Ngân sách nhà nước
Thu giảm mạnh nhưng chi vẫn tăng
Nếu tính cả lạm phát, tăng trưởng nguồn thu ngân sách chín tháng đầu năm nay đang âm hơn 5%. Tuy nhiên, mức chi ngân sách vẫn tăng đều. Tại cuộc họp báo chiều hôm qua (11.10), bộ Tài chính cũng thừa nhận, đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai hết sức chậm chạp và kém chất lượng.
Nợ thuế tăng
Mức thu thuế từ đầu năm đến nay thấp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn.
Theo báo cáo của bộ Tài chính, chín tháng đầu năm 2012, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 498.490 tỉ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, nếu trừ đi tốc độ lạm phát chín tháng đầu năm là 6,48% thì khoản thu ngân sách năm nay còn tăng trưởng âm tới 5,1%. Trong số các khoản thu, chỉ có thu dầu thô có mức tăng 10,5%, còn thu nội địa chỉ tăng 0,7% – xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước, thu từ xuất nhập khẩu còn giảm 5,9% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Đức Chi, chánh văn phòng bộ Tài chính, số thu NSNN có chậm hơn so với tiến độ thực hiện cùng kỳ một số năm gần đây, do kinh tế khó khăn, thị trường tài chính, bất động sản trầm lắng, và chúng ta thực hiện nhiều giải pháp ưu đãi thuế.
Cụ thể, chín tháng qua, bộ Tài chính đã gia hạn, giảm thuế khoảng 13.293 tỉ đồng cho 297.845 doanh nghiệp (lớn nhất là khoản gia hạn 11.000 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong ba tháng 4, 5, 6. Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cho biết, Chính phủ mới đây cũng đã chấp thuận cho gia hạn thêm ba tháng nữa thuế GTGT cho doanh nghiệp, nghĩa là thời điểm nộp thuế sẽ lùi từ tháng 1.2013 đến 1.4.2013. Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo luật Thuế sửa đổi, trong đó có khả năng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấp hơn mức 25% hiện nay.
Phó tổng cục trưởng tổng cục Thuế Trần Văn Thu, cho biết mức thu từ đầu năm đến nay thấp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Số nợ thuế tính đến ngày 30.9 chiếm tỷ lệ 6,8% tổng nguồn thu nội địa, trong đó khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 13% khoản nợ thuế. Ngành thuế phấn đấu để đưa số nợ thuế xuống dưới 5% tổng số thu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn thu chật vật, chi NSNN vẫn tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011 (643.210 tỉ đồng), trong đó tăng mạnh nhất là chi phát triển các sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và quản lý hành chính (bao gồm chi cải cách tiền lương) với mức tăng 20,5%.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: hầu hết đề án chưa đạt
Đến thời điểm này, đã có 83 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí với tổng số tiết giảm hơn 12.486 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo thứ trưởng Vũ Thị Mai, khoản tiết kiệm này chỉ giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận hoặc giảm lỗ chứ ngân sách không thu thêm được đồng nào.
Phó cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, cho biết, tính đến tháng 9.2012, đã có 53 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong số này, có 37 đề án đã được cơ quan chủ quản thẩm định, bảy đề án đã được trình Chính phủ. Tuy nhiên, cả bảy đề án đều không đạt yêu cầu, không đủ tiêu chuẩn đặt ra. “Các bộ, ngành, địa phương đã đăng ký cổ phần hoá 93 doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chưa thể hiện quyết tâm cao”, ông Tiến nhận xét. Cũng theo ông Tiến, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối cũng rất chậm, do hầu hết đầu tư ở thời điểm giá cao, nay thị trường suy giảm mạnh, nên các doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình rất cụ thể: thoái khoản nào, thoái như thế nào. Mỗi doanh nghiệp đầu tư một lĩnh vực khác nhau, nên bộ Tài chính cũng không thể có hướng dẫn chung, trong khi lộ trình đặt ra phải hoàn thành việc thoái vốn vào năm 2015. Ông Tiến cho biết: “Đầu tháng 10 chúng tôi vừa có công văn đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó có vấn đề thoái vốn, yêu cầu đến quý 3 phải xây dựng xong kế hoạch, để quý 4 thực hiện”.
Cũng theo báo cáo của bộ Tài chính, đến thời điểm này, đã có 83 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí với tổng số tiết giảm hơn 12.486 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo thứ trưởng Vũ Thị Mai, khoản tiết kiệm này từ chi phí thường xuyên, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận hoặc giảm lỗ chứ không có nghĩa ngân sách thu thêm được khoản tiền này.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện điều hành giá xăng dầu hiện nay, nhất là việc giá thế giới giảm mạnh hồi tháng 9 nhưng giá trong nước vẫn giữ nguyên, phó cục trưởng cục Quản lý giá Nguyễn Đăng Tuấn chỉ trả lời chung chung, là bộ đã điều hành theo nghị định 84. Cũng liên quan đến giá xăng dầu, nhiều phóng viên quan tâm đến việc sửa đổi nghị định 84, song bộ Tài chính cho rằng, đang trong quá trình xây dựng, còn một số ý kiến thiếu thống nhất giữa hai bộ Tài chính – Công thương nên từ chối trả lời cụ thể. Một số câu hỏi khác về con số nợ thuế cụ thể; lộ trình và kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu cũng chưa được bộ Tài chính trả lời.
Thảo Nguyễn
Sài Gòn Tiếp thị
|