Các nền kinh tế lớn đang "lách" quy định của WTO
Một nghiên cứu sắp được công bố cho thấy các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, đang áp dụng các chính sách bảo hộ lách qua các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nghiên cứu của Giáo sư chính trị học Vinod Aggarwal ở Berkeley và Giáo sư về phát triển kinh tế và thương mại quốc tế Simon Evenett ở trường Đại học St.Gallen khi được công bố sẽ có tên đánh giá chính sách kinh tế Oxford. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu đối với 7 nền kinh tế lớn là EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Brazil cũng như 869 các chính sách thương mại phi vĩ mô mà các nước này đã áp dụng kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.
Nghiên cứu nhận thấy trong giai đoạn từ tháng 11/2008-5/2012, khá nhiều nước đã dùng tới các công cụ chính sách thiếu minh bạch và những công cụ chính sách không được bao quát hoặc bao quát không đầy đủ trong quy định của WTO.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, 27 nước thành viên EU đã áp dụng 1/3 số chính sách bảo hộ đã được nhận diện trong báo cáo nghiên cứu trên, với 93% số này có sự phân biệt đối xử với sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài, một tỷ lệ cao hơn dù không đáng kể so với Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, châu Âu và Nhật Bản là những nền kinh tế có các chính sách bảo hộ có tính lựa chọn nhất, với 2/3 số chính sách là nhằm vào các công ty cụ thể tại thị trường trong nước.
Việc xem xét 10 lĩnh vực mà các chính sách bảo hộ nhắm đến nhiều nhất ở mỗi một nền kinh tế trong số 7 nền kinh tế trên cho thấy, các chính sách này hoặc phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài hoặc ưu đãi một cách có lựa chọn cho các doanh nghiệp trong nước. Đa phần các nền kinh tế áp đặt các biện pháp bảo hộ có xu hướng lách quy định còn yếu của WTO về việc cứu trợ, hỗ trợ thương mại và khuyến khích đầu tư.
Theo các tác giả của nghiên cứu, khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng, các nền kinh tế trên đã cam kết không viện đến chính sách bảo hộ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 bàn về khủng hoảng tài chính toàn cầu tại Washington (Mỹ), song nhìn chung đã không tôn trọng tinh thần của những gì đã cam kết. Trong khi cam kết hạn chế các biện pháp bảo hộ, các nước đã không chỉ bảo vệ nền kinh tế trước sự cạnh tranh từ bên ngoài mà còn dành ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước trong thời buổi khủng hoảng, với các loại thuế không được tăng lên một cách đồng đều với cả các doanh nghiệp. Vấn đề mấu chốt là các nhà quản lý quan niệm rằng không nên trông cậy vào các quy định của WTO để bảo vệ lợi ích của mình.
Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy hồi tháng 6 nói rằng, nhiều nước vẫn tin tưởng vào hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này, song cũng đồng thời cảnh báo về sự gia tăng của các rào cản hay hạn chế thương mại, yếu tố đang ảnh hưởng tới 3% thương mại hàng hóa của toàn cầu.
Lê Minh
thời báo ngân hàng
|