Thứ Sáu, 28/09/2012 15:36

Có một kiểu bắt tay “xé nát” những công trình!

Trước thực trạng nhiều công trình xây dựng xuống cấp không phanh được phản ánh trên các phương tiên thông tin báo chí thời gian gần đây, dư luận xã hội đang đặt câu hỏi: Vì sao mọi công trình đều phải trải qua các bước như đấu thầu, thẩm định, thi công và giám sát,… nhưng chất lượng thì cứ yếu, cứ kém?

Nhiều câu hỏi chất lượng công trình đằng sau sự kiện sụt lún đường Lê Văn Lương.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều về tình trạng lún, nứt, thậm chí là các “hố tử thần” xuất hiện tại nhiều công trình xây dựng. Điều đáng nói là hiện tượng này đang xảy ra có xu hướng ngày càng nhiều, từ công trình to đến công trình nhỏ khiến dù là ai và bất kỳ ở đâu cũng phải đặt câu hỏi chất lượng công trình có đảm bảo không?

Điều này cũng từng được ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nói tới khi ông chia sẻ rằng, vì các công trình tư nhân được giám sát chặt chẽ nên có ít sự cố còn nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách hoặc ODA lại thường xuyên xảy ra sự cố.

Lý giải cho điều này, theo ông Hiệp thì ngoài yếu tố “giơ cao đánh khẽ” đối với các chủ đầu tư đại diện Nhà nước khi có sự cố, cùng với việc năng lực còn hạn chế thì còn có nguyên nhân khác xuất phát từ mối quan hệ giữa ba bên là: Chủ đầu tư – Nhà thầu – Giám sát.

Ở một góc độ khác, ông Hiệp nhấn mạnh, hầu hết tư vấn giám sát và nhà thầu đều có quan hệ “dễ chịu” với chủ đầu tư, không loại trừ khả năng là “sân sau” của chủ đầu tư. Chính điều này khiến chủ đầu tư lúng túng khi xử phạt nhà thầu vi phạm và nhiều trường hợp dung túng cho cái sai của nhà thầu, kéo theo công trình chậm tiến độ và kém chất lượng

“Không chỉ chủ đầu tư mà năng lực của tư vấn giám sát cũng hạn chế. Tư vấn kém thì làm sao chọn được nhà thầu có năng lực và đảm bảo được chất lượng công trình” - ông Hiệp nói thêm.

Từ đó để thấy rằng, ngoài những nguyên nhân mang yếu tố “hành là chính” từ các cơ quan chức năng thì việc các quy trình đấu thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng yếu có thể xem là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chất lượng công trình kém.

Như Petrotimes đã phản ánh trong bài viết trước, ngoài các khoản đầu tư thực tế vào công trình xây dựng thì tổng giá trị đầu tư còn có một khoản không nhỏ dùng để lobby, để chạy chọt, để quà cáp, biếu xén,… trong quá trình “chạy dự án” cũng như thi công công trình.

Qua đó có thể khẳng định, sau khi vượt “ải” đấu thầu, các nhà thầu thi công đã phải mất một khoản không nhỏ cho các bác “chủ đầu tư” rồi và tất nhiên, khoản tiền này được các nhà thầu thi công rút ra từ chính nguồn kinh phí phê duyệt đầu tư cho công trình của chủ đầu tư. Khái niệm “rút ruột” công trình xây dựng cũng xuất phát từ đó.

Vậy các nhà thầu đã “rút ruột” các công trình xây dựng như thế nào? Và liệu rằng, ngoài cái “bắt tay” của chủ đầu tư với các nhà thầu thi công còn có cái “bắt tay” nào khác không?

Mối quan hệ thân thiết trên mức bình thường trong chuỗi quan hệ doanh nghiệp – ngân hàng – doanh nghiệp đang khiến dư luận đặt ra rất nhiều nghi vấn. Điều này càng được khẳng định khi những vấn đề về sai phạm trong hoạt động kinh tế của “bầu” Kiên đang dần sáng tỏ. Bằng những mối quan hệ cá nhân, “bầu” Kiên có thể cầm cố cổ phần ở ACB nhưng cũng lại có thể bán số cổ phần đó cho Tập đoàn Hòa Phát. Điều này đã gây nên những tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.

Những cái "bắt tay" giữa chủ đầu tư - nhà thầu - giám sát đang khiến nhiều công trình xuống cấp không phanh.

