Thứ Sáu, 31/08/2012 09:42

Giáo sư Robert Hisrich

Có cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước và thị trường sẽ thay đổi

“Tôi không nghĩ rằng có một hình mẫu đúng nào mà tôi đã được chứng kiến, cũng như trong các công ty mà tôi tham gia. Có lẽ khi đánh giá, xem xét về kinh tế, điều quan trọng nhất mà chính quyền cần suy nghĩ là làm sao tạo lập môi trường kinh doanh và nền kinh tế có sức cạnh tranh”.

Tiến sĩ Robert Hisrich là giáo sư lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh toàn cầu kiêm giám đốc trung tâm Khởi nghiệp kinh doanh toàn cầu Walker (đại học chuyên ngành quản lý toàn cầu Thunderbird, Hoa Kỳ), đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Ông cho rằng, để hình thành tinh thần khởi nghiệp, có rất nhiều con đường đi khác nhau mà mỗi quốc gia đã trải qua.

Thể chế thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Xin giáo sư cho biết đâu là các yếu tố cần thiết để phát triển kinh doanh?

Về tổng thể, tôi nghĩ rằng ở một quốc gia càng cạnh tranh nhiều thì kết quả sẽ tốt hơn. Khi doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động trong môi trường cạnh tranh, họ phải hoạt động có hiệu quả, thể hiện qua việc cung cấp giá trị cho khách hàng, bất kể đó là loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) hay doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Để làm được như vậy, cần thiết lập môi trường pháp lý để thúc đẩy kinh doanh. Đặc biệt cần có hệ thống tài chính mạnh để đồng vốn có thể lưu thông thuận tiện từ vùng này sang vùng khác và không quá khó khi chuyển ra bên ngoài, bởi đây là giai đoạn hội nhập kinh tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông tốt như hệ thống đường, cảng. Cuối cùng là mức độ thuận lợi khi thành lập doanh nghiệp và khi vận hành doanh nghiệp, một mấu chốt ngân hàng Thế giới căn cứ để xếp hạng quốc gia. Đó là những gì mà chính quyền nên tập trung để công dân có thể sáng tạo trong kinh doanh.

Giáo sư đã đề cập đến môi trường kinh doanh, vậy ông nghĩ như thế nào về vai trò quan trọng của các định chế?

Một trong những định chế quan trọng nhất, theo tôi, là tài chính. Một quốc gia phải tạo lập được hệ thống tài chính để đồng tiền có thể chuyển đổi, vận hành an toàn và có hiệu quả. Một hệ thống như vậy bao gồm ngân hàng thương mại, lưu chuyển tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, phải được xây dựng và vận hành một cách minh bạch, công khai và trung thực. Trong đó, thông tin thị trường mà các tác nhân tham gia thị trường có được phải chính xác. Đặc biệt, ngân hàng thương mại phải cung cấp vốn với lãi suất chấp nhận được, bởi nền kinh tế và doanh nghiệp đều mong muốn điều đó.

Khi đề cập đến hệ thống tài chính, ông nhấn mạnh về sự minh bạch, công khai và trung thực. Ông nghĩ gì khi báo chí phương Tây đề cập đến hệ thống tài chính “ngầm” ở Trung Quốc?

Có nhiều mô hình mà chính quyền các nước sử dụng để thiết lập hệ thống ngân hàng. Ở Mỹ là quỹ Dự trữ Liên bang, một định chế tài chính tin cậy điều hành lãi suất mà từ đó, các ngân hàng thương mại đưa ra mức lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tôi nghĩ, một trong những khả năng mà hệ thống tài chính Mỹ có lợi thế hơn các nước là khả năng lưu chuyển tiền tệ. Tác nhân tham gia thị trường hiểu về dòng tiền, cách thức điều phối và đầu tư. Điều quan trọng hơn là phải làm sao để mọi người tin tưởng vào hệ thống. Muốn vậy, mọi người phải nhận được báo cáo chính xác rằng hệ thống đang vận hành thế nào. Bất kỳ lúc nào tôi nhận được số liệu hoạt động của một doanh nghiệp hay một báo cáo của ngân hàng, tôi biết rằng thông tin nhận được là đúng và chính xác. Nhà nước cũng phải có vai trò để giới kinh doanh và người tiêu dùng biết được thông tin họ nhận đúng là như vậy.

Ông bình luận gì về vụ tai tiếng liên quan đến thao túng lãi suất Libor trên thị trường London có liên quan đến một định chế tài chính tên tuổi như Standard Chartered?

Trong nền kinh tế thị trường, thị trường phải giữ vai trò quyết định, chẳng hạn như lãi suất Libor, tỷ giá… Khi lãi suất thị trường như Libor bị làm lệch, thị trường tất bị méo mó, không đủ điều kiện để vận hành theo đúng quy luật thị trường. Tôi mong muốn có thị trường tự do, không có sự can thiệp. Mô hình quỹ Dự trữ Liên bang của Mỹ có một mức độ độc lập nhất định từ chính quyền, và quá trình ra quyết định của Fed dựa trên các tín hiệu thị trường, cũng như cách họ đánh giá về tình hình kinh tế.

Có cạnh tranh, có thay đổi

Là giáo sư giảng dạy và tư vấn ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tập trung sang cơ chế thị trường như Slovenia, Nga, Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại đó?

