Né chuẩn niêm yết, doanh nghiệp ồ ạt lên sàn trước giờ “G”?
Thống kê trong 9 tháng đầu năm, Sở HOSE và HNX đã chấp thuận cho 25 doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu, nhưng đáng lưu ý là có đến hơn ½ số này mới được chấp thuận chỉ trong khoảng vài tuần gần đây.
Kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán èo uột là nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp lên sàn ngày càng ít trong khi danh sách hủy yết lại ngày càng dài thêm, nhiều người dự báo con số sẽ còn gia tăng mạnh trong năm tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt nộp đơn và được chấp thuận lên sàn trong thời gian gầy đây tạo nên một hiện tượng mới.
Thống kê của Vietstock cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, cả hai sở HOSE và HNX đã chấp thuận cho 25 doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu, nhưng đáng lưu ý là có đến hơn ½ số này vừa mới được chấp thuận niêm yết chỉ trong khoảng thời gian vài tuần (từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9) - thời điểm cận kề áp dụng quy định về tiêu chuẩn niêm yết mới.
Mặc dù trước đó, lãnh đạo hai Sở đều khẳng định doanh nghiệp sẽ không cố lên sàn trước “giờ G” và rằng, doanh nghiệp nộp hồ sơ trước 15/09 vẫn được xét duyệt theo tiêu chuẩn niêm yết cũ nhưng những gì đang diễn ra không như dự đoán. Trong số 13 doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết gần đây thì có đến 8 đơn vị không đáp ứng chuẩn niêm yết mới.
CTCP Luyện kim Phú Thịnh được niêm yết tại HOSE chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi nộp hồ sơ lần đầu với mã chứng khoán PTK. Đầu tư Vietnamnet còn đáng nể hơn, với thời gian nộp hồ sơ và niêm yết cổ phiếu tại HNX chỉ vỏn vẹn có 10 ngày (04-14/09) với mã VNN. Tương tự, Trang trí nội thất dầu khí (PID) lên sàn HNX chưa đến 1 tháng từ ngày nộp hồ sơ (17/08 – 14/09), hay Mía đường Sơn La (HNX: SLS) từ 14/08 đến 18/09. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng được chấp thuận trong thời gian này như SII, EMC, C32, HU4, PSE, CLP, AGM tại HOSE hay VE4, SPI tại HNX.
Và nếu xét theo tiêu chuẩn của quy định niêm yết mới có thể dễ dàng nhận ra giấc mơ lên sàn của khá nhiều doanh nghiệp trên sẽ hoàn toàn tan biến.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn niêm yết mới, doanh nghiệp tại HOSE phải có vốn điều lệ tối thiểu là 120 tỷ đồng và HNX là từ 30 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có lãi 2 năm liên tục trở lên trước ngày nộp hồ sơ niêm yết, không nợ quá hạn trên 1 năm, không lỗ lũy kế đến năm niêm yết, lãi ròng trên tổng tài sản (ROE) lớn hơn hoặc bằng 5%. Ngoài ra, HOSE còn có quy định 20% cổ phần biểu quyết phải do ít nhất 300 cổ đông nắm giữ và HNX là 15% cổ phần biểu quyết do 100 cổ đông nắm giữ.
Trong khi đó, theo quy định cũ, vốn tối thiểu ở HOSE là 80 tỷ đồng và HNX là 10 tỷ đồng, đồng thời doanh nghiệp không bị lỗ trong năm liền trước năm niêm yết là có thể lên sàn.
Như vậy sẽ có đến 5 doanh nghiệp trong danh sách trên chưa thể lọt qua vòng “gửi xe” vì vốn điều lệ thấp hơn tiêu chuẩn. Cụ thể, tại HOSE có EMC (81 tỷ đồng), C32 (112 tỷ đồng), CLP (80 tỷ đồng), còn tại HNX có SPI (25 tỷ đồng) và VE4 (11.22 tỷ đồng)..
Đvt: tỷ đồng
|
Vòng hai của tiêu chuẩn có vẻ dễ dàng hơn khi hầu hết các doanh nghiệp này đều có lãi 2 năm liền trước khi niêm yết nhưng rào cản ROE và số lượng cổ đông lại là vấn đề lớn.
Đơn cử như CTCP Đầu tư hạ tầng BĐS Sài Gòn (SII), đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất trong số công ty mới niêm yết với 400 tỷ đồng, đáp ứng tiêu chuẩn vốn điều lệ, nhưng ROE năm 2011 chỉ đạt 2.41%. Còn CTCP Trang trí nội thất dầu khí (PID) có ROE là 4.7%, suýt soát mức chuẩn. Với ROE năm 1.6%, VNN cũng chưa đạt chuẩn mới. Đặc biệt, công ty Đá Spilit (SPI) không những không đạt về vốn điều lệ, mà còn ROE năm trước chỉ có 0.93%.
Dù vậy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SII khá ấn tượng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 7.7 tỷ đồng. Còn VNN và PID tuy có lãi song so với cùng kỳ thì giảm lần lượt 49% và 82%.
Chỉ có 5 trong số 13 doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết gần đây là đáp ứng được trọn vẹn tiêu chuẩn theo quy định mới gồm công ty Luyện kim Phú Thịnh (PTK), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), Đầu tư và Xây dựng HUD4 (HU4), Phân bón & Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE) và công ty Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32).
Mặc dù thị trường chứng khoán rơi vào cảnh “chợ chiều” kéo dài đã rất lâu, hàng trăm doanh nghiệp trên sàn đang phải “dở khó dở cười” vì giá cổ phiếu liên tục sụt, thanh khoản kém và bị nhà đầu tư quên lãng. Nhưng hiện tương doanh nghiệp lên sàn trong thời gian qua cũng phần nào cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, sự kỳ vọng vào tương lai của kênh dẫn vốn này.
Các cổ phiếu mới niêm yết cũng không nằm ngoài xu hướng của những “đàn anh” trên sàn.
SPI chính thức giao dịch phiên đầu tiên hôm 26/09, sau 3 phiên tăng điểm nhẹ thì 4 phiên gần đây liên tục giảm và hiện chỉ còn 11,300 đồng/cp, thanh khoản mỗi phiên chỉ khoản 200 triệu đồng.
SII lên sàn ngày 12/09 với giá tham chiếu 12,500 đồng nhưng cuối phiên giảm còn 10,000 đồng/cp. Gần 1 tháng giao dịch, SII có lúc giảm xuống còn 9,200 đồng/cp. Những ngày qua, nhờ kết quả kinh doanh khả qua của CII (cổ đông lớn) giúp SII bật trở lại và hiện giao dịch tại mức giá 11,300 đồng/cp, thanh khoản của cổ phiếu này tương đối tốt nhờ số lượng niêm yết lớn (40 triệu cổ phiếu).
Mã PTK, cổ phiếu hiếm hoi đạt chuẩn niêm yết mới, với các yêu tố cơ bản tương đối tốt nên giá bật tăng trần ngay phiên chào sàn hôm 26/09 (đạt 15,100 đồng/cp). Thanh khoản mỗi phiên khoản 20 ngàn đơn vị. Hiện PTK đang giao dịch tại mức giá 15,900 đồng/cp, tức tăng hơn 10% so với ngày đầu tiên.
|
Viết Vinh - Mỹ Hà (Vietstock)
ffn
|