Nếu chiếu theo chuỗi quan hệ xung quanh của “bầu” Kiên vào mối quan hệ giữa chủ đầu tư – nhà thầu – giám sát có thể thấy, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống “3 trong 1”, tức là nhà thầu, giám sát sẽ là sân sau của chủ đầu tư. Và nếu không có sự chi phối của một cá nhân hay một nhóm lợi ích trong chuỗi quan hệ đó thì chuyện đồng tiền nuôi quan hệ hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo một kỹ sư xây dựng thì hiện nay, tại hầu hết các công trình xây dựng thì nhà thầu và đơn vị giám sát luôn luôn là “bạn”. Mối quan hệ này được xây dựng dựa trên việc ăn chia lợi ích được “rút” ra từ chính công trình.

“Mọi công trình xây dựng đều có thiết kế, có những tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy chuẩn quy định của Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn nhưng chất lượng công trình vẫn yếu, vẫn kém là vì giám sát đã làm ngơ trước cái sai, cái thiếu xót của nhà thầu xây dựng”, - vị kỹ sư trên thẳng thắn chia sẻ.

Vị này lấy ví dụ: Một công ty xây dựng nhận thầu thi công xây dựng trường mầm non với tổng giá trị đầu tư của toàn bộ công trình là 18 tỉ đồng. Nhưng để nhận được công trình này, nhà thầu thi công phải bỏ ra chừng 4 tỉ đồng cho các bác có thầm quyền phê duyệt trúng thầu. Như vậy, công trình với dự toán chi phí xây dựng là 18 tỉ đồng giờ chỉ còn 14 tỉ đồng.

Vậy muốn đảm bảo khoản lợi nhuận cho công ty ví dụ là 3 tỉ đồng (khoảng 15%) – mức lợi nhuận được xem là thấp nhất đối với mọi công ty xây dựng đặt ra khi đi thi công các dự án xây dựng.

Như vậy, sẽ chỉ còn lại 11 tỉ đồng để đầu tư xây dựng vào công trình. Vậy chất lượng công trình làm sao mà không thấp, không kém và xuống cấp được cơ chứ. Sụt, lún, rạn, nứt có lẽ cũng chỉ là biểu hiện ban đầu mà thôi!

“Ở hầu hết các công trình, bên giám sát và nhà thầu thi công luôn có mối quan hệ mật thiết. Nhà thầu có làm sai thì vì phía giám sát cũng nhắm mắt làm ngơ. Đường bê – tông 20cm hoàn toàn có thể trở thành 10 hay 15cm nếu có sự "thỏa hiệp" giữa nhà thầu và bên giám sát” – kỹ sư này nói.

Sự yếu kém xuất phát từ cái “bắt tay” của nhà thầu và bên giám chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng yếu kém tại các công trình xây dựng. Khâu nghiệm thu cũng vì thế mà bị “che mắt” bởi đơn giản, chủ đầu tư đã ký những hợp đồng giám sát hoặc giao phó trách nhiệm cho bộ phận giám sát do mình thành lập ra,… nên giám sát bảo đúng là đúng và tất nhiên sai là sai.

Vậy trong quá trình giám sát và thi công đã “bắt tay” nhau rồi thì lúc nghiệm thu sẽ ra sao? Không cần phải nói hẳn bất kỳ ai cũng hiểu, giám sát và thi công cùng chung một “chí hướng”: Được nghiệm thu!

Những công trình ra đời như thế thì chất lượng làm sao có thể tốt được cơ chứ!

Thanh Ngọc

petrotimes

Các tin tức khác

>   Bùng nổ nợ khó đòi trong xây dựng (28/09/2012)

>   Giao nhà thô: Chiêu hạ giá khôn ngoan (28/09/2012)

>   Đồng tiền đánh cắp lòng tin (28/09/2012)

>   Những dấu hiệu hâm nóng thị trường căn hộ cuối năm (28/09/2012)

>   Yêu cầu tính chỉ số giá xây dựng theo đúng chuẩn (28/09/2012)

>   Cần 7 năm để tiêu thụ 70 nghìn căn hộ tồn kho (28/09/2012)

>   Khởi động dự án 1,5 tỉ USD lấn biển Cần Giờ (28/09/2012)

>   Loạn giá thuê đất theo thị trường (28/09/2012)

>   Chuyên gia: Gây quỹ đầu tư bất động sản sẽ rất khó (27/09/2012)

>   "Động mạch chủ” ở ngay thị trường căn hộ (27/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật