Mối lo gạo “chảy máu”: Doanh nghiệp nên chủ động dự trữ
Trước thông tin cảnh báo xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong bài ““Chảy máu” gạo: Coi chừng ảnh hưởng xuất khẩu!”, số ra ngày thứ Hai, 10-9 nhiều DN, cơ quan quản lý và chuyên gia đã đồng quan điểm về vấn đề này.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhận xét: “Việc gạo sang Thái Lan thực sự là quy luật cung-cầu nhưng mối lo xuất khẩu là đáng cảnh báo. Thực trạng này cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu quản lý ngành hàng xuất khẩu, sự liên kết yếu kém giữa DN với thương lái và nông dân. Không ai có thể kiểm soát hoàn toàn việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, tốt nhất DN nên tự siết chặt vùng nguyên liệu của mình, đồng thời thỏa thuận giá cả hợp lý với nông dân, thương lái để mối quan hệ bền chặt lâu dài, không lo thiếu nguồn hàng dự trữ xuất khẩu”.
Đồng ý kiến, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nói: “Đây đúng là lời cảnh báo cho ngành xuất khẩu gạo. Kho dự trữ gạo của DN ở đồng bằng sông Cửu Long phải trữ được 4 triệu tấn gạo mới an tâm xuất khẩu, chứ trữ hơn 1,5 triệu tấn như hiện nay thì còn phải lo nhiều. Bởi lượng tồn kho này chưa đáp ứng nổi yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là phải có gạo trên 50% trong kho mới được ký hợp đồng xuất khẩu. Gạo đang ít dần vì cuối vụ nhưng vẫn chảy qua biên giới hằng ngày và không một cơ quan nào có thể quản lý nổi tình trạng gạo chảy qua Thái Lan hay Trung Quốc”.
Trả lời báo giới về vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8-2012 của Bộ Công Thương ngày 10-9, bà Phan Thị Diệu Hà, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, cũng chỉ cho biết bộ trưởng Bộ Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xem xét để có hướng xử lý đối với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Như vậy, có thể nói “thực trạng trên là hệ quả của việc DN hám lợi ép giá nông dân xuống thấp mới chịu mua gạo vào. Nếu DN không tự tìm cách giải quyết thì khi giá nông sản thế giới tăng, DN đã hết gạo để bán. Để lo hàng xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký, DN chỉ còn cách chủ động mua dự trữ chứ không ai có thể giúp” - TS Bảnh kết luận.
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|