Hãy thuần tuý nhìn nhận doanh nghiệp quốc doanh ở góc độ kinh tế. Tôi cho rằng dưới áp lực cạnh tranh và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, doanh nghiệp quốc doanh cũng phải thay đổi, hướng về thị trường hơn và cạnh tranh hơn. Khu vực này cần tập trung trong thay đổi quản trị, phương thức hoạt động và họ phải hướng đối tượng tới người dùng hơn. Bất kể doanh nghiệp lớn như Intel hay nhỏ, tất cả đều phải thoả mãn được nhu cầu khách hàng. Nếu có một doanh nghiệp nhà nước nào đó không đáp ứng được điều này, hãy để cơ chế thị trường thúc đẩy cạnh tranh và thị trường sẽ làm thay đổi.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra hiệu ứng chèn lấn (crowded-effect) khi khối doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi hơn về tiếp cận vốn, thông tin so với doanh nghiệp khác. Ông nghĩ thế nào về giải pháp giảm bớt tác động tiêu cực của hiệu ứng này?

GS.TS Robert Hisrich là chuyên gia lừng danh đồng thời là tác giả nhiều công trình xuất bản về khởi nghiệp kinh doanh. Bản thân GS.TS Hisrich cũng là một doanh nhân khởi nghiệp, từng cộng tác thành lập trên một tá công ty, trong đó có công ty tư vấn về quản lý và tiếp thị H&B Associates.

Ông là tác giả và đồng tác giả của 26 cuốn sách về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, cũng như hơn 350 bài viết về quản trị, khởi nghiệp trên các tạp chí nghiên cứu hàng đầu của thế giới. Ông nhận học vị cử nhân từ trường đại học DePauw, học vị thạc sĩ và tiến sĩ từ trường đại học Cincinnati, hai học vị tiến sĩ danh dự từ trường đại học bang Chuvash (Nga) và đại học Miskole (Hungary).

Khi thiết lập thị trường, hạ tầng và cơ chế vận hành nó bảo đảm tính mở, thông tin minh bạch, công khai và chính xác, tất cả đều cùng thắng. Không thể có kết quả tốt nhất, có giá cạnh tranh thông qua việc kiểm soát giá cả. Với tôi, nếu có một thị trường cạnh tranh thật sự, hiệu quả cao nhất mới đạt được. Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải lo lắng khi mở cửa thị trường và một thị trường đủ lớn như Việt Nam, có đủ cơ hội cho mọi doanh nghiệp cả quốc doanh hay ngoài quốc doanh.

Với các nền kinh tế đang chuyển đổi, trong giai đoạn đầu, dường như doanh nghiệp chú ý đến lợi nhuận trước mắt. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Thường ở nền kinh tế đang chuyển đổi, điều đầu tiên doanh nghiệp nghĩ tới là lợi nhuận. Đây là một hệ quả của quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, khi thị trường trưởng thành và ổn định, thể chế hoàn thiện, mọi người sẽ nhận ra doanh nghiệp phải có định hướng phát triển lâu dài, bền vững. Nếu tôi xây dựng được một nhóm doanh nghiệp cùng chung chí hướng, tôi đối xử công bằng, trung thực và sẵn sàng chia sẻ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước, tôi sẽ phát triển theo định hướng bền vững. Tôi nghĩ con đường duy nhất để đạt được điều đó là thông qua giáo dục và đào tạo. Năm 1992, tôi tham gia trường kinh doanh Leningrad ở Moscow, học viên khoá đầu thường hỏi: Làm sao tôi có thể đạt được lợi nhuận trước mắt? Chúng tôi có nhiệm vụ phải đào tạo họ suy nghĩ về phát triển bền vững bằng cách đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung cũng như tạo ra doanh thu và lợi nhuận.

Ông có cho rằng văn hoá có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn?

Tôi nghĩ là có, nhưng không nhất thiết phải đi sâu nhìn nhận về ảnh hưởng của nó. Về cơ bản, khi kinh doanh, dù là doanh nghiệp tư doanh hay doanh nghiệp quốc doanh cũng phải có tư duy thị trường và phải suy tính về hiệu quả hoạt động lâu dài. Dù hiện tại doanh nghiệp phải xoay trở để tồn tại trong ngắn hạn, nhưng họ vẫn phải có kế hoạch dài hạn và dần dần, qua đào tạo và giáo dục, tư duy dài hạn sẽ thắng thế.

Quốc Khánh (thực hiện)

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp gian lận bằng 'hai sổ sách' (31/08/2012)

>   Làm rõ sai phạm tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (31/08/2012)

>   Chia nhỏ Petrolimex để phá thế chi phối giá? (31/08/2012)

>   Hàng bình ổn chiếm 15%-20% doanh thu của DN (31/08/2012)

>   Kiêng 'tháng cô hồn', kinh doanh ngưng trệ (31/08/2012)

>   Mía nguyên liệu nhập từ Campuchia được miễn thuế (30/08/2012)

>   Xuất khẩu nông sản: Lượng tăng nhiều, giá trị tăng ít (30/08/2012)

>   Phúc thẩm vụ Vinashin: Tuyên giữ nguyên toàn bộ mức án (30/08/2012)

>   Trung Nguyên sắp đầu tư 80 triệu USD để mở rộng hoạt động (30/08/2012)

>   Doanh nghiệp cảng biển tự “dìm” nhau (30/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật