IMF: Nguy cơ khủng hoảng tín dụng và suy thoái toàn cầu tăng cao
Niềm tin thị trường giảm sút đã khiến dòng tiền tháo chạy khỏi các quốc gia ngoại vi Eurozone như Tây Ban Nha. Thêm vào đó, sức ép ngày càng lớn đối với các ngân hàng đã gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng và suy thoái.
* Châu Âu nguy cơ phải bán tháo 4.500 tỷ USD tài sản
* IMF: Báo động rủi ro suy giảm sâu của kinh tế toàn cầu
* “Vực thẳm tài khóa” – quả bom hẹn giờ đối với chứng khoán Mỹ
Đó là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong Báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu công bố ngày thứ Tư (10/10) tại cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản. IMF cho biết rủi ro đối với sự bình ổn của hệ thống tài chính toàn cầu đã gia tăng trong 6 tháng qua bất chấp nỗ lực của các nhà làm chính sách nhằm đem lại một hệ thống tài chính an toàn hơn. Tổ chức này nhận xét, nỗ lực tinh gọn và đem lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính hầu như không đạt được tiến triển và niềm tin ngày càng trở nên “mong manh”.
Theo đó, IMF cho rằng dù cam kết mua trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 9 đã góp phần bình ổn thị trường nhưng các Chính phủ cần hành động thêm để vực dậy niềm tin. IMF nhấn mạnh khủng hoảng nợ Eurozone vẫn là nguyên nhân chính của mọi sự lo ngại.
IMF cho biết trong thông báo: “Nếu các Chính phủ không hành động thì hậu quả tất yếu sẽ là việc cắt giảm sử dụng đòn bẩy, qua đó gia tăng nguy cơ khủng hoảng tín dụng vì các ngân hàng cho vay ít hơn và dẫn đến suy thoái kinh tế”.
Ngoài ra, IMF cho rằng mối lo ngại về sự rút lui của các quốc gia Eurozone khỏi khu vực đồng tiền chung đã dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn khỏi khu vực này. IMF cảnh báo nếu Eurozone không giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn vốn của mình, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Kéo theo đó là tăng trưởng yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục leo thang từ mức cao kỷ lục như hiện nay.
Đồng thời, nhu cầu tăng cường nguồn vốn đệm của các ngân hàng cùng với chi phí vay mượn cao của các Chính phủ đang tạo ra trở ngại rất lớn đối với lĩnh vực doanh nghiệp”.
IMF nhấn mạnh một số biện pháp cần thiết để giải quyết khủng hoảng. Theo đó, mỗi Chính phủ cần cắt giảm nợ nhưng không để điều này cản trở tăng trưởng và thực hiện triệt để các cuộc cải cách nhằm thanh lọc hệ thống ngân hàng, bao gồm việc cấp vốn cho các ngân hàng có khả năng đứng vững. Theo IMF, ECB cần phải tham gia vào quá trình này và các ngân hàng Eurozone cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn.
Ngoài Eurozone, IMF cũng chỉ ra các rủi ro tại Mỹ và Nhật Bản. Đối với Mỹ, tổ chức này nhấn mạnh đến “vực thẳm tài chính” sắp có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 với các biện pháp cắt giảm chi tiêu tự động và tăng thuế có tổng quy mô 7 ngàn tỷ USD vào đầu năm tới.
Tại Nhật Bản, IMF nhấn mạnh đến thâm hụt ngân sách cao và nợ công kỷ lục cũng như sự phụ thuộc ngày càng lớn giữa các ngân hàng và nước này. Theo IMF, Nhật Bản không được chậm trễ trong việc giải quyết các khó khăn trên.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất công bố hôm 09/10, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 7 là 3.5% và là mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái 2009. Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 3.6% trong năm 2013, thấp hơn so ước tính trước đó là 3.9%. Đáng chú ý, IMF cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Anh, Brazil và Ấn Độ.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|