Kinh tế Mỹ đã có thêm những tín hiệu lạc quan
Dù chưa hết những khó khăn, những số liệu mới công bố về đơn đặt hàng hàng lâu
bền, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và doanh số bán nhà đang cho thấy sự cải
thiện của kinh tế Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, đơn đặt hàng lâu bền tăng 9,9% trong tháng
9, mức tăng lớn nhất trong gần 3 năm. Tuy nhiên, sự tăng này chủ yếu là nhờ đơn
đặt hàng máy bay thương mại tăng mạnh, loại đơn đặt hàng dễ biến động và đã giảm
mạnh trong tháng 8. Đơn đặt hàng trong lĩnh vực giao thông chỉ tăng 2%, đơn đặt
hàng tư liệu sản xuất cơ bản như máy móc và thiết bị không thay đổi sau khi tăng
nhẹ trong tháng 8 và giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 6.
Những số liệu trên cho thấy doanh nghiệp Mỹ vẫn thận trọng trong kế hoạch đầu
tư kinh doanh. Nhu cầu của các doanh nghiệp giảm mạnh trong năm nay, làm ảnh
hưởng tới hoạt động chế tạo cũng như tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế lo ngại các doanh nghiệp có thể giảm đầu tư cho sản xuất hơn
nữa nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc tăng thuế và cắt
giảm chi tiêu đã được lên kế hoạch vào đầu năm tới.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất
nghiệp trong tuần trước giảm xuống 369.000, so với con số 392.000 trong tuần
trước đó và mức trung bình của 4 tuần là 368.000. Số liệu này ở mức dưới 375.000
có nghĩa tốc độ thuê nhân công đủ mạnh để hạ tỷ lệ thất nghiệp. Các chủ doanh
nghiệp đã tuyển dụng thêm trung bình gần 150.000 người trong tháng qua, vừa đủ
kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 8,3% xuống 7,8%, mức
thấp nhất kể từ tháng 1/2009, nhờ số việc làm, đặc biệt là việc làm bán thời
gian, tăng.
Mặc dù vậy, giới phân tích dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần
tại Mỹ sẽ khó giảm xuống dưới mức 360.000 trong năm nay. Các doanh nghiệp vẫn do
dự trong việc thuê thêm nhân công khi đà tăng trưởng kinh tế vẫn chưa chắc chắn
và khủng hoảng nợ ở châu Âu có nguy cơ đẩy khu vực này vào suy thoái. Một nguyên
nhân khác là nhiều người đang lo ngại về khả năng tăng thuế và cắt giảm chi tiêu
của chính phủ trong năm tới.
Ngoài những số liệu tích cực trên, doanh số bán lẻ cũng tăng đáng kể trong
tháng 9, khi người tiêu dùng mua nhiều ô tô, thiết bị và nội thất, bù cho sự sụt
giảm nhu cầu của nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà và hoạt động xây dựng
nhà ở cũng tăng ổn định trong năm nay, nhờ giá nhà tăng và tỷ lệ thế chấp ở mức
thấp nhất trong nhiều thập niên. Chỉ số về các hợp đồng mua nhà tăng lên 99,2
trong tháng 9, tăng 0,3% so với tháng 8 và 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu
hướng này được nhận định sẽ vẫn tiếp tục.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,3% trong quý 2, sau khi tăng 2% trong quý 1.
Hầu hết các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng
trưởng dưới 2% trong nửa cuối năm nay. Bộ Thương mại công bố ước tính ban đầu về
tăng trưởng quý III trong ngày 26/10./.
Lê Minh
Vietnam+
|