Chính sách tiền tệ giữa 2 luồng sức ép
Theo TS. Cấn Văn Lực, hơn lúc nào hết, câu chuyện phối hợp chính sách càng phải nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hơn trong lúc này, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Dự kiến CPI tháng này có thể tăng tới 2%, theo ông nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể ra ở đây là tác động của giá một số mặt hàng tăng lên gần đây như giá điện, gas đặc biệt là xăng dầu và viện phí. Bên cạnh đó về yếu tố mùa vụ là học phí ở một số trường cũng tăng lên. Cùng với đó là nhu cầu tín dụng của người dân, DN cũng có các dấu hiệu ấm trở lại khi lãi suất giảm xuống. Khi cầu tăng lên thì giá cả cũng bị đẩy lên một phần. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố tác động lớn, mà chủ yếu là do giá các mặt hàng thiết yếu tăng.
Như vậy có quan ngại lạm phát bùng trở lại vào cuối năm?
Thực ra câu chuyện về lạm phát năm nay không phải là vấn đề quá đáng ngại. Nếu cộng thêm 2% - dự báo của tháng này thì CPI 9 tháng qua tăng khoảng 4,92% so với tháng 12 năm ngoái. Với giả thiết lạm phát tăng khoảng 1%/tháng trong quý còn lại thì lạm phát cả năm cũng chỉ vào khoảng 8-9%. Mức này cao hơn mục tiêu mong muốn là 7% mà Chính phủ đặt ra nhưng rõ ràng trong bối cảnh phải cứu DN, cộng với một số yếu tố khách quan khác như giá cả thế giới tăng thì chúng ta cũng phải chấp nhận phần tăng thêm ấy. Lạm phát có thể nhích lên một chút so với dự kiến nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát và không phải quá lo ngại.
Nhưng rõ ràng việc lạm phát bật lên như vậy sẽ gây khó cho chính sách tiền tệ, đặc biệt là lộ trình giảm lãi suất để hỗ trợ DN, thưa ông?
Tất nhiên là nếu lạm phát tháng này đúng tăng ở mức dự báo trên thì chúng ta cũng cần cân nhắc một số vấn đề: Thứ nhất, liên quan đến lãi suất, việc nên giảm nữa hay không cần tính toán kỹ. Dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều, nếu giảm mạnh hơn nữa có thể dẫn đến những hệ lụy. Thứ hai, việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước theo giá thị trường là cần thiết nhưng trong bối cảnh năm nay cần phải có điều tiết, lộ trình. Thứ ba, phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, bởi khi các thị trường này có xáo trộn đương nhiên sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Bản thân hệ thống ngân hàng cũng đang trong quá trình cơ cấu lại…
Chúng ta phải lường được hết những vấn đề này để có giải pháp ứng phó phù hợp khi nó xảy ra.
Hiện chính sách tiền tệ đang phải đảm đương 2 nhiệm vụ là vừa kiềm chế lạm phát trong khi vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng. Thế nhưng, điều hành giá thời gian qua dường như tạo thêm áp lực lên chính sách tiền tệ?
Hơn lúc nào hết, câu chuyện phối hợp chính sách càng phải nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hơn trong lúc này, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Liên quan đến vấn đề điều hành giá, tôi cho rằng chúng ta phải tính toán kỹ trên cơ sở xem xét các thành tố dẫn đến phải tăng giá là gì. Cần xác định rõ đâu là phần giá tăng do giá đầu vào; đâu là phần do lỗi của quản lý, vận hành, phân phối. Ví dụ như xăng dầu kêu lỗ nhưng chưa chắc toàn bộ phần lỗ ấy là do giá thế giới lên mà còn do tính toán chi phí không hợp lý, rồi chuyện gian lận, thiếu minh bạch trong kinh doanh như chúng ta đã thấy phản ánh trên truyền hình và phương tiện đại chúng. Tương tự như vậy, với điện, nước… chúng ta cũng phải khuyến khích giảm được thất thoát, chứ không đơn thuần cứ DN kêu lỗ là xem xét cho tăng giá. Khi việc đầu tư, quản lý và vận hành hiệu quả hơn thì lập tức sẽ giúp giảm chi phí đầu vào dẫn đến đầu ra cũng không bị tăng quá lớn. Đấy chính là một trong những biểu hiện tích cực của việc phối hợp các chính sách để đạt các mục tiêu đề ra.
Hồng Quân thực hiện
thời báo ngân hàng
|