Thứ Ba, 25/09/2012 09:22

Rủi ro từ “Ông chủ” ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng đã không còn là “thành trì vững chắc” trong con mắt nhiều nhà đầu tư trước nỗi lo âu về nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, quan hệ không minh bạch giữa ngân hàng và doanh nghiệp “sân sau” của Ông chủ ngân hàng.

Quan hệ không minh bạch này, nếu có, chỉ diễn ra ở ngân hàng thương mại cổ phần mà sở hữu Nhà nước không giữ vai trò chi phối. Ở đó, ngân hàng “lệ thuộc” vào một hoặc vài cá nhân chi phối với vai trò “Ông chủ ngân hàng”.

Khởi thủy, Ông chủ xuất hiện khi ngân hàng thương mại hình thành, đa phần là chuyển lên từ ngân hàng nông thôn hoặc hợp tác xã tín dụng. Lúc này, vốn điều lệ cần thiết chỉ là 70 tỷ đồng. Một doanh nhân thành đạt, mà đa phần là từ bất động sản, sẽ bỏ ra một số tiền đáng kể để sở hữu cổ phần ngân hàng. Do ngân hàng vốn lớn, nhiều cổ đông nên việc sở hữu một tỷ lệ không cao lắm cũng đủ chi phối một ngân hàng.

Điều 55 của Luật Các Tổ chức Tín dụng không cho phép cá nhân sở hữu quá 5% vốn điều lệ một ngân hàng. Ông chủ sẽ lách luật bằng cách sử dụng pháp nhân tổ chức kinh tế do mình chi phối nắm giữ đến 15% cổ phần ngân hàng mà Luật cho phép. Ông chủ cũng có thể “lách luật” khi sử dụng cá nhân là những người thân để sở hữu một tỷ lệ cổ phần lớn hơn vì Điều 55 của Luật cho phép nhóm này được sở hữu đến 20% vốn điều lệ.

Thực tế cho thấy, chỉ cần sở hữu trên 10% là Ông chủ đã có thể chi phối ngân hàng. Lúc này, rủi ro đã có mầm mống hình thành. Là người thành đạt nhờ đi vay ngân hàng để kinh doanh lớn, nhất là bất động sản, Ông chủ ngân hàng ít chấp nhận cổ tức “khiêm tốn” từ hoạt động kinh doanh ngân hàng mà cốt lõi là hoạt động tín dụng mang lại. Ông chủ có kỳ vọng lớn hơn ở chỗ mình được vay vốn thoải mái để kinh doanh những ngành “hot” như bất động sản hay chứng khoán.

Ông chủ “rút ruột” ngân hàng như thế nào?

Còn một “kẻ hở” trong Luật mà Ông chủ có thể “rút ruột” ngân hàng, lấy lại một phần số tiền đã bỏ ra mua cổ phiếu mà vẫn là chủ ngân hàng. Xa hơn nữa, bằng nguồn tiền bao la của người gởi tiết kiệm, Ông chủ có thể trở thành “nhà tài phiệt” khi thao túng, chi phối một số đơn vị, ngành nghề nào đó bằng những kẻ hở hay khoảng trống trong Luật.

Bằng cách nào mà Ông chủ ngân hàng “lấy lại” tiền mình đã bỏ ra mà vẫn còn đó cổ phiếu ngân hàng và vai trò “Ông chủ”? Ông chủ sẽ quyết định để ngân hàng bỏ ra số tiền này mua cổ phần tại đơn vị “sân sau” của mình, chỉ cần đơn vị này không là cổ đông ngân hàng nhằm “lách luật” tại Điều 129 của Luật Các Tổ chức Tín dụng. Luật này đã cho phép Tổ chức tín dụng được phép chi tới 40% vốn điều lệ để làm điều này (góp vốn).

Tiền đi mua cổ phần tất nhiên ngân hàng không tính lãi, không có quyền đòi và phải chấp nhận mất trắng khi đơn vị thua lỗ hết vốn. Bằng cửa này, Ông chủ có thể trả nợ vay nếu phải đi vay để mua cổ phần ngân hàng. Rủi ro này nằm ở chỗ một tỷ lệ vốn điều lệ đã thành “vốn ảo”, tham gia chia phần “cổ tức”, quản trị, nhưng không tham gia tín dụng để có lãi cho vay, không tham gia bù đắp rủi ro khi ngân hàng thua lỗ, thậm chí phá sản.

Với nguồn tiền gửi lớn lao từ khách hàng, Ông chủ ngân hàng có sức mạnh rất lớn về hoạt động tín dụng. Thông thường, Ông chủ sẽ được vay nợ “khủng” với điều kiện “thoáng” về quy định để đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm nhưng cũng đầy rủi ro như bất động sản và chứng khoán. TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định trong buổi tọa đàm rằng “Ông Tây sẽ chết ngất trên ghế khi nghe rằng ngân hàng thương mại Việt Nam dành 80% dư nợ tín dụng cho Ông chủ ngân hàng”.

Những người Miền Nam lớn tuổi đều biết đến vụ án ông chủ ngân hàng Nguyễn Tấn Đời ở chế độ Sài Gòn cũ. Khi ấy, ông Đời đã bị tịch thu toàn bộ gia sản, xử tội nặng tại Tòa Đại Hình khi Chính phủ phát hiện những khách hàng được vay chủ yếu là người thân, thậm chí cả tạp vụ, bếp, lái xe đứng tên vay giúp cho ông.

Có lẽ “thoáng” nhất trong cơ chế cho vay là mua trái phiếu của doanh nghiệp “sân sau” của Ông chủ. Cơ chế này đã cô lập các nguyên tắc và quy định tín dụng như cho vay phải có thế chấp, giải ngân tiền vay theo tiến độ thực hiện dự án, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích… Cơ chế mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ phù hợp cho cá nhân hoặc quỹ đầu tư, không quản trị rủi ro bằng tín dụng ngân hàng, nhất là nguyên tắc có thế chấp. Mọi người đều có thể nhìn thấy rủi ro khi “trứng được dồn vào một giỏ” với cơ chế thoáng, một cội nguồn đáng kể gây nên nợ xấu lớn lúc thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán trầm lắng.

“Bật mí” hoạt động ủy thác đầu tư

Quản lý và chi phối nguồn tiền lớn lao của khách gửi, Ông chủ có thể vươn tầm ảnh hưởng bằng việc sử dụng khoảng trống trong cơ chế quản lý là hoạt động ủy thác đầu tư và sử dụng quỹ đầu tư. Bằng việc đưa tiền ngân hàng qua nghiệp vụ ủy thác đầu tư vào quỹ đầu tư “tay trong” của mình, Ông chủ có thể giữ giá hay thậm chí làm giá cổ phiếu. Nghiệp vụ này cũng sẽ giúp ngân hàng dùng tiền gửi của người dân mua lại cổ phiếu ngân hàng khi tăng vốn điều lệ. Quy trình này đẻ ra một lượng vốn ảo vì khi ngân hàng phá sản, vốn điều lệ ảo này không hề có vì tiền đưa ra quỹ đầu tư không thể thu hồi do cổ phiếu ngân hàng không còn giá trị.

Thông qua hoạt động ủy thác đầu tư hoặc tín dụng “thoáng”, Ông chủ cũng có thể dùng tiền ngân hàng này để “mua” ngân hàng khác nhằm đoạt được quyền “chi phối” tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng được mua. Thế lực tài chính cứ thế phát triển dần, lúc này, Ông chủ ngân hàng đã sử dụng lực đòn bẩy bằng số vốn nhỏ ban đầu để chi phối số vốn khổng lồ của người gửi tiền tại ngân hàng.

Và Ông chủ đã là nhà tài phiệt, có tầm ảnh hưởng đến hoạt động tài chính và kinh tế. Đây là quy trình phát triển tự phát của kinh tế thị trường trong thời kỳ cạnh tranh tự do. Sẽ là điều không hợp lý vì bên đi ủy thác đầu tư nên là cá nhân, không có bộ máy, kiến thức, trình độ, không thể là ngân hàng với bộ máy, kiến thức hơn hẳn cả quỹ đầu tư. Ngân hàng đi ủy thác với hợp đồng có lãi suất chỉ là biến tướng của tín dụng nhưng lách luật ở khoản thế chấp, mục đích, thời hạn, nhất là cô lập nguyên tắc cho vay trực tiếp của ngân hàng.

Khi ủy thác không đề cập lãi suất là biến tướng của góp vốn nhưng lách luật vì vượt quá tỷ lệ cho phép (hơn 11% vốn điều lệ doanh nghiệp nhận vốn hoặc hơn 40% vốn điều lệ ngân hàng). Ủy thác cũng có tác dụng che dấu mục đích đưa tiền ra từ ngân hàng nên được hạch toán ở “khoản phải thu”. Nguy cơ ở đây là những luật lệ phòng ngừa rủi ro của ngân hàng đã bị cô lập. Khả năng rủi ro về tổn thất vốn đã không được minh bạch và có nguy cơ xảy ra.

Về vĩ mô, ngân hàng đã không đưa trọn vẹn vốn huy động vào cho vay phát triển kinh tế mà một bộ phận vào đầu cơ, thậm chí thao túng thị trường.

Từ thực tiễn, tái cơ cấu ngân hàng đang được diễn ra. Bên cạnh việc tái cơ cấu thông qua sáp nhập, mọi người mong rằng Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu cả nội dung hoạt động ngân hàng. Đã đến lúc luật hóa quan hệ ủy thác đầu tư từ ngân hàng, giám sát trước các khoản góp vốn từ ngân hàng, luật hóa việc ngân hàng mua trái phiếu, hoàn thiện những quy định tín dụng nhằm tránh rủi ro từ tín dụng thoáng (không thế chấp hoặc thế chấp không đủ giá trị, không thanh khoản), phân bổ tín dụng trên diện rộng, tránh tập trung vào nhóm để hạn chế rủi ro.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Ai sẽ huy động vàng sau ngày 25-11? (25/09/2012)

>   Trơ với tín dụng (24/09/2012)

>   Xử phạt một giám đốc của Techcombank 20 năm tù (24/09/2012)

>   Chính sách tiền tệ giữa 2 luồng sức ép (24/09/2012)

>   VietinBank: Lãi suất cho vay thấp nhất ở mức 8.95%/năm (24/09/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 1.380 tỷ trên OMO (24/09/2012)

>   Khi ngân hàng đành phải “soi” ngân hàng (24/09/2012)

>   ‘Cuộc chiến’ lãi suất vẫn khốc liệt? (24/09/2012)

>   Vietcombank: Đến giữa tháng 9 tăng trưởng tín dụng 7% (23/09/2012)

>   Tái cơ cấu ngân hàng đang đến đâu? (23/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật