Tăng quản lý nhà nước hoạt động tạm nhập tái xuất
Để bảo đảm hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan tuân thủ đúng quy định, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm, ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định hiện hành về tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu để thực hiện theo đúng thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền loại bỏ những quy định không còn phù hợp; Bổ sung, điều chỉnh các quy định hiện hành để đảm bảo phù hợp với chủ trương, yêu cầu quản lý chặt chẽ đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và với thực tế phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Theo đó, trong tháng 9 này, Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành: Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh khác (thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản các loại) kinh doanh tạm nhập tái xuất phải thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương cũng quy định và công bố điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà) và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ.
Về cửa khẩu tái xuất, thời gian hàng hóa lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày; chỉ được gia hạn một lần không quá 15 ngày. Hết thời hạn này thương nhân buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không cho phép qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Trường hợp không tái xuất được thì tịch thu và xử lý theo quy định.
Về tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu mặt hàng xăng dầu: Quy định và bổ sung điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1136/VPCP-KTTH ngày 1/8/2012 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với Bộ Tài Chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực tế đối với mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ để hướng dẫn, áp dụng; Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới liên quan có phương án bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hàng hải hướng dẫn cụ thể quyền và trách nhiệm của bên giao hàng, bên nhận hàng, bên vận chuyển hàng hóa đối với hàng hóa đã xếp dỡ tại cảng cũng như quy trình đấu giá, đấu thấu hàng hóa này trong trường hợp không có người nhận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài Chính nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền đối với việc nâng lệ phí thu phí, lệ phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kiểm dịch thú đối với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; Phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới chỉ đạo cơ quan kiểm dịch tại biên giới tăng cường biện pháp và lực lượng để ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong nội địa, từ cửa khẩu tạm nhập tới cửa khẩu tái xuất; Phối hợp với cơ quan hải quan thống nhất quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, đặc biệt là tại các cửa khẩu tái xuất.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề xuất với Bộ Tài chính cơ chế về mức thu phí phù hợp; Tổ chức quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ; Rà soát, đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính các cửa khẩu, tuyến đường có khả năng cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất đi qua nhưng phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp lý...
vietnam+
|