Thứ Hai, 22/10/2012 13:51

Không nương tay với nhà thầu bạc nhược

Các nhà thầu thi công hai dự án đường bộ cao tốc hướng tâm lớn ở phía Bắc là tuyến Nội Bài - Lào Cai và Hà Nội - Thái Nguyên sẽ phải hoàn thành công trình chậm nhất trước ngày 31/12/2013.

Keangnam - nhà thầu quốc tế đầu tiên “ngã ngựa”?tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Anh Minh

Keangnam là nhà thầu quốc tế đầu tiên “ngã ngựa” tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một trong những dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam với tổng mức đầu tư lên tới 1,25 tỷ USD.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ một số dự án hạ tầng giao thông lớn được tổ chức vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, Bộ sẽ không cho Keangnam thêm bất kỳ “ân hạn” nào, khi trong suốt 2 năm qua, nhà thầu này đã thể hiện năng lực thi công yếu kém và bạc nhược tại Gói thầu A5.

“Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ phải đưa nhà thầu chỉ định của chủ đầu tư vào thi công hỗ trợ Keangnam. Trước mắt, sẽ bớt 50% khối lượng của Gói thầu A4 và 80% của Gói thầu A5 để chuyển giao cho các nhà thầu khác thi công. Trường hợp Keangnam tiếp tục không đạt tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT sẽ thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, ông Thăng cảnh báo.

Theo báo cáo của chủ đầu tư (VEC), tính đến giữa tháng 10/2012, tổng khối lượng do Keangnam thực hiện tại Gói thầu A5 mới đạt 9,08% giá trị hợp đồng, chưa đạt 1/3 so với giá trị bình quân của toàn Dự án và bằng 1/6 giá trị thực hiện của gói thầu có sản lượng tốt nhất (A1).

“Chúng tôi không thấy cơ hội nào để Keangnam có thể hoàn thành Gói thầu A5 vào ngày 31/12/2013”, ông Francisco Javie de Bonigaz, Công ty tư vấn Gentisa (Tây Ban Nha), Tư vấn trưởng Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đánh giá.

Cần nói thêm rằng, một gói thầu xây lắp khác tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng do Keangnam thi công là Gói thầu A4 cũng bị liệt vào tình trạng báo động đỏ với giá trị sản lượng chỉ đạt 23,13 % giá trị hợp đồng, trong khi thời gian thi công thực tế chỉ còn khoảng 14 tháng.

“Mặc dù Chủ tịch Tập đoàn Keangnam đã sang Việt Nam làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và cam kết sẽ tăng cường thêm tài chính và thiết bị, nhưng trong 3 tháng qua, sự chuyển biến tại gói thầu A4, A5 là không đáng kể”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Trên thực tế, ngoài việc “cứu tiến độ” gói thầu A4, A5 có tổng giá trị hợp lên tới 2.800 tỷ đồng, việc Bộ GTVT “ra roi” với Keangnam còn có tác dụng siết tiến độ cho các gói thầu xây lắp khác tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cũng nói thêm rằng, sau hơn 2 năm thi công, hiện chỉ còn gói thầu A7, A8 do Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam trúng thầu chưa phải điều chỉnh tiến độ hợp đồng.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, 6 gói thầu còn lại mặc dù đều do các nhà thầu Hàn Quốc nổi tiếng trúng thầu, không chỉ bộc lộ sự yếu kém về năng lực thi công trên công trường, mà còn không tuân thủ được những điều kiện tối thiểu của hợp đồng, như huy động máy móc, thiết bị, cũng như tài chính đã cam kết với chủ đầu tư.

Tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 10.004 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, mặc dù không quá căng về tiến độ, nhưng chủ đầu tư (Ban quản lý dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng đã phải dùng đến “bài” trảm nhà thầu sau khi đã tạo những điều kiện tốt nhất về thanh toán và điều chỉnh giá.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng qua, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu chính thay thế 24 đơn vị trên tổng số 84 nhà thầu phụ trên toàn tuyến.

Khác với Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhà thầu thi công 61 km đường cao tốc nối Hà Nội với Thái Nguyên đều là tổng công ty xây lắp trong nước, giá trị sản lượng của cả 4 gói thầu xây lắp mới đạt 1.610 tỷ đồng. Với đà này, dự kiến đến hết năm 2012, Dự án ước đạt khoảng 58% khối lượng.

“Nếu các gói thầu không có biến chuyển mạnh trong những tháng tới, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GTVT cắt giảm khối lượng của nhà thầu chính để điều chuyển cho nhà thầu chỉ định của chủ đầu tư”, ông Long quyết liệt.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, với quy mô đầu tư rất lớn, hai dự án được đưa vào khai thác sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn, do đó, nhà thầu nào để chậm trễ, sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bộ GTVT cũng không châm chước cho bất kỳ nhà thầu nào để xảy ra yếu kém về chất lượng công trình.

“Các nhà thầu phải rà soát lại toàn bộ khối lượng để có kế hoạch tăng cường thiết bị, máy móc, nhân lực hợp lý để tập trung đẩy mạnh thi công, bù lại tiến độ đã mất, bảo đảm ngày 31/12/2013 là thời hạn cuối cùng để thông tuyến, khai thác toàn bộ hai công trình”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Anh Minh

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bất động sản đầu tiên tại Hà Nội bị kiện phá sản (22/10/2012)

>   "Nghĩa địa chôn" 140.000 tỷ đồng ở Hà Nội, TP HCM? (22/10/2012)

>   Thị trường vật liệu xây dựng có xu thế ổn định về giá (22/10/2012)

>   'Giải mã' kiện cáo bùng phát trong bất động sản (22/10/2012)

>   Chung cư cao cấp: Bán không nổi, cho thuê không được (22/10/2012)

>   Mục tiêu cuối cùng là người dân mua, thuê được nhà (22/10/2012)

>   Chính phủ: “Thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi” (21/10/2012)

>   Xử lý xây dựng sai phép ở dự án Đảo Kim Cương của Bình Thiên An: Tạo tiền lệ xấu (21/10/2012)

>   VCG thoái vốn khỏi dự án tỷ đô Park City (21/10/2012)

>   Tử huyệt của bất động sản là khủng hoảng niềm tin (21/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật