Giữ tiền đồng lời gấp 3 lần USD
Chênh lệch giá mua bán ngoại tệ không còn lớn, lãi suất ngoại tệ không còn hấp dẫn, không chỉ tổ chức kinh tế, người dân nắm giữ ngoại tệ cũng lập tức bán ra để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm có lợi hơn. Điều này khẳng định những chính sách điều hành vừa qua của NHNN đã và đang phát huy tác dụng tích cực.
Tỷ giá được duy trì ổn định suốt từ đầu năm đến nay. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn neo được chặt ở mức 20.828 đồng/USD. Trong khi tỷ giá mua bán của các ngân hàng tuy có đôi lúc biến động, song rất nhỏ.
Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm nay tỷ giá mua và bán ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn giảm 0,79%, trong khi tỷ giá thị trường tự do giảm 1,7% so với cuối năm 2011. Một trong những yếu tố làm tỷ giá ổn định là do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được duy trì ở mức khá cao tạo lợi thế cho việc nắm giữ VND.
Giả dụ đầu năm 2012 người dân phải bỏ hơn 2,08 tỷ đồng để mua 100.000 USD mang gửi tiết kiệm ngoại tệ cá nhân trong ngân hàng sau một năm thu lãi được 2.000 USD (tương đương với gần 40 triệu đồng). Trường hợp quy đổi 100.000 USD đầu năm nay ra được khoảng hơn 2 tỷ đồng, gửi tiết kiệm với lãi suất tiền đồng lợi tức thu về sau 12 tháng vào khoảng trên 140 triệu đồng. Như vậy lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong một năm qua cao gấp 3,6 lần so với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Sự chênh lệch về lãi suất giữa VND/USD đã kích thích người nắm giữ ngoại tệ bán ra gửi tiết kiệm tiền đồng rất nhiều trong các ngân hàng.
Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2012 của NHNN, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ từ dân cư giảm 14% so với cuối năm 2011, trong khi tiền gửi tiết kiệm tiền đồng từ dân cư tăng đến 28,4% so với cuối năm 2011.
Khi tỷ giá ổn định, đã kéo DN trở lại ngân hàng giao dịch, thay vì chạy đôn chạy đáo ra thị trường chợ đen để mua ngoại tệ. Không như những năm trước cung cầu luôn “rượt đuổi” nhau, là cơ hội cho giới đầu cơ làm giá lũng đoạn thị trường. Tỷ giá ổn định, DN thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu về bán ngay cho ngân hàng vì không kỳ vọng tỷ giá tăng và lãi suất ngoại tệ trên tài khoản về mức thấp nhất (0,5%/năm).
Bên cạnh đó, việc siết chặt tín dụng ngoại tệ trong khi lãi vay tiền đồng giảm 4-5% trong năm 2012 đã kéo chênh lệch lãi vay giữa tiền đồng và ngoại tệ xích lại gần nhau. Điều này thể hiện rõ nhất trên doanh số mua bán ngoại tệ trong các ngân hàng và con số dư nợ tính đến thời điểm tháng 9/2012.
Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2012 tổng doanh số mua ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đạt 22,206 tỷ USD, bằng 54% so năm 2011, tổng doanh số bán ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn đạt 27,936 tỷ USD, bằng 72% so với cuối năm 2011. Trong khi đó theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ giảm 3,95% so với cuối năm 2011.
Chênh lệch giá mua bán ngoại tệ không còn lớn, lãi suất ngoại tệ không còn hấp dẫn, không chỉ tổ chức kinh tế, người dân nắm giữ ngoại tệ cũng lập tức bán ra để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm có lợi hơn. Điều này khẳng định những chính sách điều hành vừa qua của NHNN đã và đang phát huy tác dụng tích cực, đặc biệt kỷ cương thị trường ngoại tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc điều hành tỷ giá. Kỷ cương trên thị trường ngoại tệ đã làm vắng bóng nạn đầu cơ ngoại tệ và nhập lậu vàng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Ngay cả khi sự cố ACB cuối tháng 8/2012 tác nhân có thể xảy ra biến động mạnh lên tỷ giá, nhưng thị trường ngoại hối vẫn đứng vững.
Phạm Hà Nguyên
thời báo ngân hàng
|