Giá gạo tiếp tục đi lên
Giá gạo xuất khẩu của các nước châu Á đồng loạt tăng trong tuần này nhờ đơn hàng từ Indonesia và khả năng bán được cho Nigeria.
Hãng tin Reuters cho biết, tốc độ thu hoạch lúa gạo chậm lại ở Ấn Độ cũng là một nhân tố hỗ trợ cho giá gạo vào thời điểm này. Do mưa trái mùa ở nhiều vùng trồng lúa gạo tại Ấn Độ, nông dân nước này đã phải trì hoãn việc thu hoạch. Tình trạng này đẩy giá gạo của Ấn Độ lên mức 395-445 USD/tấn, so với mức 390-430 USD/tấn vào tuần trước.
“Đây là sự gián đoạn nguồn cung tạm thời do mưa và sẽ giúp giá gạo tăng nhẹ”, một thương nhân ở Bangkok chuyên giao dịch gạo Ấn cho biết.
Nhu cầu mua gạo hấp sơ (parboiled rice) của Nigeria cũng hỗ trợ cho giá gạo Thái Lan và Ấn Độ, bởi loại gạo này được làm từ gạo trắng thường. Thái Lan và Ấn Độ là hai nhà cung cấp gạo hấp sơ lớn nhất thế giới.
Giá gạo trắng tiêu chuẩn 100% B của Thái Lan hiện đã tăng lên mức 570 USD/tấn so với mức giá 565 USD/tấn vào tuần trước. Giá gạo 5% tâm của nước này cũng nhích lên mức 560 USD/tấn từ mức 555 USD/tấn vào tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hôm qua (24/10) ở mức 460 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, tăng khá mạnh từ mức 445 USD/tấn vào thứ Tư tuần trước nhờ đơn hàng từ Indonesia. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam đã lên mức 430 USD/tấn, từ mức 425 USD/tấn vào tuần trước.
Từ nay đến cuối tháng 12, Việt Nam sẽ xuất khẩu 300.000 tấn gạo 15% tấm sang Indonesia theo hợp đồng kỳ kết giữa hai Chính phủ. Tuy nhiên, giới thương nhân cho rằng, mức cầu hiện nay của thị trường là không đủ để giúp giá gạo tăng trong dài hạn.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 16/10, khối lượng xuất khẩu gạo từ đầu năm của Việt Nam đã đạt 6,098 triệu tấn, trị giá FOB 2,704 tỷ USD, trị giá CIF 2,770 tỷ USD. Trong đó, từ ngày 1-16/10, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 258.216 tấn, trị giá FOB 113,971 triệu USD, trị giá CIF 115,945 triệu USD.
An Huy
tbktvn
|