Thứ Sáu, 21/09/2012 13:33

CTCK: Vì sao chết mà chưa chôn?

Thị trường chứng khoán đang trong công cuộc tái cấu trúc mà trọng tâm của nó là việc tái cấu trúc các CTCK. Không ai ngờ rằng làn sóng lập CTCK ồ ạt trước năm 2009 - vốn được đánh giá là tín hiệu tích cực của thị trường - lại mang đến cho chính các nhà quản lý bài toán nan giải vào thời điểm này đến như vậy.

 

Giảm CTCK, không chỉ là định hướng nữa mà đã là biện pháp cấp bách cần thiết để làm trong sạch thị trường. Thực tế chỉ ra, những bê bối, lộn xộn liên quan đến quyền lợi NĐT phần lớn đến từ các CTCK nhỏ không có tên tuổi. Ở một thị trường còn nhỏ bé và thanh khoản kém như Việt Nam, trong 105 CTCK tồn tại thì top 10 thị phần môi giới đã chiếm trên 50%, miếng bánh còn lại là quá nhỏ. Các CTCK khác đều phải luồn lách mới mong tồn tại được, nhất là vào thời kỳ khó khăn như năm 2010 và 2011 vừa qua.

Nhưng sức người có hạn. Luồn lách mãi cũng không thể che giấu được sự yếu kém bên trong. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều bùng nhùng trong khối các CTCK tiếp tục được báo chí phơi bày: 4 công ty bị rút nghiệp vụ môi giới,nhiều nhân sự cấp cao phải tra tay vào còng số 8… Đây thực ra chỉ là phần tiếp nối câu chuyện về mất khả năng thanh toán, lách luật cấp margin trá hình, thua lỗ âm vào vốn chủ…vv của năm 2011.

Ngày 26/7, UBCKNN đã ký quyết định rút nghiệp vụ môi giới của 3 CTCK là Trường Sơn, Chứng khoán Hà Nội và Chứng khoán Đông Dương. 3 công ty này đã xin phép được rút nghiệp vụ môi giới từ đầu năm cùng với CTCK Gia Anh. Ngày 1/8, hai Sở GDCK Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chấm dứt tư cách thành viên của Chứng khoán Đông Dương và Chứng khoán Hà Nội.

Ngày 2/8, UBCKNN cũng quyết định rút nghiệp vụ môi giới của CTCK SME. Ngày 5/9, 2 Sở cũng có thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên của SME.

Mới đây nhất , sau hơn 1 tuần triển khai thanh toán T+3, Golden Bridge và CTCK Tràng An(TAS) bị VSD đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, thanh toán bù trừ giao dịch. Ngày 11/9, TAS còn bị HOSE đình chỉ hoạt động giao dịch do tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán, không hoàn trả tiền vay Quỹ hỗ trợ thanh toán theo quy định.

Báo chí đã có bài tận mục sở thị tình hình của một số CTCK kể trên đây. Và kết quả ra sao? Trụ sở trôi dạt, không biển hiệu, điện thoại không liên lạc, website không truy cập được...vv

Trong bối cảnh khốn cùng ấy, người viết vẫn xin gửi lời “khâm phục” trước sức chịu đựng, độ “gan lỳ” của các CTCK này.

Vì sao?

Khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể từ năm 2011 đến nay; thì khối các CTCK, dù chịu nhiều vùi dập của thị trường, vẫn chưa có anh nào… chết! 105 CTCK tồn tại từ 2009 thì đến nay vẫn đủ quân số, chưa ai bị phá sản hay xin giải thể. Cho dù thực tế, một số có thể đã “chết” thật, đặc biệt là số CTCK bị rút môi giới. Nhưng về mặt pháp lý, nó vẫn tồn tại, tư cách pháp nhân vẫn được pháp luật thừa nhận… Tức là, chết mà chưa được… chôn!

Có uẩn khúc nào đứng đằng sau?

Liệu có phải vì việc giải thể, phá sản một CTCK là chưa có tiền lệ, thủ tục phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều người, đặc biệt là lợi ích của NĐT… nên các ông chủ muốn giải quyết xong trước khi nộp đơn? Lý do này có lẽ không thuyết phục vì các ông chủ nếu có tinh thần “một người vì mọi người” như vậy thì đã không đưa đẩy công ty đến tình cảnh này; chưa kế, nghĩa vụ về tài sản của các ông chủ chỉ giới hạn trong phần vốn góp. Số vốn ấy nhằm nhò gì so với khoản nợ phải trả của công ty!

