Quỹ đầu tư: Những kỳ Đại hội không yên ả
Câu chuyện về việc đóng quỹ dự kiến sẽ là đề tài “nóng sốt” nhất trong kỳ Đại hội nhà đầu tư thường niên của các quỹ đầu tư diễn ra từ nay đến cuối năm. Trong đó, có ít nhất 3 quỹ đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn để đóng quỹ.
Nhìn chung, do thị trường chứng khoán liên tiếp gánh chịu những cơn “địa chấn” mạnh, hầu hết hoạt động của các quỹ hiện nay đều không như kỳ vọng.
Ngay cả những quỹ do VinaCapital và Dragon Capital quản lý cũng không tránh khỏi những tổn thất, giá trị tài sản ròng (N.A.V) của các quỹ cũng theo đó mà teo tóp dần. Theo số liệu cập nhật đến ngày 31/08, tổng N.A.V của 2 quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) do Dragon Capital quản lý đã mất hơn 5.3 triệu USD so với thời điểm cuối tháng 7, chỉ còn lại gần 596 triệu USD. Việc giảm sút này chủ yếu do sự suy giảm giá trị của VEIL khi N.A.V trong kỳ đã “bốc hơi” xấp xỉ 10 triệu USD.
Ngoài giá trị tài sản ròng sa sút, bài toán nan giải của hầu hết các quỹ đầu tư hiện nay là tỷ lệ chiết khấu (chênh lệch giữa N.A.V và giá chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán) quá lớn. Trong các kỳ Đại hội nhà đầu tư thường niên đã qua, rất nhiều nhà đầu tư đã ra sức chất vấn ban đại diện quỹ về giải pháp rút ngắn khoảng cách này. Song hầu hết các câu trả lời gần như chưa thỏa đáng.
Với VinaCapital, tại ngày 31/8/2012, 2/3 quỹ đầu tư do đơn vị này quản lý đều có tỷ lệ chiết khấu lên đến hơn 50%. Trong đó, VinaLand Ltd (V.N.L) là quỹ có tỷ lệ chiết khấu “khủng” nhất trong số các quỹ do VinaCapital quản lý, khi lên tới 60.3%. Giá chứng chỉ quỹ này đã giảm 5.7% so với thời điểm cuối quý 2, xuống còn 0.45 USD. Tương tự, tỷ lệ chiết khấu của V.N.I (Vietnam Infrastructure Ltd) đến hết tháng 8 lên tới 51.8%, còn Vietnam Opportunity Fund (VOF) là 31.5%.
Thực trạng như hiện nay cho thấy câu chuyện về hiệu quả hoạt động của quỹ đầu tư chắc chắn sẽ là đề tài tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Và do hoạt động kém hiệu quả, áp lực rút vốn để đóng quỹ cũng trở thành một vấn đề nóng. Chỉ trong tháng 10 này, Đại hội thường niên của các quỹ do Dragon Capital quản lý, dự kiến vấn đề thoái vốn hay tiếp tục ở lại TTCK Việt Nam sẽ được đặt lên bàn cân. Đây cũng là đề tài nóng sốt, đã từng được giới đầu tư đặc biệt quan tâm trong kỳ Đại hội thường niên diễn ra năm 2010, khi lần đầu tiên Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý đứng trước nguy cơ giải thể.
Ngoài các quỹ của Dragon Capital trên, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (S.A.M) sẽ tổ chức Đại hội nhà đầu tư để lấy ý kiến cổ đông thông qua việc tiếp tục hoạt động hay đóng quỹ cũng trong tháng 10.
Hiện S.A.M đang quản lý 2 quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (V.P.H). Theo số liệu mới nhất trên website của S.A.M, giá trị tài sản ròng (N.A.V) mỗi chứng chỉ quỹ/giá chứng chỉ quỹ VEH đạt 2.06 EUR/1.33 EUR, tương ứng tỷ lệ chiết khấu là 35%. Tương tự, V.P.H cũng có tỷ lệ chiết khấu khá cao với 31.7%.
Và nếu không được gia hạn thì Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF) cũng sẽ hết hạn vào cuối năm 2012.
Áp lực đóng quỹ không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục lan sang năm 2013. Một số Quỹ đầu tư hết thời hạn hoạt động trong năm tới có thể kể đến như Quỹ đầu tư Prudential. Một số quỹ đầu tư nước ngoài khác như Quỹ đầu tư cân bằng Prudential có thời hạn kết thúc vào giữa năm 2013, Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý cũng hết hạn đến quý 3/2013…
Bội Mẫn (Vietstock)
ffn
|