Gian nan con đường chúng tôi đi
Dù vận hành trong điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp cho biết họ không cần sự hỗ trợ mà cần lộ trình phát triển cụ thể để doanh nghiệp ổn định, dự phòng được rủi ro. Doanh nghiệp phải cảm xúc được con đường chiến lược phát triển kinh tế, theo đó chọn con đường mình đi và hoạch định dài hạn.
Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc công ty gạo Vinh Phú (TP.HCM) kể, gia đình ông làm nghề chế biến gạo từ trước giải phóng, quy mô ngày càng mở rộng nhưng phương thức kinh doanh không có gì thay đổi. Nghĩa là, những doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có nhà máy xay xát, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 100.000 tấn gạo nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN). DNNN có đơn hàng xuất khẩu, đặt nhà máy tư nhân gia công thì lúc đó ông mới có việc làm. Nhà máy của gia đình ông Duy tại Kiên Giang thuộc loại nhà máy lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, được đầu tư 3 triệu USD từ nguồn tích luỹ hơn 30 năm cùng vốn vay ngân hàng. Có đến hàng ngàn nhà máy tư nhân khác trong vùng đang gia công gạo cho DNNN xuất khẩu như vậy.
Làm thương hiệu cho ai?
DNTN không đủ vốn, khó được vay tín chấp còn DNNN có thể vay thế chấp bằng tín dụng thư (L/C). Cơ chế thu mua tạm trữ hàng năm dành hàng chục ngàn tỉ đồng lãi suất 0% cho DNNN, trong khi họ không bao giờ thu mua lúa trực tiếp từ nông dân. Cũng chỉ các tập đoàn nhà nước mới được trực tiếp ký hợp đồng tập trung cấp Chính phủ, sau đó thương thảo phân chia lại cho các DNTN mà lượng gạo xuất khẩu tập trung hàng năm chiếm đến 60 – 70%, DNTN chỉ được ký số ít gạo cao cấp, gạo thơm, tấm… “Cuộc chơi phụ thuộc vào DNNN, các nhà máy dù có tiềm lực cũng không thể tự làm, cơ chế như vậy dễ nảy sinh các quan hệ kinh doanh không minh bạch”, ông Duy khẳng định.
Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, nói rằng ngành công nghệ điện toán phát triển thần kỳ đã tạo cơ hội cho những DNTN như Thép Việt đổi mới công nghệ và rút ngắn khoảng cách với đối thủ. Một nhà máy thép ngày nay sử dụng số nhân công chỉ bằng 1/3 so với nhà máy có cùng công suất cách nay 15 năm. Các doanh nghiệp công nghiệp nặng Việt Nam có nhiều cơ hội để thay đổi hơn bất cứ lúc nào, “Nhưng chúng tôi vẫn lo ngại mình có giữ được miếng bánh thị trường nội địa hay không chứ chưa nói vươn ra nước ngoài khi phải chịu sức ép lớn từ hàng Trung Quốc với nhiều thương hiệu nổi tiếng và rất mạnh”, ông Thái nói.
Là DNTN có quy mô sản xuất thép lớn nhất nước hiện nay (2 triệu tấn/năm) nhưng ông Thái cho biết phải loay hoay trong ý niệm đúng về một ngành công nghiệp nặng. Để đạt được quy mô cần thiết như hiện nay, doanh nghiệp ông đã mất tới 15 năm. Nhiều lúc lo toan không biết chính sách phát triển kinh tế có coi khu vực tư nhân là mục tiêu chính hay không, có nâng cao vai trò của đầu tư trong nước hay không. “Tôi đầu tư nhà máy công suất 1,5 triệu tấn nhưng không thể nào kiếm được hai khu đất cạnh nhau, nhưng một doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần công bố vốn đầu tư hàng tỉ đôla là được cấp nhiều chục hécta. Việc chuyển giá, khai vốn đầu tư cao, mất nguồn thu thuế đang diễn ra; tình trạng nhà xưởng thì nhiều nhưng hạ tầng không có bởi ngân sách đâu để đầu tư?”
Theo ông Thái, chính sách phải tạo ra được mấu chốt phát triển, trên con đường đó doanh nghiệp dù gặp thuận lợi hay khó khăn nhưng vẫn biết được đích đến. Doanh nghiệp cũng không cần sự hỗ trợ hay bảo hộ nội địa mà cần môi trường công bằng để cạnh tranh và phát triển trước khi lớn mạnh để ra thị trường toàn cầu. Nếu chỉ cạnh tranh nội địa thì như “gà què ăn quẩn cối xay”, mà muốn có thương hiệu quốc tế thì phải cọ xát từ thị trường nội địa, nếu không đủ năng lực thì mất cả hai thị trường. Một doanh nghiệp gầy dựng thương hiệu, ổn định sản xuất mất mấy chục năm thăng trầm, trong khi một tổ chức tài chính trong thời gian ngắn có thể nắm đến 50% cổ phần công ty. “Chỉ có chính sách mới tạo ra hành lang để doanh nghiệp phát triển, khi có doanh nghiệp tốt các tổ chức tài chính ắt đổ tiền vào” – ông Thái nói – “Nhưng một doanh nghiệp làm sao phát triển tốt khi mà ngủ một đêm dậy không biết ngày mai chính sách có gì thay đổi, điện, xăng, thực phẩm có tăng giá… dù có thích ứng mấy cũng khó mà chịu đựng nổi”.
Ông Duy phân tích, nếu môi trường kinh doanh lúa gạo theo cơ chế đảm bảo an ninh lương thực quốc gia như vậy, thì DNNN cũng phải thể hiện vai trò dẫn dắt thực sự. Việc xuất khẩu không theo cơ chế thị trường khiến DNTN rất khó lường định, nhiều doanh nghiệp tìm phân khúc riêng làm gạo thương hiệu để tránh “đụng” thị trường DNNN. Khó khăn là người dân quen mua gạo ký ở cửa hàng tạp hoá, vì thế doanh nghiệp đổ tiền làm gạo an toàn, có truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được coi trọng. “Để thiết lập thị trường tiêu dùng chuyên nghiệp cần thật nhiều tiền “chạy” các chương trình truyền thông đến dân chúng, nhưng DNNN đủ tiềm lực thì họ không quan tâm vì lợi nhuận xuất khẩu cao hơn. Nếu họ đổ tiền ra làm bài bản thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi mới có cơ hội “đu” theo, còn bây giờ quá hoang sơ, chỉ tâm huyết của một vài DNTN thì không làm nổi”.
Nghĩ về quy mô
Việt Nam đã có chiến lược phát triển cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng từ 20 – 30 năm trước như điện tử, ô tô, công nghệ thông tin… nhưng đến nay các chiến lược này hầu như thất bại. Doanh nghiệp phải xoay trở liên tục trong những biến động từ bên trong lẫn bên ngoài. Khủng hoảng kéo dài không chỉ làm nhiều doanh nghiệp phá sản, đình trệ sản xuất mà còn làm giảm sút niềm tin và “chùn chân” trước các kế hoạch tương lai.
Doanh nghiệp tư nhân Tường Minh (TMA Solutions) sau 15 năm phát triển với đội ngũ gần 1.200 kỹ sư, trở thành một trong những doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Nguyễn Hữu Lệ cho biết giai đoạn đầu ông đề ra mục tiêu có đội ngũ quy mô lớn để có thể trở thành đối tác của các tập đoàn công nghệ toàn cầu, bây giờ tên TMA đã được nhiều đối tác biết đến thì ông Lệ cho biết “sẽ giữ quy mô trên dưới 1.000 nhân sự”.
Một đội dự án chừng 30 kỹ sư nếu có trục trặc sẽ sắp xếp linh hoạt hơn 300 người, chưa kể các yếu tố về quản trị, chi phí. Cũng như nhiều ngành khác, doanh nghiệp IT phải phát triển trong môi trường nhiều cơ chế lạc hậu vẫn tồn tại như 5 – 10 năm trước. “Quy mô càng lớn rủi ro càng cao, nếu rủi ro chính chủ doanh nghiệp và người lao động chịu thiệt hại trước, vì thế bây giờ chúng tôi ưu tiên quan tâm đến cấu trúc năng suất và chất lượng thay vì trước đây chú trọng cả việc phát triển quy mô”, TS Lệ cho biết.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ hơn 15 năm gầy dựng nên quy mô 1.200 nhân viên hiện nay, nếu nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ nâng quy mô lên 2.000 người. Nhưng ông Cao Tiến Vị, chủ tịch công ty Giấy Sài Gòn, tâm sự: “Lúc còn trẻ tôi khát vọng về thương hiệu, về phát triển công ty chuyên nghiệp; bây giờ vào tuổi đã chín với nhiều trải nghiệm cả thành công lẫn thất bại, nhưng mình thấy sợ và cô độc bởi nhiều thứ bất cập mình không chống chọi được. Chính sách thay đổi liên tục đã làm mất đi bao nhiêu cơ hội của doanh nghiệp, mà quan trọng nhất là niềm tin”.
“Doanh nghiệp xây dựng cật lực 10 – 20 năm không bằng bán đi một lần, nếu chọn cách để lại thì liệu có hành lang an toàn để phát triển? Chỉ cần làm ăn thua lỗ trả lãi không nổi là dễ dàng phá hết cơ đồ gầy dựng bao nhiêu năm trong phút chốc. Xông pha trận mạc mà nơm nớp nếu mình phạm một sai lầm nhỏ, từ anh hùng có thể trở thành tội đồ bất cứ lúc nào”, ông Vị trăn trở. Theo ông Vị, mỗi doanh nghiệp vẫn còn không gian phát triển, còn không gian để cải tiến sáng tạo nhưng quan trọng nhất là niềm tin. Khi niềm tin bị bào mòn, doanh nghiệp buộc phải chọn giải pháp an toàn, dẹp bỏ, thu hẹp hay bán cho công ty nước ngoài, thay vì phải một mình gánh lấy rủi ro mà chính bản thân họ không kiểm soát được.
Tuyết Ân – Hoàng Bảy
Doanh nghiệp tư nhân: mới phát triển chiều rộng
Trong vòng mười năm thực hiện luật Doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã gấp 8,5 lần tổng số doanh nghiệp được thành lập trong mười năm thực hiện luật Công ty và luật Doanh nghiệp tư nhân (từ 1991 – 1999).
Chỉ số suất đầu tư cũng cho thấy trong khi DNNN cần 436,5 triệu đồng vốn chủ sở hữu để tạo ra một chỗ làm (năm 2008) thì doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài chỉ cần 249,4 triệu đồng để tạo một việc làm, và doanh nghiệp tư nhân chỉ cần đầu tư một gần nửa giá trị, tức 224,1 triệu đồng/việc làm.
Trong ba năm từ 31.12.2006 – 31.12.2008, số lao động làm việc trong khu vực DNNN giảm từ 1.899.937 xuống 1.634.500 thì số lao động làm việc cho khu vực tư nhân lại tăng từ 3.369.855 lên 4.690.857 (tổng cục Thống kê, 2010).
Kiến nghị chính sách:
– Duy trì chính sách khuyến khích phát triển theo chiều rộng, đồng thời bổ sung những chính sách khuyến khích phát triển theo chiều sâu.
– Chính phủ đóng vai trò hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, định hướng cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
– Khuyến khích quá trình tích luỹ vốn và hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn.
– Chính sách phát triển công nghiệp và các chương trình nâng cao năng lực quốc gia cần được dựa trên nền tảng là phát triển các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
(Báo cáo rà soát chính sách phát triển kinh tế tư nhân 2010 – CIEM)
|
Sài gòn tiếp thị
|