 4 đô la Mỹ/thùng so với thời điểm 11-9, ngày nhiều doanh nghiệp có đề xuất tăng giá nhưng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không đồng ý.
Tuy vẫn lỗ nhưng các doanh nghiệp cho biết sẽ không có đề xuất tăng giá lên cơ quan quản lý mà chỉ kiến nghị Bộ Tài chính xem xét một số điểm trong giá cơ sở.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, lúc này không thể nói có tăng giá hay không tăng giá mà cần phải gắn với chính sách điều hành chung của Nhà nước, đó là kềm giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Sang cho biết Saigon Petro không đề xuất tăng giá ở thời điểm này. Còn cách đây hơn một tuần đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét lại định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa bởi với mức này, doanh nghiệp không đủ trang trải, nhất là sau khi Bộ Tài chính “cắt” tạm thời lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, khoản vốn dùng để bù đắp chi phí kinh doanh lâu nay.
Còn theo vị đại diện của doanh nghiệp đầu mối phía Nam, đơn vị này tuy chưa có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính nhưng đã bàn bạc nội bộ và dự kiến kiến nghị bộ này xem xét một số điểm. Thứ nhất, khôi phục lợi nhuận định mức 300 đồng/lít cho doanh nghiệp. Thứ hai, xem xét lại định mức kinh doanh 600 đồng, không phù hợp thực tế.
Ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đầu mối đã tăng mức thù lao cho đại lý. Mức phổ biến hiện nay là 300 - 350 đồng/lít (tại kho đầu mối), tăng 50 đồng/lít so với trước đây.
Thủ tướng Chính phủ mới có chỉ thị 25/CT-TTg yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng. |
Minh Tâm
tbktsg
|