Xử lý doanh nghiệp xăng dầu sai phạm thế nào?
Đây là câu hỏi dư luận quan tâm sau những số liệu Tổng cục Hải quan công bố về sai phạm trong kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất
Tính từ năm 2009 đến hết tháng 6/2012, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã tạm nhập gần 10 triệu tấn xăng dầu nhưng lại chỉ tái xuất hơn 8 triệu tấn.
Số xăng dầu tạm nhập mà không tái xuất lên tới hơn 1,98 triệu tấn, giá trị khoảng 1,4 tỷ USD. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối đang chiếm dụng số tiền thuế không nhỏ và đây cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009 đến hết tháng 6/2012, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tạm nhập khoảng 900.000 tấn xăng và chỉ tái xuất hơn 650.000 tấn; Tổng Công ty Dầu Việt Nam tạm nhập gần 550.000 tấn dầu D.O nhưng chỉ tái xuất 180.000 tấn; Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (SaigonPetro) không tái xuất dầu diezen tới 83% số lượng tạm nhập và 100% đối với xăng tạm nhập… Đây là những ví dụ điển hình về sự chênh lệch giữa lượng tạm nhập - tái xuất xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, với cách làm này, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi. Ông Nguyễn Văn Cẩn phân tích: Chính sách thuế thay đổi nhanh. Ví dụ, thời điểm hiện nay, thuế nhập khẩu xăng là 12% nhưng doanh nghiệp còn tồn những lô tạm nhập mà chưa thanh khoản ở thời điểm đầu năm thuế 0% hoặc 5%. Giờ chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp sẽ báo thanh khoản lô xăng dầu nhập ở thời điểm thuế 0% để tiêu thụ trong nước:
“Về thời hạn nộp thuế, đáng lẽ phải hoàn thành trong 30 ngày nếu nhập cho tiêu thụ nội địa nhưng nay, doanh nghiệp được 195 ngày mới phải nộp thuế, thì có thể doanh nghiệp bán đi mới nộp thuế.. Thời điểm này, có thể lãi suất cao hơn nhiều so với tiền phạt chậm nộp thuế nên khả năng doanh nghiệp chiếm dụng thuế là có”.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại nữa là hiện tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu xăng dầu. Mới đây, cơ quan hải quan đã bắt giữ 1 vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn bằng đường biển. Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, khi bắt giữ, khám xét tàu Giang Châu đang bơm xăng dầu sang ba tàu thuộc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại Thanh Hóa), mới phát hiện ra tàu mang 2 quốc tịch Trung Quốc và Campuchia, trên tàu có cả bộ hóa đơn chứng từ khống, chỉ cần điền ngày vào là có thể hợp thức hóa việc vận chuyển nội địa. Rõ ràng, các đối tượng đã lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, mua xăng dầu từ Việt Nam nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu ở Việt Nam để hưởng chênh lệch.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, để dẫn tới những tình trạng tiêu cực nêu trên là do việc quản lý tạm nhập tái xuất xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập. Theo quy định, xăng dầu khi tạm nhập vào được lưu tại Việt Nam 120 ngày và được gia hạn 2 lần mỗi lần không quá 30 ngày, cộng với 15 ngày tờ khai còn hiệu lực, như vậy thời hạn lưu lại tối đa là 195 ngày. Đặc biệt, trong khi mặt hàng khác tạm nhập lô nào, phải tái xuất đúng lô đó, thì đối với xăng dầu có đặc thù riêng là cho phép đổ chung vào bồn cùng chủng loại, nên khó phân biệt giữa hàng tạm nhập tái xuất và hàng kinh doanh bình thường. Đây chính là những sơ hở trong tạm nhập tái xuất xăng dầu khiến các đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Ông Nguyễn Văn Cẩn nói: “13 doanh nghiệp đầu mối không bỏ riêng xăng tạm nhập tái xuất do vậy rất khó cho công tác quản lý. Vì khi họ tái xuất hay vận chuyển, tiêu thụ nội địa, được hợp thức hóa, khó có đủ chứng cứ tài liệu chứng minh doanh nghiệp vận chuyển buôn lậu. Chủng loại xăng dầu không phân biệt được đâu là tạm nhập đâu là tiêu thụ nội địa. Đây là sơ hở rất khó xử lý”.
Trước những bất cập này, Tổng cục Hải quan đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công thương: nếu cho tạm nhập tái xuất xăng dầu thì phải còn nguyên kẹp chì, giám sát và kỹ thuật mới cho đi.
Về lâu dài cần có những sửa đổi liên quan đến cơ chế chính sách tạm nhập tái xuất. Bởi hiện nay, Bộ Công thương không quy định chặt chẽ hạn ngạch nhập khẩu, chỉ khống chế hạn ngạch tối thiểu, mà không tính tới lượng tạm nhập chuyển sang tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, thời gian xăng dầu tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tại Việt Nam quá dài cũng là sơ hở dẫn tới doanh nghiệp lợi dụng chuyển sang tiêu thụ nội địa.
Bộ Tài chính đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ và đề nghị Bộ Công thương sửa chữa những sơ hở, bất cập này. Đồng thời, kiến nghị rút ngắn thời gian lưu giữ hàng tạm nhập tái xuất tại Việt Nam không quá 30 ngày và đặc biệt là đề xuất ngừng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Hiện Bộ Tài chính đang rà soát các quy định, chính sách, những bất hợp lý thì cần sửa. Chúng tôi cho rằng, cần làm rõ theo nguyên tắc theo khuôn khổ pháp luật hiện nay, thứ hai là phù hợp với thông lệ quốc tế, và thứ ba là đảm bảo hợp lý bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng tôi yêu cầu tiếp tục cho phép tạm nhập tái xuất với Lào – Campuchia và đề nghị chấm dứt ngay đối với tạm nhập tái xuất xăng dầu đường biển”.
Hiện, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Hải quan và thanh tra chuyên ngành đồng loạt rà soát tất cả các đầu mối từ năm 2009 đến tháng 6/2012 để làm rõ việc doanh nghiệp có kê khai đúng hay không, đã nộp thuế khi chuyển từ tạm nhập sang tiêu thụ nội địa chưa, hay công chức hải quan có làm đúng thủ tục hay không. Tuy nhiên, phải đến ngày 15/12 tới mới có kết quả.
Điều dư luận quan tâm lúc này là với số liệu mà Tổng cục Hải quan công bố về sai phạm trong kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất sẽ xử lý như thế nào và những biện pháp triển khai ngay trong thời gian tới để ngăn chặn hành vi trục lợi từ tạm nhập xăng dầu tái xuất./.
Minh Hà
VOV
|