Thứ Hai, 01/10/2012 11:36

Trạm thu phí giăng kín các ngả ra vào TP.HCM

Đến đầu tháng 10.2012, gần như tất cả các ngả đường ra vào thành phố đã bị trạm thu phí “bủa vây”, trong đó mới nhất là trạm thu phí cầu Bình Triệu 1. Bởi theo tìm hiểu của phóng viên, vừa qua sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP.HCM kế hoạch thu phí ở trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 từ 1.10 sau một thời gian thử nghiệm.

Tuy nhiên, ngày 30.9, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) giải thích, mặc dù sở Giao thông vận tải có đưa ra kế hoạch như vậy nhưng do thành phố còn phải lấy ý kiến của sở Tư pháp nên có thể chưa thu phí vào ngày 1.10.

Theo giới tài xế, việc lấy ý kiến của sở Tư pháp cũng chỉ là chuyện thủ tục, không sớm thì muộn họ cũng thu phí trạm cầu Bình Triệu 1 vì thông tin sau nhiều cuộc họp các sở ngành khác cũng như chủ đầu tư đều khẳng định “chuyện thu phí là đúng pháp luật” và sở Giao thông vận tải đã đề xuất!

Còn ở cửa ngõ kết nối Đông – Tây thành phố, vào ngày 29.9, trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã tiến hành thu phí thử nghiệm trạm thu phí Thủ Thiêm trên đường Mai Chí Thọ (quận 2). Thông báo mà đơn vị này đưa ra, việc thu phí thử nghiệm sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian một tháng. Điều này đồng nghĩa từ nay đến cuối năm trạm thu phí này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Như vậy, đến cuối năm 2012, ở các cửa ngõ ra vào thành phố sẽ có tổng cộng tám trạm thu phí chính, gồm trạm An Sương – An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ và trạm thu phí Thủ Thiêm, đó là chưa tính các “trạm con”. “Như vậy trạm thu phí đã phủ kín các cửa ngõ ra vào thành phố”, ông Nguyễn Văn Tám, tài xế xe tải, cho biết.

Ông Tám dẫn chứng, các xe đi từ cửa ngõ phía Tây về phía Đông thành phố và ngược lại theo hướng quốc lộ 1A sẽ phải mua vé qua trạm An Sương – An Lạc. Nếu đi theo tuyến đường Kinh Dương Vương ra quốc lộ 1A thì phải qua trạm Kinh Dương Vương. Riêng những xe chạy vào quốc lộ 1A từ hướng An Sương đi An Lạc thì phải trả tiền cho hàng loạt các trạm thu phí thuộc hệ thống trạm thu phí An Sương – An Lạc, bởi để tránh thất thu cho trạm thu phí An Sương – An Lạc chủ đầu tư đã xây dựng thêm một số “trạm con” ở các tuyến đường dẫn vào quốc lộ 1A như ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), ngã tư Gò Mây, ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – quốc lộ 1A (quận Bình Tân).

Nếu theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, các xe phải qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội, trạm cầu Phú Mỹ, và trạm trên đường Nguyễn Văn Linh. Một hướng khác vào thành phố, xe phải đóng phí cho trạm dưới chân cầu Bình Triệu 2. Còn từ trung tâm muốn ra khỏi thành phố theo hướng này thì phải qua trạm Bình Triệu 1. “Chạy trời cũng không khỏi nắng”, ông Tám nói.

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, hầu hết các chủ doanh nghiệp vận tải hàng hoá hay giới tài xế taxi đều cho rằng chi phí qua trạm thu phí tăng đồng nghĩa với doanh nghiệp thuê vận chuyển phải tăng giá bán mặt hàng của mình để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Như vậy, cuối cùng người dân phải gánh chịu các thứ khi xăng dầu tăng giá. Tương tự, đối với chuyện vận tải hành khách bằng taxi từ trước đến nay, chuyện đóng phí qua trạm hiển nhiên thuộc “trách nhiệm của hành khách”.

Hạ tầng nhằm phát triển kinh tế

TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, phân tích trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có giới hạn, chính quyền thành phố huy động các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thì khó tránh khỏi việc phải thu phí để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là làm đường nào cũng đều đặt trạm thu phí giao thông, mà thành phố phải tính toán kết hợp việc thu hồi vốn giữa các dự án, để tổ chức đặt trạm sao cho phù hợp, tránh việc thiết lập ma trận bủa vây. “Ngoài ra, ở đây chúng ta cần phải hiểu rõ mục đích, ý nghĩa tối thượng của con đường, cây cầu là để “khai phóng” thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải là làm đường, làm cầu ra để thu phí, để từ đó chọn hình thức đầu tư phù hợp chứ không phải cái nào cũng BOT. Như vậy, chỉ gây thêm bức xúc trong dân”, TS Nguyên nói.

Theo TS Nguyên, ông thấy có không ít các bất cập ở việc thu phí cầu Bình Triệu 1. “Tại sao chúng ta không bỏ tiền ra để mua lại một dự án BOT chưa đến 100 tỉ đồng, để bớt đi một trạm thu phí gây phiền hà cho dân, dễ gây xung đột giao thông như việc thu phí qua cầu Bình Triệu 1?”, TS Nguyên nói.


ĐÀO LÊ

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Làm dân khó lắm, phải đâu chuyện đùa (01/10/2012)

>   Trung - Nhật: “cuộc chiến” tàu sân bay? (30/09/2012)

>   Vụ Sông Tranh 2: EVN xin nhận lỗi trước dân (30/09/2012)

>   Bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam thay Dương Chí Dũng (29/09/2012)

>   Khai trừ đảng và truy tố Bạc Hy Lai (29/09/2012)

>   "EVN liều thật!" (28/09/2012)

>   Bầu Hiển và bầu Đức đổ bộ xuống đất Lào (28/09/2012)

>   Tiết lộ nguyên nhân chìm tàu Vinalines Queen (28/09/2012)

>   Chứng minh thư các nước khác Việt Nam như thế nào? (27/09/2012)

>   Lập Tổ công tác nghiên cứu phát triển Phú Quốc (27/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật