Thứ Bảy, 22/09/2012 14:54

Muốn có quỹ mới, trước hết cần đào tạo nhà đầu tư

Đây là khuyến nghị từ các chuyên gia nước ngoài, hãy bắt đầu từ việc rất đơn giản là tuyên truyền, đào tạo NĐT nếu muốn thành công.

Tại hội thảo về quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức ngày 20/9, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu thị trường vốn Nomura (Nhật Bản) cũng như đại diện các công ty quản lý quỹ đều cho rằng, tuyên truyền, đào tạo NĐT là việc cần làm đầu tiên nếu muốn triển khai các sản phẩm quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Đưa quỹ đầu tư đến với đại chúng

Ngày 20/9, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán cùng Vụ Quản lý quỹ, UBCK phối hợp với Hiệp hội Chuyên gia phân tích chứng khoán Nhật Bản (SAAJ), tổ chức hội thảo “Tìm hiểu quỹ hoán đổi danh mục, quỹ đầu tư bất động sản và khung pháp lý ở Việt Nam”. Hội thảo diễn ra trong gần 2 ngày, thu hút nhiều công ty quản lý quỹ, CTCK, các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán tham dự.

“Ngay với một thị trường gặt hái được những thành công bậc nhất về phát triển quỹ ETF như Mỹ thì việc đầu tiên mà cơ quan quản lý cho đến các công ty quản lý quỹ tập trung triển khai thực hiện là tuyên truyền, đào tạo NĐT...”, ông Yuta Seki, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Viện Nghiên cứu thị trường vốn Nomura chia sẻ, đồng thời khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng các hoạt động tuyên truyền, đạo tạo NĐT ngay từ bây giờ. Đây là bước đi quan trọng, để giúp NĐT nhận diện được lợi ích của quỹ ETF và quỹ REIT, trên cơ sở đó, sử dụng các công cụ đầu tư này, thay vì tập trung đầu tư trực tiếp vào TTCK như hiện tại.

Đại diện các công ty quản lý quỹ dự hội thảo, những người trực tiếp lăn lộn trên thị trường cũng cùng quan điểm trên. Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI nhìn nhận, gần đây, UBCK, các sở GDCK đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo NĐT, để chuẩn bị cho phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư trong những năm tới. Tuy nhiên, sự tham gia của các CTCK, công ty quản lý quỹ vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo NĐT vì nhiều lý do mà chưa được quan tâm thỏa đáng.

“Do tính chất kỹ thuật phức tạp của các loại hình quỹ đầu tư, điển hình như quỹ ETF, nên hoạt động tuyên truyền, đào tạo NĐT cần được các cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Qua đó, giúp NĐT nhận diện được thế mạnh, cũng như điểm yếu của các sản phẩm quỹ đầu tư, trên cơ sở đó, có nhiều sản phẩm đầu tư để lựa chọn hơn…”, ông Hải khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm của một quỹ đầu tư đã hoạt động 4 năm tại Việt Nam, ông Joe Shing Chi Lo, Giám đốc Khối phát triển sản phẩm, CTCP Quản lý quỹ Tín Phát (TPF) cho hay, không chỉ NĐT trong nước, mà NĐT đến từ Trung Quốc, cũng như một số thị trường lân cận mà TFP đang nhận ủy thác đầu tư cũng có nhu cầu tìm hiểu về quỹ ETF, quỹ REIT. Bởi vậy, để nâng cao hiểu biết cho NĐT, UBCK, các sở GDCK, cũng như bản thân các CTCK, công ty quản lý quỹ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đào tạo dài hơi cho NĐT. Ngoài hình thức tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, các thành viên thị trường cần xây dựng chuyên mục thông tin về quỹ đầu tư trên website hoặc trên các báo chuyên ngành. Thông tin cần thường xuyên được cập nhật, giúp NĐT dần làm quen với hình thức đầu tư qua quỹ.

Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thị Liên Hoa cho biết, có hai thông điệp chính mà UBCK muốn gửi đến các thành viên thị trường qua hội thảo lần này. Thứ nhất, giới thiệu kinh nghiệm xây dựng, phát triển quỹ ETF và quỹ REIT tại Mỹ và Nhật Bản, để giúp các CTCK, các công ty quản lý quỹ, NĐT dần làm quen với các công cụ đầu tư mới. Thứ hai, trên cơ sở giới thiệu 2 dự thảo thông tư về hình thành và quản lý quỹ ETF và quỹ REIT, UBCK mong muốn thu nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn từ các thành viên thị trường, để xây dựng khung pháp lý tốt cho triển khai hai loại hình quỹ này trong thời gian tới.

“Sau hội thảo về quỹ ETF đã được Sở GDCK Hà Nội tổ chức, theo kế hoạch, tháng 10 tới, Sở GDCK TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề này. Đây là nỗ lực của cơ quan quản lý, tổ chức thị trường nhằm từng bước phổ cập hóa các sản phẩm quỹ đầu tư nói chung, quỹ ETF nói riêng tới công chúng đầu tư. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để triển khai các sản phẩm mới cho TTCK trong thời gian tới…”, bà Hoa nói.

Nhiều mối quan tâm từ thị trường

Các thành viên thị trường đã thể hiện sự quan tâm của mình tới các sản phẩm mới, khi đặt ra nhiều câu hỏi cho chuyên gia. Trước băn khoăn về việc quy mô thị trường còn hạn chế, thanh khoản chưa cao như TTCK Việt Nam, triển khai quỹ ETF liệu có thành công, ông Yuta Seki nhìn nhận, thị trường quỹ ETF không thể tự thân phát triển, mà phụ thuộc rất lớn vào thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ đầu tư. Với bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại, tuy quỹ ETF không phải là “vũ khí thần kỳ” nhưng sẽ gia tăng đáng kể sức hấp dẫn cho thị trường. Qua đó, giúp thị trường thu hút thêm NĐT, nhất là NĐT nước ngoài.

Về những yêu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản của quỹ ETF trên thị trường thứ cấp, ông Yuta Seki chia sẻ, kinh nghiệm từ thị trường Mỹ và Nhật Bản cho thấy, tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ ETF bị chi phối bởi chỉ số mà quỹ đó dựa vào giao dịch; các chỉ số theo ngành… Ngoài ra, biến động kinh tế vĩ mô, hoạt động giao dịch của các nhà tạo lập thị trường cũng tác động đáng kể đến tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ ETF. Ngoài tính thanh khoản cao, hệ số sai số thấp và tỷ lệ chi phí thấp là hai yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ thành công của một quỹ ETF.

Đại diện một công ty quản lý quỹ đặt câu hỏi, người dân Việt Nam giao dịch vàng khá lớn, đây có phải là cơ hội để phát triển quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng, đặc trưng của quỹ này như thế nào? Theo ông Yuta Seki, quỹ ETF đầu tư theo chỉ số vàng rất phát triển ở Hồng Kông và khá phổ biến tại nhiều thị trường. Thành lập quỹ ETF đầu tư vào vàng tại Việt Nam là ý tưởng hay. Lý do là bởi không phải tất cả NĐT đều muốn nắm giữ vàng vật chất, vì phải giữ an toàn. Đặc trưng của quỹ ETF đầu tư theo chỉ số vàng là NĐT giao dịch theo hợp đồng tương lai và quyền chọn. Tuy nhiên, sản phẩm này rất phức tạp, đòi hỏi NĐT cá nhân khi tham gia phải rất cẩn trọng, để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch…

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   DHI: Cổ phiếu nhỏ đáng quan tâm? (23/09/2012)

>   Cho vay cầm cố cổ phiếu: Rủi ro khôn lường (22/09/2012)

>   WSS bị cảnh cáo do vi phạm quy định của HNX (21/09/2012)

>   "Xem thường" cổ đông nhỏ, SNG bị phạt (21/09/2012)

>   SBS vào diện cảnh báo kể từ 25/09 (21/09/2012)

>   Phiên 21/09: Hỗn loạn vì quỹ ETF đồng loạt giải ngân (21/09/2012)

>   “Hiện tượng” VPK (21/09/2012)

>   21/09: Bản tin 20 giờ qua (21/09/2012)

>   GAS: 27/09 GDKHQ dự Đại hội bất thường (20/09/2012)

>   Chứng khoán Việt Nam: Tạo đáy sâu, sinh lời "khủng" (20/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật