Thứ Sáu, 12/10/2012 08:18

Sân chơi hợp nhất cần luật chơi công bằng

Ngày Doanh nhân nói chuyện doanh nghiệp, vì nụ cười hay nước mắt của doanh nhân gắn với doanh nghiệp. Các ông chủ doanh nghiệp tư nhân cần một tư cách cầu thủ đồng hạng trên sân chơi kinh doanh theo luật chơi thị trường với trọng tài – Nhà nước không thiên vị.

Khi đó, dù thắng hay thua thì nụ cười cũng xứng mà nước mắt cũng đáng. Nhưng, kỳ vọng nhất là kịch bản win – win (hai bên cùng thắng) như phân tích của ngân hàng Thế giới. Và cầu mong cơn khó suy giảm chóng qua, để các doanh nhân – doanh nghiệp nói chung có thể phá bất cân xứng hiện nay, làm lớn mình và lớn nền kinh tế.

Năm 2012, lại một năm thất bát nữa của doanh nhân Việt khi nhìn vào thống kê các đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; hàng tồn kho; tăng trưởng… tính tới giờ phút này. Khác với giai đoạn 2008 – 2009, chiếc bánh kích cầu của Nhà nước phần nào hà hơi tiếp sức cho doanh nghiệp, năm 2011 và 2012 dư địa chính sách không còn nhiều do cạn kiệt nguồn lực, các doanh nghiệp phải tự bơi trong bất ổn vĩ mô. Nhưng, ngay cả khi ấy, miếng bánh lớn – nhỏ khác nhau đã chạnh lòng không biết bao doanh nghiệp tư nhân, đa phần là nhỏ. Giờ đây, khi bị ngôi sao khủng hoảng tài chính trong nước chiếu mệnh, trừ các doanh nghiệp sân sau hay thân hữu của các ngân hàng thương mại, một lần nữa, họ lại chạnh lòng với những thông tin tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước được khoanh nợ, giãn nợ, bảo lãnh tín dụng và trả nợ thay, thậm chí đã chết lâm sàng rồi cũng còn được hồi sức nhân tạo, nói theo ngôn ngữ y khoa, bằng thủ pháp tái cơ cấu.

Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời đã cấp giấy khai sinh chính thức cho mấy trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân. Từ đó cho đến gần đây, trên mảnh đất màu mỡ của đổi mới, hội nhập, dù còn không ít chỗ gồ ghề của độc quyền doanh nghiệp nhà nước, bất bình đẳng trong cạnh tranh, cây non doanh nghiệp tư nhân vụt lớn lên theo bản năng sinh tồn. Không chỉ ở số lượng nhiều ít, và cho dù bị hạn chế hơn khi tiếp cận với các nguồn lực đất đai, tín dụng…, sự lớn nhanh của doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước thể hiện rõ nét qua những đóng góp cho tăng trưởng GDP, ngân sách; giải quyết việc làm và cả năng suất, hiệu quả sử dụng nguồn lực… Tuy nhiên, triết lý “trời sinh voi sinh cỏ” đã đến thời tới hạn, khi mà, chúng có muốn lớn hơn nữa thì vướng những tán cây cổ thụ doanh nghiệp nhà nước phía trên, còn lúc gặp thiên tai (đang ngày càng nhiều), thân phận bé mọn ở dưới lại bị cuốn đi trước hết.

Độc quyền, từ độc quyền Nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp, đang là cánh cửa đóng chặt cơ hội tham gia thị trường của doanh nghiệp tư nhân

Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời, nêu lộ trình chấm dứt sự tồn tại từ trước và song song của luật Doanh nghiệp nhà nước, giương ngọn cờ hợp nhất về mặt pháp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp tư nhân trên sân chơi mang tên thị trường. Dù vậy, có vẻ như đến nay, luật mới này mang ý nghĩa đối ngoại – đáp ứng các điều kiện về bình đẳng hoá để được gia nhập WTO nhiều hơn so với kỳ vọng đối nội khác, thực tế hơn, là tạo sân chơi bình đẳng giữa các khu vực với nhau. Gia nhập sân chơi của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này, lo ngại lớn nhất của chúng ta là khả năng cạnh tranh quốc gia. Khi mà sự yếu kém của các quả đấm thép – tập đoàn kinh tế nhà nước, vốn được lập ra và đầu tư tổng lực với mục tiêu cạnh tranh này thể hiện rõ nét qua hiệu quả kinh doanh lẫn quản trị, gần như chúng ta không kịp có một tập đoàn tư nhân nào đủ mạnh để thi đấu trên sân khách. Không khó hiểu, khi người dự cuộc chơi có động lực chính là cạnh tranh đã không được tập luyện đúng nghĩa trên sân nhà.

Vấn đề của chúng ta, như nghiên cứu “Cải cách cơ cấu kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng, công bằng và chủ quyền quốc gia” của các tác giả đến từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã chỉ ra, mặc dù đã xuất hiện một sự đồng thuận về nhu cầu cấp bách phải cải cách kinh tế, nhưng chưa có sự nhất trí về phương thức cụ thể của cải cách. Các nhà hoạch định chính sách thường nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện của tái cấu trúc. Theo đó, giảm số lượng các doanh nghiệp nhà nước “không nên được coi là mục tiêu mà chỉ là các công cụ để đạt được các mục tiêu thực sự của tái cơ cấu, cụ thể là tăng trưởng năng suất, năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo việc làm và mức sống cao hơn…” Giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ không giúp thúc đẩy những mục tiêu này nếu “các công ty sau khi cổ phần hoá vẫn được ưu ái trên thị trường trong nước” và nếu “các doanh nghiệp nhà nước lớn còn lại vẫn được hưởng độc quyền, không minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình”.

Lại thật không hay, theo phát hiện của tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, trong nghiên cứu “Hướng tới lộ trình thực sự tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà bộ Tài chính soạn thảo (bản cuối là tháng 4.2012) có sự khác biệt căn bản về mục tiêu tái cơ cấu so với những nội dung mà bộ trưởng Vương Đình Huệ trình bày hồi cuối năm 2011 về vấn đề này. Giờ đây, khi việc tái cơ cấu có trọng tâm đối tượng là các tập đoàn và tổng công ty, thì mục tiêu chống độc quyền đã bị loại hoàn toàn khỏi đề án. Độc quyền, từ độc quyền Nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp, đang là cánh cửa đóng chặt cơ hội tham gia thị trường của doanh nghiệp tư nhân cũng như cơ hội của người dân khi được hưởng giá cả và chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất thông qua môi trường cạnh tranh.

Trong các vấn đề quan trọng, khó, nhạy cảm mà hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đang họp để thảo luận có vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những mong cải cách lần này có tác động “đòn bẩy” thực sự với doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên Lê

 

Nhà nước, với tư cách là cơ quan quản lý nền kinh tế quốc gia, phải có trách nhiệm và hành động thực tế để tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tất cả các lực lượng thị trường, mà theo kinh nghiệm thế giới, công cụ tốt nhất là cạnh tranh và đóng vai trò trọng tài, theo nghĩa, làm sao để nguồn lực, vốn hạn hữu được phân bổ đến nơi sử dụng chúng hiệu quả nhất. Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, vì mục đích chính trị – kinh tế của mình, có động cơ tự thân để chăm bón, dưỡng dục các doanh nghiệp nhà nước.

Cả hai tư cách – trách nhiệm này không mâu thuẫn với nhau nếu thống nhất lấy tiêu chí hiệu quả hoạt động làm kim chỉ nam, như một việc bắt buộc tự thân nếu muốn phát triển. Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung mà một trong ba trụ cột được chọn là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo ngân hàng Thế giới, trong mười lý do để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngoài các nhóm lý do mang tính “tiêu cực” thuộc về sự yếu kém của khu vực kinh tế này và sự cần nhận thức lại về vai trò đích thực của Nhà nước, có nhóm lý do “tích cực” là Chính phủ có thể dùng cải cách doanh nghiệp nhà nước làm đòn bẩy để phát triển khu vực tư nhân. Ở thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước lại là nhân tố tạo nên một sân chơi không bình đẳng.

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Cổ đông mới: Lợi và hại (11/10/2012)

>   CMS: Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường xin ý kiến chào bán cổ phiếu (10/10/2012)

>   LHC chính thức chào mua LBM giá 9,200 đồng/cp (10/10/2012)

>   IMP sử dụng hết 98 tỷ đồng từ đợt phát hành 3.5 triệu cp (09/10/2012)

>   CCI nâng số lượng đang lưu hành lên gần 14 triệu cp (09/10/2012)

>   SFI: Phát hành 5% cổ phần cho cán bộ chủ chốt (09/10/2012)

>   AVF sắp chào bán 10 triệu cp, giá tối thiểu 10,000 đồng/cp (08/10/2012)

>   “Petro Vietnam đang tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập PVFC” (08/10/2012)

>   FMC: 19/10 GDKHQ thông qua việc chào bán cổ phần riêng lẻ (05/10/2012)

>   IMP: Hủy số cổ phiếu lẻ phát sinh trong đợt thưởng cổ phiếu (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật