Thứ Tư, 03/10/2012 13:29

Cố ép giảm lãi suất cũng gây ra lạm phát

Nếu không xử lý khéo thì việc nới lỏng tín dụng lần này kích thích và gây ra bất ổn vĩ mô, quay trở lại bài toán lãi suất cao. Như vậy, điều kiện để kéo giảm lãi suất xuống như các DN đang mong chờ, cơ quan quản lý đang cố gắng sẽ khó thực hiện. Một khi vòng xoáy này quay trở lại, điều kiện để thoát ra sẽ là rất khó.

“Vấn đề nghẽn mạch tín dụng và tiếp cận giải cứu doanh nghiệp” vẫn là câu chuyện nóng của không ít các chuyên gia kinh tế với nhiều những bình luận và hiến kế khác nhau. Với một nền kinh tế vốn tăng trưởng luôn dựa vào vốn đầu tư, không ít những ý kiến tỏ ra lo lắng và sốt ruột cho vấn đề tăng trưởng kinh tế, tình hình DN khó khăn và “tín dụng tăng trưởng thấp, còn quá xa mục tiêu 8-10% đề ra cho năm nay”. Nếu tín dụng không đưa ra được, sẽ tiếp tục có thêm nhiều DN phá sản, kéo theo đó là những nỗi lo về việc làm và an sinh xã hội.

Mới đây, tại một buổi hội thảo của Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Phạm Đỗ Chí, với nhiều kinh nghiệm quốc tế cho rằng “Các biện pháp mới đây nhằm hỗ trợ sản xuất như Nghị quyết 13 của Chính phủ hay các biện pháp giảm trần lãi suất huy động gần đây của NHNN tỏ ra rất kém hiệu quả”. TS. Phạm Đỗ Chí nhận xét, mức tín dụng thực trong nền kinh tế vẫn không tăng đáng kể không chỉ khó cho DN mà khi không đưa được vốn huy động ra thị trường luân chuyển, các NHTM đang đối mặt với nhiều nguy cơ không đạt chỉ tiêu lợi nhuận hay hoạch định tài chính, thậm chí là thua lỗ. Theo ông, “đặc biệt quan trọng là phân tích sâu và đề xuất các biện pháp thực tiễn và kịp thời để khơi thông sự nghẽn mạch của hệ thống ngân hàng trong vài tháng cuối năm”. Không ít ý kiến cho rằng, lãi suất cao vẫn là một cản trở lớn khiến DN đã yếu lại càng khó và càng không dám vay. TS. Trần Du Lịch, đề nghị khoanh nợ và cho vay mới với các DN sản xuất, xây dựng, các dự án BOT, BT mà có khả năng sản xuất tiếp.

Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng “nếu cứ đuổi theo việc nới lỏng chính sách tiền tệ với việc thúc tín dụng tăng để làm sao chúng ta đạt mục tiêu đề ra là tín dụng tăng 8-10%, hay là chúng ta cố gắng kéo dài việc giảm lãi suất, kể cả huy động lẫn cho vay… thì những diễn biến đó sẽ tác động nhiều hơn đến diễn biến lạm phát của những tháng cuối năm 2012. Quan trọng nữa là độ trễ của những chính sách đó có thể kéo dài và gây ra lạm phát cho năm 2013”.

Theo số liệu được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tính đến 31/8/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37%, tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11,23%, tính đến 20/9/2012 tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với thời điểm 31/12/2011. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng đây là mức tăng tín dụng hoàn toàn phù hợp với thể trạng và khả năng hấp thụ của nền kinh tế và DN hiện nay. Đáp lại vấn đề: Trong bối cảnh hiện nay, khi các DN các đơn vị sản xuất kinh doanh đang khó khăn mà cạn vốn, lãi suất cao càng khiến DN khó khăn hơn, TS. Ánh cho rằng “thắt tín dụng thì DN khó nhưng nới lỏng tín dụng sẽ không cứu vãn được tình thế DN”.

“Vấn đề lúc này không phải là lo tính xem tín dụng sẽ tăng được bao nhiêu. Vấn đề đáng quan tâm là tiếp tục kiểm soát chất lượng và hiệu quả các khoản tín dụng đưa ra từ phía các NHTM, các định chế tài chính”.

Hơn nữa, nếu muốn đẩy tín dụng tăng, thường phải dùng đến biện pháp giảm lãi suất cho vay, muốn giảm lãi suất cho vay thì lãi suất huy động phải thấp. Nhưng khi kỳ vọng lạm phát vẫn còn cao, lãi suất huy động giảm, sẽ lại lún sâu vào vòng xoáy “tìm nơi trú ẩn” cho đồng tiền ở vàng hay ngoại tệ. Ngược lại, khi kỳ vọng lạm phát cao, để huy động được vốn, NHTM thường phải đưa ra một mức lãi suất huy động hợp lý, vậy là vòng luẩn quẩn lặp lại khó gỡ. Nếu không xử lý khéo thì việc nới lỏng tín dụng lần này kích thích và gây ra bất ổn vĩ mô, quay trở lại bài toán lãi suất cao. Như vậy, điều kiện để kéo giảm lãi suất xuống như các DN đang mong chờ, cơ quan quản lý đang cố gắng sẽ khó thực hiện. Một khi vòng xoáy này quay trở lại, điều kiện để thoát ra sẽ là rất khó.

Với thể trạng nền kinh tế và DN hiện nay, TS. Ánh cho rằng “hãy để cho thị trường quyết định lãi suất và quyết định mức tăng của tín dụng” bởi vốn đưa ra được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của khách hàng. Với quy mô tín dụng hiện nay vào khoảng 124% GDP thì lượng vốn thực đưa ra nền kinh tế, so với những năm trước không hề ít.

“Tín dụng cả năm chỉ tăng đến mức 4-5% là vừa”, theo TS. Vũ Đình Ánh.


Lương Linh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Khó như xử lý tài sản bảo đảm! (03/10/2012)

>   Giấu nợ xấu: Ngân hàng nuôi 'bệnh ung thư' (03/10/2012)

>   Ngừng huy động vàng: Điều gì sẽ xảy ra? (02/10/2012)

>   "Thị trường tiền tệ: Cần được quan tâm sát sao hơn" (02/10/2012)

>   Nhu cầu ngoại tệ thanh toán hàng hóa tăng mạnh (02/10/2012)

>   VietinBank giảm 3% lãi vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (02/10/2012)

>   TienPhongBank: Câu chuyện về đứa con đẻ của FPT (02/10/2012)

>   HSBC dự báo lãi suất OMO sẽ duy trì 8% đến hết năm (02/10/2012)

>   Vốn ngoại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng (02/10/2012)

>   Ngân hàng vẫn gom vàng (02/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật