Thứ Năm, 27/09/2012 09:20

Nợ xấu – mua bán chậm một phần do cơ chế?

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có chế tài với các tổ chức tín dụng để nợ xấu vượt mức cho phép, không tự xử lý được…

Nợ xấu là hệ quả của một quá trình kinh tế dài, từ thời bao cấp, nhưng chậm được xử lý. Để giúp cho nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc giải quyết được nợ xấu, nợ quá hạn cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) phải là trọng tâm trong chính sách tiền tệ năm 2012. NHNN nên hình thành một quỹ độc lập để thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Xã hội hóa mua bán nợ xấu

Trên thị trường xử lý nợ xấu hiện nay, mới chỉ có Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng quy mô về vốn của DATC rất nhỏ, các cơ chế chính sách cho hoạt động mua bán nợ còn chưa hoàn thiện, nên quy mô xử lý so với số nợ xấu của nền kinh tế của DATC vẫn còn khiêm tốn, số lượng DN được xử lý nợ chiếm số lượng nhỏ so với số lượng DN cần tái cơ cấu.

Chính vì vậy, theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC, việc thành lập thêm các tổ chức để xử lý nợ xấu là cần thiết. Nó nằm ở đâu thì do Chính phủ quyết, còn theo tôi thì nên xã hội hóa. Quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu NHTM đề cập việc thành lập công ty xử lý nợ xấu nhưng hiện nay chưa nhiều người đặt sự quan tâm đến.

Ông Quang nhấn mạnh đến vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu bằng cách có thể thành lập thêm công ty cổ phần có sự góp vốn của DATC để lôi kéo các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia. Bởi theo ông Quang, để xử lý nợ xấu không phải chỉ huy động nguồn lực mà còn phải nhiều đầu mối cùng làm, nhiều người làm. Nhưng quan trọng nhất, nợ xấu – đầu mối phải là các ngân hàng phải tự xử lý trước. NH và DN cùng bàn cách xử lý, nếu không xử lý được thì mới đến bên thứ 3 là các AMCs…

Việc xử lý nợ xấu theo các chuyên gia không phải sẽ hoàn thành trong 1-2 năm, mà ít nhất phải 3-5 năm. Trước tiên, cần phân loại nợ xấu để xử lý. Theo quan điểm của ông Quang, ít nhất là bất động sản không cần phải can thiệp, cần tập trung số 1 vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp đến là sản xuất phục vụ cho xuất khẩu…

Một khó khăn nữa được ông Quang nhắc đến là hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có chính sách tăng cường bán nợ xấu của các TCTD. Các NHTM nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa không bàn giao nợ xấu loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp cho DATC theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP, Nghị định 59/2011/NĐ-CP… cũng khiến các thương vụ mua bán nợ chậm trễ, kéo dài, làm giảm hiệu quả của hoạt động này.

Không cần quá nhiều tiền một lúc

“Không phải cần một lúc quá nhiều tiền để giải quyết nợ xấu. Nhiều tiền mà không tiêu được nhanh thì cũng không giải quyết được. Vốn quan trọng nhưng không phải quá quan trọng trong xử lý nợ xấu. Trong xử lý Bianfishco, đến giờ phút này DATC chưa phải bỏ ra đồng nào” – ông Quang nêu quan điểm.

Chia sẻ quan điểm về giải quyết nợ xấu, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cần thí điểm coi nợ như là một loại hàng hóa và giao hàng hóa đó cho doanh nghiệp xử lý. Hàng hóa thì có lúc đắt, lúc rẻ, nhưng làm sao xử lý được nợ, tạo được nguồn để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp tục duy trì phát triển.

Việc định giá trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là điểm khó, nóng và nhạy cảm, việc mua bán nợ xấu cũng không nằm ngoại lệ. Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng thuộc Bộ Tài chính cho biết, DATC đã phải đứng ngoài nhiều vụ giải cứu DN chỉ vì nhiều NH đòi mức giá tới 100% giá trị khoản nợ, có ngân hàng đòi 80%.

Ngoài ra, các khoản nợ xấu đã xử lý có tính đơn lẻ, thuộc nhiều ngành nghề, giá trị chưa lớn và DATC còn phải đảm bảo bảo toàn vốn nên mua nợ chưa đảm bảo được tính tổng thể.

Theo khuyến cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống NHTM, cần đẩy mạnh phát triển các kênh vốn phi ngân hàng cho hoạt động của nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc gần như toàn bộ của nền kinh tế vào hệ thống NHTM như hiện nay. Hiện trạng quá lệ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống NHTM hiện nay không chỉ đem đến khó khăn và rủi ro cho doanh nghiệp bởi lãi suất cao vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, đi kèm với tỉ lệ nợ xấu gia tăng; mà còn khiến hiệu lực chính sách tiền tệ suy giảm bởi không thể đáp ứng mọi nhu cầu về vốn của nền kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.

Vì vậy, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải ban hành một chế tài bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng, nếu để nợ xấu vượt mức cho phép, không tự xử lý được thì phải bán hoặc chuyển giao cho DATC. Nếu không, các ngân hàng cũng phải chịu hạn chế một số hoạt động cho đến khi nào xử lý giảm nợ xấu.

“NHNN cần khẩn trương có các chính sách bắt buộc NHTM phải xử lý nợ xấu, thậm chí có điều kiện cụ thể về thời gian, hình thức xử lý” – ông Quang nhấn mạnh./.

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   Âm thầm vượt trần lãi suất (27/09/2012)

>   CEO Hong Leong Bank: 'Ngân hàng ngoại nhìn thấy cơ hội rất lớn tại Việt Nam' (27/09/2012)

>   Cơ chế thị trường: Đơn giản hóa việc xử lý nợ xấu (27/09/2012)

>   Các ngân hàng mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp (26/09/2012)

>   S&P nâng xếp hạng tín nhiệm VCB, Sacombank, TCB; giữ nguyên BIDV và Vietinbank (26/09/2012)

>   Lại đua lãi suất? (26/09/2012)

>   S&P: Rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm (26/09/2012)

>   OceanBank họp ĐHCĐ bất thường để thay đổi cơ cấu tổ chức (26/09/2012)

>   Dòng chảy vốn ngân hàng: Đảo nợ, cho vay lẫn nhau, đầu tư tài chính (26/09/2012)

>   Đến lúc bỏ trần huy động? (26/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật