Ổn định tài chính thế giới đang đối mặt với rủi ro gia tăng
Ngày 10/10/2012, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo mới nhất về Ổn định tài chính thế giới. Theo đó, Báo cáo đánh giá rủi ro đối với sự ổn định tài chính thế giới đang gia tăng và các thị trường tài chính đã trở nên bất ổn khi các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn.
Báo cáo tập trung đánh giá thực trạng thị trường tài chính và những giải pháp xử lý khủng hoảng của khu vực châu Âu. Theo IMF, sự suy giảm lòng tin vào thị trường tài chính đã khiến cho dòng vốn chạy từ những nước bên ngoài vào khu vực trung tâm châu Âu, điều đó có nghĩa các nước sẽ phải đi vay với mức lãi suất cao hơn, gia tăng sự cách biệt giữa các nền kinh tế và các thị trường tài chính trong khu vực này. Tuy nhiên, IMF cho biết các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm đảo ngược tình hình trên, đặc biệt là quyết định của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về mua trái phiếu chính phủ các nước khi thỏa mãn các điều kiện. Những hành động này đã giúp thị trường ổn định trong những tháng gần đây. Nhưng IMF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần có biện pháp bổ sung để khôi phục lòng tin, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng gia tăng nợ chưa trả, điều này làm tăng nguy cơ về thắt chặt tín dụng trong hệ thống ngân hàng, và hệ quả của nó là một cuộc suy thoái kinh tế. Hơn nữa, IMF cho rằng các nỗ lực chính sách là cần thiết để có sự ổn định lâu dài.
IMF cho biết, sự chậm trễ trong việc giải quyết khủng hoảng tại châu Âu có khả năng tăng số lượng nợ chưa trả của các ngân hàng, qua đó có thể hạn chế việc cung cấp tín dụng ngân hàng và tăng sự cách biệt giữa các nền kinh tế và tài chính trong khu vực đồng euro. Theo dự tính của IMF, các ngân hàng ở châu Âu có thể đứng trước tình trạng hao hụt tài sản (do không thu hồi được nợ) từ 2,8 nghìn tỷ đôla Mỹ đến 4,5 nghìn tỷ đôla Mỹ tính đến cuối năm 2013.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tại châu Âu, IMF đã đưa ra 3 khuyến cáo cho các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, IMF cho rằng chính phủ các nước châu Âu cần giảm nợ chính phủ và thâm hụt ngân sách theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm giảm sự mất cân bằng từ bên ngoài và thúc đẩy tăng trưởng; “làm sạch” hệ thống ngân hàng, bao gồm tăng vốn hoặc tái cơ cấu các ngân hàng có thể đứng vững được trước cuộc khủng hoảng và giải thể các ngân hàng không có khă năng tồn tại. Bên cạnh đó, IMF lưu ý các nhà hoạch định chính sách cần có những hành động bổ sung ở cấp độ khu vực và ngân hàng trung ương châu Âu cần tiếp tục đảm bảo đủ tài chính cung cấp cho các ngân hàng thông qua cơ chế hỗ trợ thanh khoản. IMF tin rằng, về cơ bản những cải cách hướng tới một liên minh ngân hàng trong khu vực đồng euro sẽ giúp phá vỡ các ảnh hưởng tiêu cực giữa nợ chính phủ và các ngân hàng trong nước. Về lâu dài, một liên minh ngân hàng sẽ đảm bảo đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng trung ương và quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Ngoài ra, IMF đã nhận định rằng các rủi ro đối với sự ổn định tài chính thế giới còn bắt nguồn ở bên ngoài châu Âu, bao gồm Nhật Bản và Mỹ. Cả hai quốc gia này đều đang đứng trước thách thức lớn về tài chính, vì vậy họ cần phải có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn nhằm bảo vệ sự tăng trưởng và trấn an thị trường tài chính. IMF cho rằng các bài học gần đây cho thấy sự mất cân bằng tài chính cần được giải quyết trước khi thị trường đưa ra các dấu hiệu lo ngại về tín dụng. Nếu không có những kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn đáng tin cậy, thị trường tài chính sẽ buộc phải điều chỉnh trong giai đoạn ngắn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và ổn định tài chính.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, họ vừa phải bảo vệ nguồn lực để chống lại những cú sốc trên toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại châu Âu, vừa phải điều tiết các chính sách đối phó với sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế.
Ngọc Trang (theo imf.org)
Ngân hàng NNVN
|