Ireland tự lực, Hy Lạp, Bồ Đào Nha vẫn cần cứu trợ
Cho đến nay, ba nước ở Eurozone đã nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh
châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và
Ireland. Trong khi Hy Lạp và Bồ Đào Nha vẫn cần thêm tiền cứu trợ, Ireland đã có
thể tính đến chuyện tự lực về tài chính.
Theo một báo cáo sơ bộ mà IMF vừa công bố, nợ của Hy Lạp sẽ vượt mục tiêu 120%
GDP vào năm 2020, lên mức 136% GDP, với một kịch bản tích cực là nước này sẽ đạt
thặng dư ngân sách khi chưa thanh toán lãi suất các khoản nợ, kinh tế tăng
trưởng trở lại và chương trình tư nhân hóa được thực hiện. IMF nhấn mạnh Hy Lạp
sẽ cần tiến hành thêm những cải cách trước khi dòng tín dụng khẩn cấp từ các
thiết chế tài chính quốc tế được khơi thông trở lại.
Trong khi đó, thỏa thuận về gói các biện pháp khắc khổ mới nhất trị giá 13,5 tỷ
euro của Hy Lạp, điều kiện để nước này nhận được khoản vay mới, vẫn bị cản trở
do đảng Dân chủ cánh tả từ chối ủng hộ các cải cách về vấn đề lao động.
Ngoài việc đưa ra dự báo về mức nợ của Hy Lạp, các đại diện của IMF, EU và ECB
cũng đang tính toán về số tiền sẽ phải cấp thêm cho Hy Lạp nếu cho nước này thêm
hai năm (tức đến năm 2016) để có thể đạt mức thặng dư ngân sách 4,5% GDP trước
khi thanh toán lãi suất các khoản nợ.
Hai năm gia hạn này sẽ tạo điều kiện để kinh tế Hy Lạp sớm trở lại tăng trưởng
và nhờ vậy, cho nước này thêm cơ hội để ổn định nợ.
Với Bồ Đào Nha, IMF nhận định chương trình củng cố tài chính của nước này đang
bước vào giai đoạn khó khăn hơn, do suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục, thất nghiệp
tăng và sự phản đối ngày càng tăng đối với các biện pháp khắc khổ.
IMF dự báo kinh tế Bồ Đào Nha sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm 2013, với
mức giảm 1%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 15,9% hiện nay lên 16,4% và nợ công sẽ
lên tới mức đỉnh là gần 124% GDP vào năm 2014.
IMF đánh giá lĩnh vực tài chính của Bồ Đào Nha vẫn ổn định, một loạt những cải
cách cần thiết về thị trường lao động và hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh
tranh đã được tiến hành. Tuy nhiên, thiết chế tài chính này nhấn mạnh các cải
cách sẽ cần có thời gian để mang lại kết quả và Bồ Đào Nha cũng sẽ phải tiến
hành các biện pháp khắc khổ bổ sung.
Với Ireland, Bộ trưởng Tài chính Ailen, Michael Noonan, cho biết nước này đã sẵn
sàng cho việc thảo luận quy trình kết thúc chương trình cứu trợ trị giá 85 tỷ
euro (110 tỷ USD).
Nội dung thảo luận sẽ bao gồm cách thức cho phép Ailen trở lại các thị trường
trái phiếu một cách đầy đủ và độc lập trong các quyết định tài chính và vay
mượn. Đến nay, Ireland đã có thể tiếp cận các thị trường tài chính, khi huy động
được 5 tỷ euro thông qua việc phát hành trái phiếu ngắn hạn.
Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, Olli Rehn, đánh giá Ireland đã đạt
được những tiến triển lớn khi thực hiện các yêu cầu của chương trình cứu trợ.
Các nhà tài trợ nhận định Ireland sẽ đáp ứng được mục tiêu tài chính năm 2012 và
các quan chức cam kết về mức trần thâm hụt ngân sách 7,5% GDP vào năm 2013.
Tuy nhiên, với đà phục hồi chậm của kinh tế Ailen, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng
của nước này năm 2013 từ 1,4% đưa ra vào tháng 7 xuống 1,1%, trong khi giữ
nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2012 là 0,5%./.
Lê Minh
Vietnam+
|