Chủ Nhật, 14/10/2012 22:28

Chọn cách ứng xử với giá vàng

Giá vàng lại tăng nhưng liệu tình hình có quay lại giống thời điểm cuối năm ngoái? Ở trong nước, nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng bảng giá tại các ngân hàng và tiệm vàng vẫn như con ngựa bất kham.

Không phải lúc nào sử dụng giải pháp “bình ổn” cũng là tối ưu

Cơn biến động của giá

Từ đầu năm 2012 đến nay, giá vàng không có những đợt tăng mà báo chí hình dung là “điên loạn” như năm 2011. Giá vàng quốc tế trong nửa đầu năm 2012 thực tế duy trì xu thế giảm, đến tháng 6-2011 duy trì xung quanh mức 1.550 USD/ounce, thấp đáng kể so với mức đỉnh hơn 1.900 USD/ounce vào tháng 9-2011. Điều này khiến mối quan tâm đối với biến động giá vàng ở Việt Nam cũng không “nóng” như năm 2011.

Thử dùng công cụ Google Trends để kiểm chứng mối quan tâm với giá vàng cho thấy mức độ tìm kiếm từ khóa “giá vàng” trên Google giảm đáng kể so với năm ngoái. Kiểm chứng với các nguồn thông tin khác, có thể nói mức độ tăng “nóng” của giá vàng lẫn mối quan tâm với biến động giá vàng của công chúng đã giảm bớt trong năm 2012.

Tuy nhiên, từ tháng 8, giá vàng quốc tế đã bắt đầu một xu hướng tăng mới, kéo theo giá vàng trong nước tăng trở lại và “chạy” một mạch từ xung quanh 1.600 USD/ounce lên đến 1.800 USD/ounce kể từ đầu tháng 8. Giá vàng trong nước từ mức dưới 42 triệu đồng trong tháng 7 lên đến đỉnh điểm 48 triệu đồng/lượng. Và công chúng lại bắt đầu quan tâm hơn tới giá vàng. Mức độ sử dụng từ khóa “giá vàng” trên Google đã tăng trở lại từ tháng 8-2012 ở Việt Nam phần nào phản ánh điều này.

Nhiều lý do có thể được đưa ra để lý giải chuyện tăng “nóng” vài tháng gần đây của giá vàng. Những thông tin về đợt nới lỏng định lượng mới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), mà thực chất là Mỹ duy trì việc bơm thêm tiền vào hỗ trợ nền kinh tế được cho là một trong những thông tin “nóng” gần nhất thúc đẩy giá vàng đi lên.

Thực tế từ cuối tháng 8, đồng USD đã duy trì xu thế giảm so với mặt bằng một số đồng tiền mạnh khác (theo phản ánh của chỉ số USD-Index), trong khi vàng đã được quan tâm nhiều vì những số liệu kinh tế của Mỹ khiến thị trường đồn đoán rằng FED sẽ phải duy trì một đợt nới lỏng định lượng mới. Những bất ổn mới của kinh tế châu Âu, bao gồm những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế kể từ mùa hè, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng.

Việc giá vàng quốc tế tăng nóng đã kéo giá vàng trong nước tăng theo. Ngoài ra, giá vàng trong nước luôn duy trì khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới những năm gần đây do hạn chế về nhập khẩu vàng của Nhà nước. Biến động giá USD/VND và những chi phí thể chế thị trường, như các loại thuế, phí liên quan đến nhập vàng, dập vàng, phát hành mà được tính vào trong giá thành... cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế.

Một vài bài báo trên các phương tiện truyền thông Việt Nam thường đưa ra mức quy đổi giá vàng quốc tế về giá trong nước dựa trên một tỉ giá USD/VND nào đó, chẳng hạn giá niêm yết của một ngân hàng thương mại để tính ra độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng mức tính chênh lệch giá trong nước và quốc tế này giả định rằng tỉ giá USD/VND niêm yết ở một ngân hàng thương mại nào đó phản ánh giá USD/VND thực tế của thị trường. Điều này không hẳn lúc nào cũng đúng vì chúng ta biết thực tế có những biến động “không chính thức” đối với tỉ giá USD/VND này trên thị trường, bất chấp nỗ lực can thiệp của Nhà nước.

Cuối cùng, khi người dân Việt Nam thường có tâm lý găm giữ vàng và muốn mua vàng để đầu tư thì cũng góp phần đẩy giá vàng trong nước ở mặt bằng cao hơn so với thế giới vì cộng thêm một phần bù của sự “ưa thích vàng” của người Việt Nam trong đó.

Vì vậy, nên cẩn trọng với bất kỳ hành xử hay bình luận về chuyện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Phải chăng đó là do chính sách đối với vàng gây ra hay do biến động không chính thức của USD/VND hoặc tâm lý ưa chuộng vàng gây ra? Trong từng thời điểm, một trong các yếu tố này sẽ nổi trội hơn yếu tố còn lại, và trước khi phân tích kỹ thì hãy khoan hành động vội vã.

“Bình ổn” chưa phải là thuốc hay

Như diễn biến thông thường vài năm trở lại đây, khi giá vàng quốc tế tăng nóng, công chúng cùng phương tiện truyền thông quan tâm hơn tới giá vàng và chênh lệch vàng quốc tế và trong nước. Đây là phản ứng thông thường nhưng đôi khi lại dẫn đến những phản ứng chính sách không lường trước, như những chuyện bình ổn giá vàng, chống đầu cơ, găm giữ, đặt ra hạn chế với huy động và kinh doanh vàng...

Trong năm 2012, không lâu sau khi người dân mua vàng với “giá bình ổn”, giá vàng quốc tế tuột dốc khiến những người tưởng là mua vàng giá rẻ hóa ra thành mua giá mắc. Điều này nhắc chúng ta rằng không phải lúc nào sử dụng chính sách bình ổn để phản ứng lại với những biến động điên loạn trên thị trường vàng cũng là tối ưu.

Như đã nói ở trên, chênh lệch vàng trong nước và quốc tế có thể do nhu cầu đầu tư, găm giữ vàng, cũng như biến động giá USD và nhiều loại chi phí thể chế thị trường gây ra. Phần nhiều trong những loại này là hiệu ứng phụ của các chính sách về tỉ giá và hạn chế nhập vàng.

Nếu Chính phủ duy trì quan điểm về tỉ giá và hạn chế nhập vàng để tránh nhập siêu thì nên chăng cũng phải chấp nhận “sống chung” với mức chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước, và càng nên thận trọng khi nghĩ tới chuyện “bình ổn” giá vàng hay tìm biện pháp làm giảm chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, khi mà diễn biến giá vàng quốc tế ngày càng khó lường, vai trò của những quỹ đầu cơ vàng ngày càng tăng trong lúc nhu cầu mua vàng thực tế (như từ Ấn Độ) đã giảm.

Khi thị trường vàng còn tồn tại sự thiếu minh bạch và bất cân xứng thông tin giữa người mua và nhà cung cấp, những hạn chế huy động và kinh doanh vàng có thể khiến thị trường vàng càng thiếu minh bạch, dễ bị lũng đoạn bởi tin đồn hơn. Trong bối cảnh như vậy, càng gỡ có khi càng rối. Cách tốt nhất, không chừng là hãy cứ để vàng biến động như nó vốn có và để người dân được có nhiều lựa chọn với quyết định trữ vàng hay bán vàng của mình, thay vì dùng những biện pháp thúc ép hay hạn chế. Trên thế giới, thực tế chẳng ai bình ổn nổi giá vàng.

Sự hoảng loạn với giá vàng trong năm 2011 là một diễn biến chung của thế giới trong bối cảnh hết sức bất ổn của kinh tế toàn cầu. Nhưng trong khi nhiều quốc gia trong tâm khủng hoảng như Anh, Mỹ và châu Âu không có phản ứng chính sách đáng kể với thị trường vàng thì chính sách của Việt Nam có vẻ đã phản ứng hơi nhiều trước biến động của giá vàng. Thực tế cho thấy mặc dù có nhiều biện pháp được tiến hành từ trước đến nay liên quan đến vàng, dường như chúng có rất ít tác động tích cực đối với việc kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, và cũng không tạo ra thuận lợi gì hơn cho quyết định đầu tư của công chúng.

Vậy, khi giá vàng quốc tế tăng nóng, dư luận và công chúng có thể quan tâm nhiều, nhưng nên chăng Nhà nước cứ để thị trường tự do quyết định giá vàng mà không cần quan tâm quá mức? Nói một cách nào đó, nếu muốn duy trì mục tiêu về quản lý tỉ giá và hạn chế nhập siêu của Nhà nước mà còn ôm thêm mục tiêu bình ổn vàng thì bất khả thi khi mà đôi lúc những mục tiêu này mâu thuẫn nhau.

Những cột mốc

Ngày 6-10-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Công ty SJC và năm ngân hàng gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank và Đông Á bán 5 tấn vàng cùng một mức giá để can thiệp thị trường. NHNN cũng ban hành thông tư 32 cho phép một số ngân hàng đủ điều kiện được bán vàng huy động, đồng thời mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

Ngày 10-10-2011, NHNN ban hành hai quy định mới nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ vàng: cấm ngân hàng thế chấp, cầm cố vàng cho mục đích đầu cơ và áp dụng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng lên tới 250%.

Tại diễn đàn Quốc hội sáng 25-11-2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “Kể từ giờ phút này trở đi, SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN”.

Tháng 4-2012, Chính phủ ban hành nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, người dân vẫn được sở hữu, tức được mua bán, cho, tặng, gửi... nhưng không được sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán.

Ngày 24-8-2012, NHNN cho phép Công ty SJC gia công 1.735kg vàng (tương đương 46.200 lượng) để tăng nguồn cung cho thị trường. Trong số này, vàng móp méo của SJC là hơn 800kg, còn lại là của một đơn vị khác.

Ngày 19-9-2012, NHNN tiếp tục cho phép SJC gia công hơn 13 tấn vàng (tương đương 350.000 lượng) bao gồm vàng móp méo và vàng miếng các thương hiệu khác sang vàng miếng SJC.


HỒ QUỐC TUẤN (giảng Viên Đại học Bristol, Anh)

tuổi trẻ cuối tuần

Các tin tức khác

>   Có niềm tin, dân sẽ bán vàng (14/10/2012)

>   Giá vàng giảm về 47,5 triệu đồng (13/10/2012)

>   Vàng chao đảo trước làn sóng chốt lời, thị trường đợi gói giải cứu Tây Ban Nha (13/10/2012)

>   Không nên “ôm” vàng (12/10/2012)

>   Giá vàng trong nước vẫn vượt thế giới 3,1 triệu đồng (12/10/2012)

>   Giá vàng: Đà tăng tiếp tục bị thách thức? (12/10/2012)

>   Vàng tiến lên 1,770 USD/oz khi USD rút lui (12/10/2012)

>   Người dân đã đổi 1.500 lượng vàng SJC móp méo (12/10/2012)

>   Giá vàng tăng mạnh trở lại (11/10/2012)

>   Nước cờ vàng (11/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật