Cổ phiếu vận tải biển: Ba chìm, bảy nổi...
Cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp vận tải biển hiện đang có giá rẻ nhất trên thị trường. Nhưng tiền nào của đó, không phải vô cớ mà thị trường lại định giá nhóm CP này một cách rẻ mạt như vậy.
Liều cũng không ham
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, ngày 7/9, VST (Vitranschart) có giá 3.000 đồng/CP, VOS (Vosco) giá 2.800 đồng/CP, giá của DDM (Hàng hải Đông Đô) chỉ là 2.100 đồng/CP... Đi cùng với sự rẻ mạt là tính thanh khoản bị đẩy xuống mức rất thấp, tổng khối lượng giao dịch của VNA (Vinaship) trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 9 chỉ khoảng 42.500 CP, tương đương với giá trị giao dịch hơn 130 triệu đồng trong khi khối lượng CP lưu hành của VNA lên đến 20 triệu CP, còn giá trị vốn hóa cũng đạt hơn 60 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là ngày 6/9, VOS tăng kịch trần từ 2.800 đồng/CP lên 2.900 đồng/CP nhưng khối lượng giao dịch chỉ có hơn 32.000 CP, tương ứng 90 triệu đồng, trong khi VOS có vốn điều lệ lên đến 1.400 tỷ đồng, tương đương với khối lượng CP là 140 triệu.
Trên thị trường vẫn có một số ít nhà đầu tư “chơi liều” bằng cách mua vào những mã rẻ mạt kiểu như VKP (Nhựa Tân Hóa), SME (Chứng khoán SME)... nhưng cũng ít khi nào CP vận tải biển được chọn lựa.
Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho thanh khoản của CP vận tải biển trở nên kém cỏi hơn bao giờ hết. Chỉ có giá 2.000 - 3.000 đồng nên những CP này thì chỉ cần tăng 100 đồng là đã trở thành kịch trần và tương ứng là giảm sàn chứ không có chuyện tăng/giảm nhẹ. Nhưng cũng chẳng ai biết và cũng không mấy ai muốn tìm hiểu lý do vì sao dẫn đến sự tăng/giảm.
“Lỗ” và “nợ”
Hai từ trên đây mặc dù ít ỏi nhưng lại có thể nói lên thực trạng của nhóm CP vận tải biển một cách đầy đủ nhất. Cuối tháng 8, còn 1 tháng nữa mới kết thúc quý III, nhưng VST đã dự kiến được sẽ... lỗ 46 tỷ đồng, đẩy tổng thua lỗ trong 9 tháng đầu năm lên hơn 83 tỷ đồng.
Quý II năm ngoái, VOS còn lãi được 3,7 tỷ đồng thì năm nay đã lỗ hơn 43 tỷ đồng. Tính đến quý II vừa rồi thì VSG (Viconship Saigon) đã lỗ 12 quý và tình trạng “lỗ, lỗ nữa” của doanh nghiệp này nói riêng và các doanh nghiệp này nếu có kéo dài thêm cũng không có gì bất ngờ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét của VOS thì công ty đang vay ngắn hạn ngân hàng hơn 135 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn hơn 3.000 tỷ đồng. Nợ vay của VOS tính đến giữa năm nay đã gấp hơn hai lần so với vốn điều lệ. Một điểm đáng chú ý nữa là nhiều khoản vay bằng ngoại tệ và như vậy công ty còn phải chịu thêm rủi ro về biến động tỷ giá.
VST đưa ra kế hoạch bán tiếp tàu VTC Light và Viễn Đông 3 để giảm bớt áp lực tài chính. Nhưng khi mà cả ngành đang gặp khó khăn thì ai sẽ mua tàu? Nếu có người mua thì chắc chắn giá sẽ rất rẻ mạt, và nhiều nhà đầu tư đã ví von động thái này không khác gì người bệnh đi bán máu, bán hết tàu, cũng như hết máu thì lấy gì để sống? Năm ngoái, DDM cũng đã tiến hành bán một số tài sản của mình nhưng rồi mọi việc cũng chẳng khá khẩm hơn.
Dấu hỏi về giá trị tài sản
VNA có giá trị sổ sách lên đến... 15.000 đồng/CP, gấp gần... năm lần so với mức giá hơn 3.000 đồng/CP của VNA. Hay nói cách khác, thị giá của VNA chỉ bằng... 20% so với giá trị sổ sách nhưng chưa hẳn là bỏ ra 3.000 đồng mua CP VNA mà đã được hưởng 15.000 đồng/CP. Lý do đầu tiên, rất đơn giản, nếu giả thiết này có khả năng trở thành sự thật thì đã... được thực hiện từ lâu lắm rồi. Giá trị vốn hóa của VNA giờ chỉ còn hơn 60 tỷ đồng, không phải là mức giá cao nếu có tiềm năng.
Lý do thứ hai, theo báo cáo tài chính 6 tháng đã được soát xét của VNA, tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty có giá trị khoảng 1.350 tỷ đồng, nhưng công ty cũng nợ ngân hàng hơn 800 tỷ đồng. Như vậy cũng có nghĩa là gần 60% tổng tài sản của VNA được hình thành từ nợ vay.
Nhưng giả sử nếu thanh lý toàn bồ tài sản của công ty thì liệu có thu về được 1.350 tỷ đồng như trên sổ sách hay không? Hay nói cách khác, nợ thì đúng là nợ thật và được xác định nhưng giá trị tài sản bao nhiêu phần thật bao nhiêu phần ảo thì không dễ gì xác định một cách chính xác nhất vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến của ngành, cách định giá tài sản...
Giá trị vốn hóa của VOS, một trong những công ty vận tải biển lớn nhất trong ngành, giờ chỉ còn khoảng 380 - 400 tỷ đồng, mua 50% vốn chỉ phải bỏ ra 190 - 200 tỷ đồng, chưa đến 10 triệu USD. Nhưng quỹ đầu tư, hay “đại gia” nào dám bỏ ra số tiền đó để “rước” hàng ngàn tỷ đồng, quy ra hàng trăm triệu USD nợ vay?
Trường hợp thời gian tới, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực hơn, thì ngành này nói chung và CP của ngành này đang niêm yết trên sàn nói riêng cũng chưa chắc cải thiện ngay. Bởi lẽ gánh nặng nợ vay, không dễ gì để xử lý trong một sớm một chiều. Một ngành rơi vào trạng thái khó khăn cũng có thể là “đáy” về giá trị của tài sản, công ty trong ngành đó và khả năng thu hút dòng tiền trở lại không phải là không có. Nhưng vấn đề của ngành vận tải biển hiện nay là mua doanh nghiệp trong ngành thì khả năng phải “gánh” luôn cả “cục nợ” lớn là rất cao trong khi khả năng sinh lãi và đặc biệt là giá trị tài sản lại vô cùng mịt mờ.
Hà Linh
doanh nhân sài gòn
|