Câu trả lời chỉ có thể là có lợi ích nào đó chi phối để dẫn đến tình cảnh tréo ngoe này!

Phao cứu sinh lại là… giấy khai sinh!?.

Từ 15/8, Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó có quy định về điều kiện thành lập của CTCK 100% vốn ngoại, theo đúng như cam kết của Việt Nam mở cửa thị trường tài chính khi gia nhập WTO năm 2007. Trước ngày 15, thị trường đã trông chờ một làn sóng lập mới các CTCK vốn ngoại 100% như một làn gió mới trong bối cảnh ảm đạm của các CTCK trong nước. Nhưng đến hôm nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến ý định lập mới hay nâng tỷ lệ sở hữu tại các CTCK nội địa lên 100% của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài.

Việc lập mới CTCK 100% vốn ngoại gặp khó khăn không phải vì những rào cản của thị trường hiện nay như vốn hóa thấp, thanh khoản kém, số lượng CTCK đã nhiều… mà vì những rào cản pháp lý liên quan. Cơ quan quản lý đang có chủ trương giảm bớt số lượng CTCK, nên việc xin lập mới khác nào… bắc thang lên trời? Chưa kể nếu được đồng ý về mặt chủ trương thì việc đáp ứng các điều kiện thành lập, hoàn tất thủ tục… cũng phải mất hàng năm trời.

Trong bối cảnh đó, phương án mua đứt một CTCK trong nước, hoặc nếu đang sở hữu tối đa 49% cổ phần thì nâng tỷ lệ lên 100% có vẻ là khả thi hơn. Các chuyên gia cũng dự đoán đây sẽ là con đường xuất hiện CTCK vốn ngoại 100% đầu tiên ở Việt Nam.

Đó cũng là phương án mà một số CTCK tính tới.

Công ty của họ có thể chỉ là cái xác không hồn, không biển hiệu, không điện thoại, không website, không hoạt động… nhưng nó vẫn có giá trị. Giá trị ấy, nực cười thay, không phải là tài sản do họ tạo ra trong quá trình hoạt động, mà lại là tờ giấy cơ quan quản lý trao cho họ vài năm về trước: giấy phép thành lập!

Và chắc hẳn người ta đã định giá tờ giấy khai sinh ấy lên đến triệu đô, thì mới sẵn sàng đánh đổi hàng năm trời sống dở chết dở để mong chờ nó… khai sinh ra công ty một lần nữa.

Nghịch lý thị trường là ở đây, khi mà chết không chôn được. Cơ quan quản lý hẳn cũng biết điều này, nhưng rõ ràng với những gì có trong tay, họ không thể bắt ép các CTCK này phải giải thể, phá sản. Vì vậy, giảm số lượng CTCK sẽ còn mất một thời gian khá dài và như là một nhiệm vụ bất khả thi.

Sự tồn tại của các CTCK này khiến cơ quan quản lý, nên chăng cần xác định lại vấn đề cần giải quyết. Không phải chúng ta đang có số lượng CTCK quá nhiều, mà là chúng ta có quá nhiều thành viên giao dịch của hai Sở. “Đấu giá chỗ ngồi” như cách mà thị trường Mỹ đang áp dụng có thể nhanh chóng giải quyết tình hình. Một số CTCK sẽ có chân trong hai Sở, còn các CTCK khác hoạt động như một doanh nghiệp sân sau, hỗ trợ cho thị trường. Đây có lẽ là biện pháp nhanh chóng chấm dứt nghịch lý tréo ngoe “chết không chôn được” trên TTCK Việt Nam.

Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   VNC: Lãi hợp nhất 11.83 tỷ đồng trong 6 tháng (21/09/2012)

>   CCM: Lãi ròng 5.67 tỷ đồng trong 6 tháng (21/09/2012)

>   CCM: Báo cáo tài chính bán niên 2012 công ty mẹ (21/09/2012)

>   Tòa án buộc DRC thanh toán 3.5 tỷ đồng cho Incon (21/09/2012)

>   QCG: Nghịch lý giải trình khoản vay của con Chủ tịch (21/09/2012)

>   VFG chuyển Công ty VFC Cambo thành chi nhánh (21/09/2012)

>   SAM chấm dứt hoạt động chi nhánh Hà Nội (21/09/2012)

>   HBS: Dấu hỏi về trích lập dự phòng OTC (21/09/2012)

>   TKU: 6 tháng lỗ 17 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối âm 30 tỷ (23/09/2012)

>   Miền đất hứa của Vinamilk và Vinasoy (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật