Thứ Năm, 18/10/2012 13:17

HT1 - Kinh doanh để... trả nợ

Là doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng và có thị phần lớn nhất khu vực phía Nam nhưng CTCP Xi măng Hà Tiên (HT1) đang bị nghi vấn về khả năng thanh toán nợ do phải gánh chịu lãi vay khủng.

Sức mạnh "kỳ lân xanh"

HT1 hiện có 2 nhà máy là Nhà máy xi măng Bình Phước (công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm và 1,76 triệu tấn clinker/năm) mới đưa vào hoạt động năm 2010 và Nhà máy xi măng Kiên Lương (trước đây thuộc Nhà máy xi măng Hà Tiên 2, công suất 0,9 triệu tấn xi măng/năm, 1 triệu tấn clinker/năm).

2 nhà máy xi măng của HT1 có 4 trạm nghiền là Thủ Đức, Phú Hữu, Long An, Cam Ranh với tổng công suất 3,8 triệu tấn xi măng/năm.

Xét về năng lực sản xuất, HT1 hiện là đơn vị có công suất lớn nhất khu vực phía Nam với tổng công suất xi măng đạt 6 triệu tấn/năm, clinker 2,8 triệu tấn/năm.

Quy mô của HT1 đặc biệt tăng mạnh sau khi hợp nhất 2 nhà máy Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2. Trước sáp nhập, sản lượng tiêu thụ của Hà Tiên 1 duy trì ở mức ổn định khoảng 2,5-2,6 triệu tấn/năm. Sau khi hoàn tất việc hợp nhất thêm Hà Tiên 2, sản lượng của HT1 tăng khoảng 4 triệu tấn/năm.

Điểm tích cực ghi nhận ở đây là sản lượng sau hợp nhất có sự tăng nhẹ so với sản lượng của từng công ty riêng lẻ trước khi hợp nhất cộng lại.

Điều này chứng tỏ HT1 đã tổ chức phân vùng địa bàn tiêu thụ một cách hợp lý, không có hiện tượng chồng chéo trong hệ thống phân phối giữa Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2.

Thị trường xi măng phía Nam có sự nghiêng hẳn về 2 ông lớn là Vicem Hà Tiên và Holcim Việt Nam khi 2 đơn vị này chiếm tới 50% thị phần, trong đó Vicem Hà Tiên đang là thương hiệu dẫn đầu với khoảng 26% thị phần năm 2011 và là một trong những doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ đứng đầu cả nước với khoảng 8,1% thị phần. Nhãn hiệu “Kỳ lân xanh” của HT1 trong những năm qua luôn được người tiêu dùng trên cả nước tín nhiệm lựa chọn, đặc biệt ở khu vực phía Nam.

Tuột dốc cùng Suy giảm

Mặc dù giữ được thị phần lớn, nhưng cũng như các doanh nghiệp xi măng khác, HT1 chịu tác động không nhỏ từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. Sự đình trệ của các dự án bất động sản và chính sách cắt giảm đầu tư công đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động của ngành công nghiệp xi măng.

Sức tiêu thụ giảm, tồn kho tăng, nhà máy chạy dưới công suất hiện đang là vấn đề chung của đa phần các nhà máy xi măng trong thời điểm hiện tại. HT1 không ngoại lệ.

Nhà máy xi măng Bình Phước được HT1 đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn vay.

Thống kê 8 tháng năm 2012, HT1 tiêu thụ khoảng 2,72 triệu tấn, hoàn thành 61,8% kế hoạch năm. Tình hình tiêu thụ trong những tháng cuối năm dự kiến sẽ không sáng sủa hơn, ước tính mức tiêu thụ cả năm 2012 có thể chỉ đạt 4,08 triệu tấn (hoàn thành 92,7% kế hoạch).

Mặc dù HT1 đưa ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với các phân khúc tiêu dùng khác nhau và được thị trường đón nhận tích cực, cùng với chính sách khuyến mại lớn cho các đại lý, song khó có khả năng hoàn thành kế hoạch sản lượng năm.

Sức ép cạnh tranh khiến HT1 không thể tăng giá bán theo kịp sự tăng giá đầu vào. Trong 8 tháng năm 2012, giá bán trung bình của một số doanh nghiệp xi măng phía Nam tăng khoảng 12% so với năm 2011, nhưng với chiến lược tung ra 5 dòng sản phẩm mới với giá cạnh tranh, ước tính mặt bằng giá bán của HT1 chỉ tăng khoảng 8,4%.

Tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của HT1 liên tục suy giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 160 tỷ đồng, năm 2010 giảm còn 60 tỷ đồng và đến năm 2011 lỗ gần 9 tỷ đồng.

Giá HT1 trên TTCK cũng tỷ lệ thuận với sự tuột dốc về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thời điểm cuối năm 2009, HT1 có giá 1.5 thì đến cuối năm 2010 giảm còn 1.0, cuối năm 2011 còn 0.3 và hiện nay là 0.4.

Nặng nợ vốn vay

Ngoài yếu tố khách quan của thị trường bất động sản, nguyên nhân chính khiến HT1 rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay một phần đến từ món nợ vay khổng lồ mà doanh nghiệp này đang gồng gánh.

Tính đến thời điểm 30-6-2012, HT1 là đơn vị có dư nợ lớn nhất trong số các công ty xi măng niêm yết với 11.105 tỷ đồng, trong đó khoảng 6.240 tỷ đồng là vay nợ dài hạn để đầu tư cho nhà máy xi măng Bình Phước, dự án Hà Tiên 2.2 và một số trạm nghiền khác.

Dư nợ của HT1 đặc biệt tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây với tốc độ tăng gấp khoảng gần 9 lần, từ mức 1.001 tỷ đồng năm 2007 lên mức 8.920 tỷ đồng vào năm 2012. Hệ quả là chi phí tài chính của HT1 cũng tăng một cách chóng mặt. Năm 2011, chi phí tài chính của HT1 là 1.036 tỷ đồng, gần bằng lãi gộp là 1.470 tỷ đồng và cao gấp 3 lần chi phí tài chính năm 2010.

Đây là bất cập lớn của HT1, bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng khiến áp lực trả nợ dồn dập ngay sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Các khoản vay dài hạn của HT1 thường có thời hạn 10 năm, trong đó 3 hợp đồng vay có giá trị lớn (xấp xỉ hoặc trên 1.000 tỷ đồng) đều là các khoản vay mới phát sinh nên có thời gian đáo hạn khá dài (2017-2021).

Tổng giá trị 3 hợp đồng vay này khoảng 3.850 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng giá trị các khoản vay dài hạn. Thời gian đáo hạn lâu có thể giúp cho HT1 giảm nhẹ áp lực dòng tiền trả nợ hàng năm, nhưng lại kéo dài nghĩa vụ trả nợ lâu hơn.

Một điểm cần lưu ý khác đối với các khoản vay nợ của HT1 là khoản vay tài trợ cho dự án Hà Tiên 2.2 (dự kiến hoàn thành cuối năm 2012) có giá trị giải ngân tới thời điểm ngày 30-6-2012 khoảng 2.400 tỷ đồng.

Khoản vay này được vốn hóa vào giá trị đầu tư của dự án, do vậy sẽ là nhân tố làm tăng chi phí cho các năm tiếp theo. Ước tính, giai đoạn 2012-2016, chi phí khấu hao sẽ rất lớn, vào khoảng 600 tỷ đồng/năm.

Hải Hồ

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   CTB: 9 tháng đầu năm lãi trên 6.3 tỷ đồng (18/10/2012)

>   SBA: Vì sao lãi quý 3 chỉ có 61 triệu đồng? (18/10/2012)

>   PXT: Tiền thuần từ kinh doanh 9 tháng đạt hơn 50 tỷ đồng (18/10/2012)

>   VTB: Chi phí tăng vọt kéo lãi ròng quý 3 giảm hơn 42% (18/10/2012)

>   DVSC: Lỗ lũy kế 120 tỷ, chiếm gần 1/2 vốn (18/10/2012)

>   OCS: 9 tháng đầu năm, doanh thu tư vấn tăng đột biến (18/10/2012)

>   HOSE: Doanh nghiệp ì ạch với BCTC quý 3/2012 (18/10/2012)

>   NLC: Lợi nhuận quý 3 bất ngờ tăng 60% (18/10/2012)

>   VCG: Nguy cơ sa lầy tại các dự án FDI (17/10/2012)

>   CTCP Chứng khoán H.S.C: Báo cáo tài chính quý 3 năm 2012 (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật