Chủ Nhật, 23/09/2012 20:00

DHI: Cổ phiếu nhỏ đáng quan tâm?

Trước tình hình giảm giá chứng khoán nói chung, hiện tượng cổ phiếu DHI tăng trần 13 phiên, thị giá từ 3,000 đ/cp (27/8) lên 6,300 đ/cp (14/9) đã được thị trường quan tâm.

Giao dịch cổ phiếu DHI trong 1 năm qua

Đây là cổ phiếu thanh khoản rất thấp trước kia, bình quân chỉ khoảng 2,500 cp/phiên; kết quả kinh doanh lỗ nhiều quý, kể cả quý hiện hành; và tất nhiên không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, nằm trong diện cảnh báo.

Trước những thông tin trên, nhận định chung dành cho nhà đầu tư là không nên tham gia mua vào vì có thể mắc bẫy “làm giá”. Tuy nhiên, một thực tế phải công nhận là thị trường đã mua vào liên tục với giá trần tất cả cổ phiếu được chào bán. Như thế, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lúc giá rẻ khi thị giá 3,000đ hoặc thậm chí 2,600đ/cp đã hưởng lợi với tỷ suất lợi nhuận khá cao. DHI có xứng đáng được tăng vậy hay không và vì sao vẫn có những nhà đầu tư liên tục mua vào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngõ.

Đi sâu vào DHI để tìm những lý giải cho câu hỏi trên nhằm đưa ra những tham khảo nhỏ trên sàn chứng khoán.

CTCP In Diên Hồng (HNX: DHI) tiền thân là nhà máy in sách giáo khoa của Bộ Giáo dục với độ dài về tuổi đời. DHI được cổ phần hóa từ những năm 2004 và lên sàn cũng rất sớm (2006).

Với phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ năm 2004, sẽ có sự khác biệt sâu giữa giá trị thật của doanh nghiệp và giá trị sổ sách hiện nay bởi trượt giá từ năm 2004 đến nay cũng như chuẩn định giá thấp của năm 2004. Có thể nhìn thấy điều này khi trên giá trị sổ sách, phần kiến trúc của công ty tại 187B Giảng Võ - Đống Đa chỉ là 153 triệu đồng. Và phần chênh lệch là lợi ích của cổ đông DHI sẽ thể hiện khi đơn vị dời nhà máy ra ngoại thành Hà Nội.

Ngoài ra, do đã khấu hao hết nên giá trị tài sản cố định có nguyên giá trên 5 tỷ đồng theo định giá cổ phần hóa năm 2004 nay thể hiện trên sổ sách là 0 đồng. Toàn bộ tài sản này (không có giá vốn) đương nhiên là lợi ích của cổ đông.

Nắm rõ giá trị thật của cổ phiếu DHI hơn ai hết có lẽ là Nhà Xuất bản Giáo dục, chủ quản của DHI và cũng là đơn vị đã mua hết hơn 1.2 triệu cổ phiếu phát hành thêm của DHI với giá 10,000đ/cp vào thời điểm mà thị giá cổ phiếu chỉ ở khoảng 3,000đ, thậm chí còn xuống tới 2,600đ. Bằng việc mua hết số cổ phiếu “bị chê”, Nhà Xuất bản Giáo dục nắm giữ 75% cổ phiếu DHI. Nay, Nhà Xuất bản Giáo dục thông báo mua vào 129,000 cổ phiếu DHI, đi đến khả năng chi phối DHI toàn diện, kể cả cơ cấu lại đơn vị, chuyển dịch nhà máy … (những quyết định đòi hỏi phải đạt 85% cổ phiếu biểu quyết). Vì thế sẽ không khó hiểu nếu Nhà Xuất bản Giáo dục thu vào DHI bằng mọi giá.

Thanh khoản “rất thấp” có phải là cổ phiếu “tệ” hay không? Không hẳn là thế. Cổ phiếu thanh khoản rất thấp là cổ phiếu bị nhà đầu tư “lướt sóng” quay lưng. Vì thế, lại là những cổ phiếu rẻ so với giá trị thực do những nhà đầu tư cần bán chấp nhận giá rẻ. Và cũng bởi phải bán ra trong thế “rẻ rúng” nên ít nhà đầu tư chấp nhận, điều này lại dẫn đến thanh khoản thấp.

Năm 2011, thị trường chứng kiến một cổ phiếu thanh khoản “siêu thấp” là KTS (Đường Kon Tum). Khi kết quả kinh doanh được công bố, KTS đã liên tục tăng trần từ 10,000đ lên trên 30,000 đ/cp. Đạt thị giá trên 30,000đ thì KTS trở lại là cổ phiếu “có thanh khoản”.

Khái niệm cổ phiếu “thanh khoản thấp” ở đây nhằm vào những cổ phiếu không có lệnh bán sàn chất đống liên tục, chỉ đơn thuần là khối lượng thanh khoản thấp ở giá quanh tham chiếu, thậm chí không thanh khoản.

Nhà đầu tư có nên “tránh xa” những cổ phiếu ở diện không được magin hay không? Không hẳn là như thế. Chính việc nắm giữ một cổ phiếu được phép magin nhưng tiềm ẩn nguy cơ cấm magin mới là rủi ro với nhà đầu tư.

Sau soát xét kết quả kinh doanh bán niên 2012, riêng HNX đã có 50 cổ phiếu “không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ”. Đồng hành với nó, khá nhiều nhà đầu tư nắm giữ đã thiệt hại lớn do thị giá cổ phiếu giảm vì thay đổi cán cân cung - cầu. Điển hình là PVX, PVL, PVV, DCS … Đối với những cổ phiếu không được magin từ trước như DHI thì tránh được rủi ro này.

Nhà đầu tư có nên “tránh xa” những cổ phiếu trong diện “cảnh báo vì thua lỗ” hay không? Cũng không hẳn là như thế. Bảng cân đối kế toán có mặt đồng hành với thực tế nhưng cũng có mặt còn cách biệt. Có những đơn vị không nằm trong diện cảnh báo nhưng rủi ro đang tiềm ẩn, đang ẩn mặt. Nhất là những đơn vị ngưng trệ kinh doanh, nợ vay ngân hàng lớn nhưng chưa thể hiện chi phí lãi vay vào thua lỗ, cho nợ tiền có nguy cơ mất. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dạng này với “giá cao” của “không cảnh báo” sẽ bị thua thiệt khi những khó khăn, thậm chí rủi ro được công khai.

Điển hình như SHN, LAF, PVX, … Đối với những cổ phiếu trong diện “cảnh báo”, vẫn có những trường hợp nhiều triển vọng với nhà đầu tư. Đó là những đơn vị vì “lỗ một ít” mà vào cảnh báo, những đơn vị ít nợ ngân hàng, vẫn có doanh thu hoạt động bình thường, không hề có rủi ro to lớn nào cả, những khó khăn lúc vào cảnh báo sẽ được khắc phục trong tương lai. Vì ở diện cảnh báo nên thị giá cổ phiếu thường rẻ, là cơ hội mua vào đối với những nhà đầu tư chấp nhận nắm giữ dài ngày, chờ hưởng lợi khi đơn vị khởi sắc.

Trở lại DHI, khi nắm giữ với giá 3,000đ hay thấp hơn, một thị giá đối với cổ phiếu thanh khoản thấp, bị cảnh báo và cấm magin. Nhà đầu tư đã gần như “không còn gì để mất” vì DHI không thể bị phá sản, nợ ngân hàng rất ít (chỉ hơn 3 tỷ đồng), vẫn hoạt động bình thường, được sự hậu thuẫn của cổ đông lớn (Nhà Xuất bản Giáo dục). DHI tuy lỗ liên tục nhiều quý nhưng không đáng kể, chỉ hơn 4 tỷ đồng; và công ty có thừa khả năng khắc phục khi Nhà Xuất Bản Giáo dục điều chỉnh giá gia công in ấn. Mặt khác, đơn vị có khối lượng tài sản lớn cách biệt với giá trị sổ sách. Vì thế, những nhà đầu tư DHI giá rẻ đã hưởng lợi khi DHI được nhìn nhận lại rõ ràng hơn.

Diễn biến thời gian qua và sắp tới của DHI, nhất là thông tin về khối lượng thực mua của Nhà Xuất Bản Giáo dục sẽ giúp thị trường và nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về hiện tượng DHI. Đây cũng sẽ là tham khảo nhỏ trên sàn đối với những nhà đầu tư chứng khoán.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   RIC lãi ròng 6 tháng gần 426 triệu đồng (22/09/2012)

>   Doanh nghiệp ngành điện “thắng” lớn (24/09/2012)

>   Ông Trầm Bê: Sacombank lãi trước thuế 8 tháng đạt hơn 60% kế hoạch (21/09/2012)

>   Chuyện yếu kém của ban kiểm soát (21/09/2012)

>   Đường Sóc Trăng chia cổ tức 30% tiền mặt (22/09/2012)

>   TDH giải trình chậm nộp BCTC HN SX 6 tháng 2012 (21/09/2012)

>   HAG bị phạt 55 triệu đồng trong lĩnh vực môi trường (21/09/2012)

>   BVG: Lỗ 19 tỷ đồng 6 tháng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn (21/09/2012)

>   MCL: Báo cáo quản trị bán niên 2012 (21/09/2012)

>   SFN: Lãi 3.5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (21/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật