Con đường... nợ nần
Đoạn đường 5 cũ từ Sở Dầu tới Quán Toan là nơi tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sắt thép, máy móc... của Hải Phòng. Sau thời gian làm ăn phát đạt, nay các doanh nghiệp trên đoạn đường này ngập trong nợ nần.
Nhiều DN thép ở Hải Phòng đang rơi vào cảnh nợ nần nặng nề. Ảnh minh họa
|
Ông Nguyễn Xuân Quý, giám đốc công ty TNHH Quý Hải nói muốn buôn thép phải có lượng vốn lớn. Theo đó, vốn của một doanh nghiệp buôn thép cỡ “còi” trên đoạn đường 5 này cũng phải cỡ 20 tỉ đồng, lớn hơn thì vài trăm tỉ. “Công ty lưng vốn buôn thép cỡ vài ngàn tỉ đồng ở đây phải tầm hơn 30”, ông Quý cho biết thêm.
Trước năm 2008, khi nhu cầu thép lớn, giá thép tăng theo ngày, nhiều gia đình, nhiều nhóm người thành lập công ty để kinh doanh thép đã lãi lớn. Có thời điểm, tiền lãi mỗi ngày đủ mua vài “con” xe ôtô là... bình thường. Buôn thép đã làm nên tên tuổi nhiều đại gia ở đoạn đường 5 này. Thành phố Hải Phòng cũng cấp đất cho gần chục nhà máy thép tại Quán Toan, để hình thành nên một “khu công nghiệp thép” tầm cỡ lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có hàng trăm doanh nghiệp, bãi kinh doanh sắt thép, máy móc, phụ tùng, ôtô, xăng dầu, phân bón... kéo dài nhiều kílômét ngay cửa ngõ vào thành phố.
Thế rồi, tới năm 2008, giá thép giảm tới 40%, trong khi đó thì hàng trăm ngàn tấn thép lại đang tồn trong kho bãi trên suốt đoạn đường. Một loạt đại gia kinh doanh thép đã “rơi” từ lãi lớn xuống lỗ sâu. Một doanh nghiệp thép ước tính, số nợ của các doanh nghiệp thép, xăng dầu, phân bón, cảng biển, máy móc, phụ tùng... trên đoạn đường này “có thể lên tới cỡ 20.000 tỉ đồng”. Trong đó có doanh nghiệp thép “cõng” khối nợ lên tới hơn 1.200 tỉ đồng, hàng loạt các doanh nghiệp thép khác cũng có số nợ trên dưới 1.000 tỉ đồng mỗi doanh nghiệp. Các tên tuổi lừng lẫy ngày nào như Vạn Lợi, Cửu Long, Tân Hương, Hùng Cường, Nam Vang... giờ đều vùng vẫy, ngụp lặn trong vũng lầy nợ nần.
Trong bốn năm qua, dù nỗ lực, nhưng gần như các đại gia thép ngày nào vẫn chẳng thể trả được nợ. Trong khi đó, sau giai đoạn được các ngân hàng cầu cạnh để cho vay, giờ các “đại gia” bắt đầu nếm trả cảm giác bị thúc bách. Nhà cửa, kho bãi, xe cộ, hàng hoá của họ phải giao cả cho ngân hàng làm tài sản thế chấp.
Nợ nhiều như thế, nhưng các doanh nghiệp lại không thể tìm đâu ra “cửa” để kinh doanh có lãi mà trả nợ, lý do thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Q. DŨNG
sài gòn tiếp thị
|