Hết đường chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT
Không chờ Quốc hội thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ hợp thứ 4), Bộ Tài chính vẫn ban hành chế độ kiểm tra hoàn thuế GTGT với đối tượng thuộc diện “hậu kiểm” (hoàn thuế trước, kiểm tra sau).
Động thái này cho thấy, Bộ Tài chính quyết tâm đẩy lùi tình trạng chiếm đoạt tiền thuế thông qua hoàn thuế GTGT.
Theo đó, kể từ ngày 11.11.2012, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra sau khi hoàn thuế tại trụ sở DN trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế đối với 4 trường hợp “hậu kiểm”: DN kê khai lỗ luỹ kế từ 2 năm liên tục trở lên hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ; DN được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ.
Những trường hợp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế tại trụ sở DN trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế còn bao gồm DN thay đổi địa điểm kinh doanh trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm có quyết định hoàn thuế trở về trước; và DN có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng.
Đối với các trường hợp “hậu kiểm” còn lại, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc rủi ro (hồ sơ có quy mô, có độ phức tạp, số thuế đã giải quyết hoàn lớn...) trong thời hạn tối đa không quá 10 năm, kể từ ngày hoàn thuế.
Như vậy, so với đề nghị của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách trong Dự thảo Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính gần như tiếp thu toàn bộ, ngoại trừ đề nghị rút ngắn thời gian kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp “hậu kiểm” khác xuống tối đa không quá 3 năm, kể từ ngày hoàn thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2007-2010, cơ quan thuế chỉ tiến hành kiểm tra 20.500 hồ sơ “hậu kiểm” nhưng đã truy thu và phạt vi phạm hành chính thuế 349.664 triệu đồng. Trong đó, năm 2010 tiến hành kiểm tra 8.950 hồ sơ đã thu về cho ngân sách 169.445 triệu đồng.
Cũng trong giai đoạn 2007-2010, cơ quan thuế kiểm tra 20.800 hồ sơ “tiền kiểm” (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) đã từ chối hoàn thuế GTGT với số tiền lên đến 1.147.425 triệu đồng. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2008, cơ quan thuế kiểm tra 6.430 hồ sơ đã quyết định không hoàn thuế GTGT 360.465 triệu đồng.
Tình trạng chiếm đoạt thuế qua hoàn thuế GTGT quá lớn là lý do khiến Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, ngoài 4 trường hợp kể trên, tất cả trường hợp “hậu kiểm” còn lại phải kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế tại trụ sở DN trong vòng 3 năm kể từ khi hoàn thuế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước cũng rất lo ngại tình trạng chiếm đoạt tiền thuế thông qua hoàn thuế GTGT. Song theo ông Phước, do số lượng DN càng ngày càng tăng (theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước thành lập mới 350.000 doanh nghiệp để đạt mục tiêu có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2015) nên ngành thuế không thể kiểm tra toàn hồ sơ “hậu kiểm” tại DN trong vòng 3 năm như đề nghị của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách.
“Ngoài 4 trường hợp phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế trong vòng 12 tháng kể từ khi hoàn thuế, những trường hợp còn lại nên giao cho cơ quan thuế kiểm tra theo xác suất, lĩnh vực nào gian lận nhiều thì kiểm tra nhiều và ngược lại”, ông Phước đề xuất.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, quản lý thuế theo rủi ro (phân loại đối tượng nộp thuế để quản lý) là phương thức quản lý thuế tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Vì thế chỉ nên kiểm tra hồ sơ hoàn thuế trong vòng 12 tháng kể từ khi hoàn thuế với những trường hợp, lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro; các đối tượng còn lại cần phải có thời gian mới có thể thực hiện kiểm tra được.
“Anh đang là đối tượng chấp hành tốt pháp luật về thuế, được thực hiện chế độ “hậu kiểm”, nhưng nếu cơ quan thuế phát hiện ra có sự gian lận, ngay lập tức sẽ chuyển anh sang đối tượng có độ rủi ro cao và chuyển sang chế độ “tiền kiểm”. Việc phân loại đối tượng nộp thuế nên giao cho cơ quan thuế thực hiện”, bà Mai phát biểu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, nếu bắt buộc phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế với đối tượng “hậu kiểm” trong vòng 3 năm kể từ khi hoàn thuế rất khó thực hiện, nhưng nếu kéo dài ra 10 năm thì nguy cơ bị chiếm đoạt tiền thuế rất cao, vì sau khi được hoàn thuế một thời gian, DN tiến hành giải thể, bỏ trốn khỏi nơi cư trú để thành lập DN khác và lại đề nghị hoàn thuế.
Vì vậy, theo ông Hiện, Luật quản lý thuế nên quy định phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp “hậu kiểm” trong vòng 5 năm thay vì 3 năm như đề nghị của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách hay 10 năm như đề nghị của Bộ Tài chính.
Quan điểm bắt buộc phải kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp “hậu kiểm” trong vòng 5 năm cũng nhận được sự ủng hộ của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc.
“Ngoài trường hợp DN kê khai lỗ luỹ kế từ 2 năm liên tục trở lên hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ; kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ; thay đổi địa điểm kinh doanh; có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn cần phải kiểm tra hồ sơ hoàn thuế trong vòng 12 tháng, trong quá trình quản lý thuế, nếu nghi vấn trường hợp nào gian lận, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ hoàn thuế ngay, còn nếu không có nghi vấn thì trong vòng 5 năm cũng cần phải kiểm tra xem DN có thực hiện chính sách thuế tốt không”, ông Phúc đề nghị.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|