Thứ Ba, 09/10/2012 11:02

Quỹ đầu tư: Hết hạn lại xin thêm

Khó khăn trong việc thanh lý quỹ khi đến hạn thanh lý, nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư đã chọn cách kéo dài thời gian hoạt động.

Cuối năm 2012 là thời điểm nhiều quỹ đầu tư đến hạn thanh lý quỹ. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện tại khiến việc thanh lý quỹ trở nên không thuận lợi. Kéo dài thời gian hoạt động của quỹ là lựa chọn chính mà các công ty quản lý quỹ đưa ra cho NĐT.

Hết hạn, xin thêm

Theo điều lệ thành lập ban đầu, Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF) của Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) sẽ hết thời gian hoạt động vào ngày 13/11/2012. Vốn điều lệ của Quỹ SSIVF là 1.700 tỷ đồng, trong đó riêng SSI nắm giữ 37,94% vốn điều lệ. Trao đổi với ĐTCK, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM cho biết, Quỹ SSIVF sẽ thanh lý theo đúng kế hoạch. “Hiện tại, chúng tôi đã có đủ nguồn tiền để trả cho NĐT”, bà Hằng nói.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, trong vòng hơn một tháng nữa, một quỹ đầu tư trong nước sẽ kết thúc sứ mệnh của mình sau 5 năm hoạt động. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi mà một quỹ đầu tư thực hiện thanh lý quỹ khi đến hạn. Các trường hợp quỹ đầu tư khác đến hạn, theo ghi nhận của ĐTCK đến thời điểm này, hầu hết đều xin gia hạn từ 2 năm trở lên.

Như trường hợp Quỹ đầu tư BVF1 được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (Baovietfund) có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, BVF1 đáo hạn vào tháng 7/2011. Tuy nhiên, năm ngoái, quỹ này đạt được sự thống nhất của NĐT (chủ yếu là Tập đoàn Bảo Việt và các công ty con, nắm 91,58% vốn điều lệ Quỹ) và được sự chấp thuận của UBCK, cho phép kéo dài thời gian hoạt động đến 19/7/2014.

Một quỹ trong nước khác, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thời gian hết hạn hoạt động (theo kế hoạch ban đầu) vào tháng 8/2012 là Quỹ Đầu tư Tiger Fund. Tuy nhiên, ông Phan Anh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB Capital - đơn vị quản lý Quỹ Đầu tư Tiger Fund cho biết, Quỹ đã được phép gia hạn thêm 3 năm hoạt động.

Chuyện gia hạn thời gian hoạt động của các quỹ đầu tư không chỉ đến từ đa số quỹ đầu tư trong nước, mà cả các quỹ đầu tư nước ngoài, hầu hết cũng lựa chọn hình thức xin kéo dài thời gian hoạt động hoặc xin chuyển thành quỹ mở. Trong năm 2011, hai quỹ của KITMC là KITMC Worldwide 1 và 2 với tổng giá trị tài sản trên 100 triệu USD đã xin chuyển thành quỹ mở thành công.

Ngay đầu tháng 10, hai quỹ do Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (SAM) là VEH và VPH với tổng giá trị tài sản tính đến 28/9/2012 là 73 triệu USD cũng xin gia hạn thời gian hoạt động và chuyển sang hình thức quỹ mở vào năm 2014.

Ngày 5/10, Quỹ VEIL của Dragon Capital, với quy mô tài sản tính đến 28/9/2012 là 369 triệu USD và Quỹ VGH, với quy mô 201 triệu USD cũng xin kéo dài thời gian hoạt động thêm tương ứng 3 năm và 5 năm so với thời hạn ban đầu.

Hướng ra nào cho quỹ hết hạn?

Thông thường, một quỹ đầu tư đến hạn có thể lựa chọn một trong 4 hình thức sau: giải thể quỹ (đương nhiên); xin kéo dài thời gian hoạt động, chia một phần tài sản cho nhóm NĐT không muốn theo tiếp và tiếp tục duy trì hoạt động quỹ với quy mô nhỏ hơn; hoặc xin chuyển thành quỹ mở.

Trường hợp tiếp tục kéo dài hoạt động vì sự thành công của quỹ là điều chưa xảy ra với TTCK Việt Nam. Đối với các quỹ đầu tư thành viên trong nước đã xin gia hạn, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các NĐT (chủ yếu là các tập đoàn, ngân hàng, tổng công ty) đã có sẵn nhu cầu đầu tư. Việc giao tiền đầu tư cho một quỹ đầu tư nhằm mục đích chủ yếu là gọn nhẹ hệ thống quản lý, chứ chưa hẳn đến từ việc mong muốn tìm một đối tác quản lý với cơ hội sinh lời so với việc tự đầu tư.

Với những NĐT của quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chấp nhận gia hạn thời gian hoạt động, trong một số ít trường hợp là do nhìn thấy cơ hội đầu tư dài hạn, trong bối cảnh TTCK đang ở vùng đáy. Còn một phần không nhỏ đến từ việc… bất đắc dĩ. Một số quỹ đầu tư đã đầu tư vào phần danh mục mà ở đó, việc thoái vốn hết để có thể kịp thời hạn đóng quỹ là điều không tưởng. Bối cảnh TTCK Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhiều cổ phiếu có tính thanh khoản rất thấp. Những khoản đầu tư vào các dự án bất động sản, đầu tư trực tiếp vào DN hay mua cổ phiếu OTC… càng khó bán, do việc đưa cổ phiếu lên sàn (cách thoái vốn khá phổ thông) cũng khó thành công. Lựa chọn bán sỉ danh mục cho một NĐT mới lại càng khó khăn, vì suốt 2 năm qua, quỹ mới vào Việt Nam rất thưa thớt và quy mô nhỏ.

Quỹ đầu tư nước ngoài vào không dễ (dù hiện tại đã thoáng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước), ra cũng... không dễ đang là thực trạng có thật ở Việt Nam. Năm 2013, 2014 sẽ là năm dồn dập đến hạn đóng quỹ, trong đó có Quỹ VOF của Vinafund, với quy mô tài sản cuối tháng 8/2012 lên tới 720 triệu USD, sẽ đến hạn vào cuối tháng 10/2013. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng thanh khoản không được cải thiện?

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tháo chạy khỏi sàn: Hủy niêm yết để giữ thể diện (09/10/2012)

>   Cổ phiếu rẻ vẫn không hấp dẫn (09/10/2012)

>   09/10: Bản tin 20 giờ qua (09/10/2012)

>   10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (08/10/2012)

>   Cty Quản lý quỹ Tín Phát bị phạt 60 triệu đồng (08/10/2012)

>   Chuyện ông Hành… (08/10/2012)

>   Có thể hồi phục nhẹ nhưng đà giảm giá trung hạn khó đảo ngược (10/10/2012)

>   TAS: Hơn 40 tỷ đồng bốc hơi như thế nào? (08/10/2012)

>   FPT đăng ký thực hiện chứng quyền năm 2012 (08/10/2012)

>   Vốn ngoại “tạm” ở lại với thị trường (08/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật