Doanh nghiệp ngành điện “thắng” lớn
Thống kê cho thấy, 13/13 doanh nghiệp ngành điện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều có lãi. Hơn phân nửa số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 100% trong 6 tháng đầu năm 2012.
Lợi nhuận sau thuế 6T/2012 của các doanh nghiệp ngành điện (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: Vietstock Finance
|
Có phao cứu sinh: Lãi lớn
Doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành có cùng đặc điểm là phụ thuộc rất nhiều vào giá mua bán điện ký kết với EVN. Tính đến hết tháng 6/2012, có 5 doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá bán điện cho EVN gồm BTP, NBP, DRL, SBA và TBC. Và cả 5 đơn vị đều đạt những mức tăng trưởng vượt trội, thậm chí NBP đạt lợi nhuận gấp 9 lần cùng kỳ.
Đvt: Trđ
Nguồn: Vietstock Finance
|
Cuối tháng 6 vừa qua, NBP đã thỏa thuận được hợp đồng với EVN về giá mua bán điện cho năm 2012, với giá cố định 398.74 đồng/kWh và giá biến đổi cơ sở là 646.75 đồng/kWh, đồng thời được điều chỉnh theo giá nhiên liệu than. Vì vậy công ty đã hạch toán chênh lệch giá bán của 5 tháng và giá mới của tháng 6 vào kết quả kinh doanh. Điều này đưa lợi nhuận ròng 6 tháng của NBP lên 32 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ.
Đột biến lớn về lợi nhuận còn có BTP với 76 tỷ đồng trong quý 2, gấp 10 lần cùng kỳ. Nhờ đó công ty khắc phục được mức lỗ 12 tỷ đồng trong quý 1, nâng lãi ròng 6 tháng lên hơn 56 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc tỷ trọng giá vốn trên doanh thu thuần giảm mạnh 9%, cộng thêm phí tài chính giảm hơn 32 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã điều chỉnh giá điện tạm tính của 2 quý đầu năm theo thỏa thuận với EVN ngày 18/07. Song đơn vị kiểm toán lưu ý BTP đã ghi nhận 129 tỷ đồng doanh thu chưa được xuất hóa đơn và xác nhận bởi bên mua.
TBC cũng đạt doanh thu tới 97 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, tăng 89% so với cùng kỳ do công ty đã hạch toán giá điện quý 2 cao hơn cùng kỳ và bổ sung doanh thu quý 1. Lợi nhuận ròng nhờ vậy mà tăng lên 38.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm lập báo cáo bán niên soát xét, TBC vẫn chưa ký hợp đồng chính thức với EVN.
Trường hợp của SBA, DRL cũng có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng mạnh 131% và 38% đạt 9.4 tỷ đồng và 19 tỷ đồng chủ yếu nhờ điều chỉnh giá bán điện theo mua cho Tổng CTCP Điện lực Miền Trung. Đặc biệt, DRL tăng giá bán từ 679.85 đồng/kWh cùng kỳ 2011 lên 971.23 đồng/kWh.
Không có phao cứu sinh: Vẫn lãi!
Hai doanh nghiệp điện lớn nhất trên sàn chứng khoán là PPC và VSH đến thời điểm này vẫn chưa đàm phán xong giá mua bán điện. 6 tháng đầu năm, cả doanh thu và lợi nhuận của hai đơn vị này đều sụt giảm. Cụ thể, PPC cho biết, doanh thu bán điện cho EVN chưa bao gồm khoản chênh lệch giữa thực tế giao dịch với hợp đồng đã ký, hiện hai bên vẫn đang thương thảo thống nhất. Theo đó, doanh thu thuần của PPC giảm nhẹ xuống 2,238 tỷ đồng. Ngoài ra, giá vốn chiếm đến 82% do ảnh hưởng bởi giá than nhiên liệu tăng, cộng thêm chi phí tài chính gấp hơn 3 lần cùng kỳ, và chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện (-348 tỷ đồng) khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 46%, đạt 195 tỷ đồng.
Đvt: Trđ
Nguồn: Vietstock Finance
|
Với VSH, doanh thu và lợi nhuận sau thuế bán niên 2012 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, đạt 194 tỷ và 140 tỷ đồng. Công ty cho biết, thời gian qua hầu hết các khoản chi phí đều tăng, trong khi giá bán điện cho EVN 6 tháng đầu năm chỉ được tính bằng 61% đơn giá năm 2009, cụ thể là 351 đồng/Kwh dẫn đến sự sụt giảm như trên. Đến nay, việc đàm phán giá điện với EVN đang được thực hiện, vấn đề này sẽ được giải quyết khi công ty ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Ngoài ra, còn 2 doanh nghiệp trong ngành có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ là NLC và TIC giảm lần lượt 26% và 64% khi đạt 6 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng. Trong đó, NLC giải thích nguyên do doanh thu và lợi nhuận đều giảm bởi lượng mưa thấp, chi phí tăng và nhà máy điện xuống cấp.
Ngược lại, TMP, SJD vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan mặc dù cũng chưa được đả động gì đến việc tăng giá bán điện cho EVN. Cụ thể, TMP “vượt lỗ” ngoạn mục với gần 41 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thay vì lỗ nặng hơn 50 tỷ đồng như cùng kỳ. Có được kết quả như vậy là do Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia đã huy động 2 tổ máy Nhà máy thủy điện Thác Mơ giúp tăng sản lượng. Với kết quả đạt được, công ty vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm trên 7%.
TMP hiện cũng đang đàm phán giá bán điện với EVN, doanh thu mua bán điện của công ty đang được tạm tính theo 80% đơn giá 2011. Do vậy, nhiều khả năng sau khi có được thỏa thuận chính thức giá bán điện, lợi nhuận của TMP sẽ thay đổi theo hướng tăng thêm.
Trong khi đó, SJD có doanh thu thuần 6 tháng đầu năm gấp đôi cùng kỳ với 153 tỷ đồng nhờ lưu lượng nước về hồ nhiều, sản lượng điện tăng, giúp công ty nâng mức lãi ròng lên 51 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp cũng có doanh thu, lợi nhuận tăng đáng kể so với cùng kỳ gồm HJS, RHC.
Hoàng Phương (Vietstock)
FFN
-----------------------------------------------------
Đọc thêm:
* Lệch pha lợi nhuận doanh nghiệp dược
* Cổ phiếu Than - Khoáng sản: Sắc xám lợi nhuận!
* Điểm mặt những ngành nghề lỗ nặng nhất trên sàn
* Cả trăm doanh nghiệp trên sàn đang thua lỗ
* Doanh nghiệp niêm yết đang mất hơn 6,000 tỷ đồng
* Doanh nghiệp đang thực sự “bất động” như thế nào?
* Bức tranh lãi, lỗ của doanh nghiệp qua các năm
|