Giá vàng: Đà tăng tiếp tục bị thách thức?
Giá vàng thế giới đã nhanh chóng đảo chiều đi xuống khi Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện, báo hiệu tích cực về đà phục hồi kinh tế. Liệu điều này có tiếp tục kéo dài trong thời gian tới?
Số liệu việc làm Mỹ “đe dọa” triển vọng giá vàng
Ngay sau khi số liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ được công bố vào ngày 05/10, giá vàng thế giới đã nhanh chóng đảo chiều đi xuống và rời xa ngưỡng 1,800 USD/oz. Tính đến ngày 10/10, giá vàng đóng cửa giảm hơn 1.74% so với giá đóng cửa trong phiên ngày 04/10.
Mặc dù còn nhiều “tranh luận” về sự bền vững của số việc làm tạo mới trong những tháng tới, nhưng sự gia tăng việc làm phi nông nghiệp (+114,000) hơn mức trung bình (+100,000) cũng như sụt giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp (xuống còn 7.8%) trong tháng 9 là những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực trong việc tung các gói nới lỏng nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ và kéo giá vàng đảo chiều đi xuống trong những phiên gần đây. Như vậy, sự tăng trưởng tích cực của thị trường việc làm Mỹ (nếu có) trong thời gian tới sẽ là lực cản đáng kể đối với triển vọng giá vàng trong những tháng cuối năm 2012.
Ngoài ra, biến động của giá vàng còn phụ thuộc vào triển vọng giải cứu ở khu vực đồng EUR. Thực tế cho thấy, giá vàng trong những phiên đầu tuần đã phản ứng tiêu cực trước sự không chắc chắn về các gói cứu trợ tài chính Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Nhìn nhận đúng về các số liệu việc làm ở Mỹ
Báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ sẽ dựa vào hai cuộc khảo sát độc lập là khảo sát doanh nghiệp (Establishment Survey) và khảo sát hộ gia đình (Household Survey). Mỗi cuộc khảo sát này đều có các tiêu chí phân loại khác nhau, và thường cho ra kết quả khác nhau.
Khảo sát doanh nghiệp tiến hành thăm dò dựa trên một mẫu ngẫu nhiên số doanh nghiệp để điều tra về việc làm. Theo khảo sát này, báo cáo việc làm trong tháng 9 đạt mức tăng khiêm tốn 114,000 đơn vị, gần với con số kỳ vọng 115,000 đơn vị. Cụ thể:
• Số lượng việc làm tăng thêm chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ như: giáo dục và y tế (+44,500), thương mại và giao thông vận tải (+25,000), tài chính (+13,000), chính phủ (+10,000).
• Số việc làm trong ngành công nghiệp sản xuất sụt giảm 16,000 trong tháng này; tuy nhiên, việc làm trong lĩnh vực xây dựng lại tăng thêm 5,000.
• Số việc làm trong tháng 7 mới được điều chỉnh tăng thêm từ 141,000 lên 181,000, và trong tháng 8 từ 96,000 lên 142,000 đơn vị. Như vậy, số liệu điều chỉnh cho thấy số việc làm được tạo ra trong hai tháng 7 và 8 cao hơn 86,000 so với công bố ban đầu.
Trong khi đó, khảo sát hộ gia đình có phạm vi mở rộng hơn so với doanh nghiệp, vì nó bao gồm cả lao động độc lập, lao động gia đình không trả lương, lao động nông nghiệp, và lao động gia đình tư nhân – vốn bị loại trừ trong các cuộc khảo sát doanh nghiệp. Do đó, kết quả khảo sát này được sử dụng để đo lường tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng.
Kết quả khảo sát hộ gia đình trong tháng 9 ghi nhận mức tăng vọt lên 873,000 việc làm mới; và kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh 0.3% xuống còn 7.8%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng nhích lên 63.6% khi có thêm 418,000 người mới tham gia vào lực lượng lao động.
Thấy gì từ số liệu báo cáo việc làm Mỹ trong tháng 9?
(1) Khu vực Chính phủ trong thời gian gần đây đã trở thành bộ máy tạo ra việc làm. Trong tháng 8, Cục Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics) báo cáo ban đầu về việc sụt giảm 7,000 việc làm, nhưng sau đó đã được điều chỉnh tăng lên đáng kể với 45,000 việc làm. Số việc làm tạo mới trong khu vực này cũng tăng thêm 10,000 trong tháng 9 vừa qua.
(2) Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất không còn là bộ máy tạo ra việc làm như trước đó. Lĩnh vực này đã mất tổng cộng 38,000 việc làm trong hai tháng qua do nhu cầu của nước ngoài cạn dần và nhiều doanh nghiệp vẫn còn miễn cưỡng trong việc mở rộng chi tiêu.
(3) Tỷ lệ thất nghiệp sụt giảm mạnh xuống 7.8% là một bất ngờ lớn, và hiện vẫn còn nhiều tranh luận về sự chênh lệch quá lớn giữa số việc làm tạo mới theo khảo sát doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhiều khả năng sự điều chỉnh tăng trưởng việc làm theo khảo sát doanh nghiệp sẽ tăng lên trong vài tháng tới, hoặc tỷ lệ thất nghiệp sẽ được điều chỉnh cao hơn.
Như vậy, những động lực chính tạo ra tăng trưởng việc làm trong tháng 9 khó có khả năng duy trì ổn định trong những tháng tới, trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu bên cạnh những vấn đề nội tại của Mỹ như thâm hụt ngân sách và cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.
Kỳ vọng lớn nhất đối với thị trường việc làm là nhiều khả năng sẽ được bù đắp từ số việc làm tạo mới trong lĩnh vực xây dựng, giao thông nhờ vào các chính sách kích thích của Fed.
Hoàng Vũ (Vietstock)
FFN
|