Cổ đông mới: Lợi và hại
Trên thực tế, việc gia nhập của cổ đông mới có thể mang lại lợi ích nhưng cũng có khả năng tạo rủi ro, thách thức nhất định.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã liên tục chứng kiến làn sóng mua bán, sáp nhập diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp tiềm năng đang trải qua một giai đoạn khó khăn.
Đã có nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công sau khi có cổ đông mới tham gia vào hoạt động quản trị, nhưng cũng có những trường hợp thất bại. Trên thực tế, việc gia nhập của cổ đông mới có thể mang lại lợi ích nhưng cũng có khả năng tạo rủi ro, thách thức nhất định.
Điều quan trọng là nhóm cổ đông mới và cổ đông cũ cần nhận diện rõ những lợi ích và thách thức này, để vượt qua rào cản, nhằm phục vụ mục đích cuối cùng là gia tăng giá trị cho cổ đông của doanh nghiệp.
Lợi ích cổ đông mới có thể mang lại
(1) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành: Việc bổ sung thành viên mới trong ban lãnh đạo công ty sẽ giúp: (i) đóng góp những ý kiến mới giúp nâng cao hiệu quả trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch…; (ii) tạo đối trọng với thành viên lãnh đạo cũ, tạo động lực để các thành viên cũ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
(2) Phát triển mới, cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ: Đối với cổ đông mới có kinh nghiệm trong cùng ngành nghề thì có thể giúp doanh nghiệp phát triển thêm những sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
(3) Mang lại hệ thống phân phối, khách hàng mới: Doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội tiếp cận được hệ thống khách hàng mới từ những mối quan hệ, mạng lưới của cổ đông mới.
Đối với những cổ đông đã từng hoạt động trong cùng ngành thì doanh nghiệp cũng có thể hình thành những liên minh, liên kết để tận dụng mạng lưới phân phối sẵn có, tăng khả năng bán hàng hiệu quả.
(4) Ứng dụng công nghệ hiện đại: Điều này đặc biệt đúng nếu doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; vì công nghệ là yếu tố sống còn để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ các cổ đông mới trong việc ứng dụng công nghệ quản lý là tài sản quý giá.
Rủi ro và thách thức là gì?
Tuy vậy, doanh nghiệp sau khi có thay đổi cơ cấu sở hữu cũng phải chấp nhận sống chung với nhiều rủi ro và thách thức mới, chẳng hạn như:
(1) Chia sẻ quyền kiểm soát doanh nghiệp: Rõ ràng, một khi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp thay đổi thì cán cân quyền lực cũng bị thay đổi theo. Những thay đổi này thường được thỏa thuận trước, nhưng việc “sống chung” không hòa thuận có thể dẫn đến các hệ lụy tiêu cực, tạo nhiều rủi ro trong công tác điều hành hoạt động kinh doanh.
Cổ đông mới cũng sẽ khiến quyền hạn và trách nhiệm của ban điều hành cũ trở nên nhạt nhòa hơn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý trong công tác điều hành doanh nghiệp.
(2) Việc ra quyết định sẽ không còn linh hoạt như trước đây: Là hệ quả của, có thêm thành viên lãnh đạo mới sẽ khiến cho việc đồng thuận trong các quyết sách trở nên khó khăn hơn trước đây. Ngoài ra, sẽ mất nhiều thời gian và công sức để điều phối, tham vấn với các bên liên quan trong các quyết định.
Lý do có thể là: (i) các bên chưa có sự thấu hiểu văn hoá điều hành, cũng như đường lối phát triển doanh nghiệp (trên thực tế, sẽ cần một khoản thời gian nhất định để giải quyết vấn đề này); (ii) thay đổi cách thức quản lý, ra quyết định khi có thêm cổ đông mới.
(3) Nhiều thách thức hơn trong công tác truyền thông doanh nghiệp: Bất kỳ một sự thay đổi nào cũng sẽ gây xáo trộn, đặc biệt liên quan đến vấn đề nhân sự, lợi ích tài chính. Vì vậy, công tác truyền thông nội bộ cũng như bên ngoài sẽ gặp nhiều thách thức đáng kể.
Đối tượng truyền thông nội bộ doanh nghiệp là nhân viên, trong khi bên ngoài là khách hàng, đối tác, thương hiệu…
Duy Nam (Vietstock)
ffn
|